Fashion

sdgad

New Post

Rss

Hiển thị các bài đăng có nhãn đầu tư. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn đầu tư. Hiển thị tất cả bài đăng
Intel sắp xây dựng nhà máy sản xuất chip 14 nm trị giá 4 tỉ USD

Intel sắp xây dựng nhà máy sản xuất chip 14 nm trị giá 4 tỉ USD

Intel đang tính chuyện xây dựng một nhà máy sản xuất chip mới trị giá 4 tỉ USD tại Ireland nhằm phục vụ dây chuyền sản xuất chip 14 nm trong một vài năm tới đây.


Nhà máy mới sẽ mất khoảng 2 năm để xây dựng và sẽ tạo ra khoảng 3500 công việc cho việc xây dựng cũng như 800 công việc toàn thời gian bên trong nhà máy khi nó được hoàn chỉnh.

CEO Paul Otellini của Intel xác nhận rằng nhà máy ở Ireland của Intel là 1 trong 3 nhà máy đã được chọn để sản xuất chip 14 nm thế hệ tiếp theo của công ty. Hai nhà máy còn lại được đặt tại các bang Oregon và Arizona.

Intel hiện đang thành công với quy trình sản xuất công nghệ 22 nm và dự kiến sẽ ra mắt chip 14 nm trong vòng vài năm tới. Công ty cũng đang lên kế hoạch phát triển các chip 10 nm, 7 nm và thậm chí là 5 nm từ sau năm 2015.

Nhà máy mới tại Ireland có tổng diện tích sàn vào khoảng 245.000 m2 và sẽ hoạt động cùng với cơ sở hạ tầng Intel và các tòa nhà hiện có. Cụ thể, nhà máy bao gồm 1 nhà máy chế tạo chính có 3 tầng với diện tích sàn là 100.800 m2. Các tòa nhà khác bao gồm 1 cơ sở hóa chất lỏng và thu thập nước thải, bộ phận hỗ trợ lắp ráp, một cơ sở 2 tầng với nồi hơi và máy lạnh, tòa nhà xử lí nước và các hệ thống báo động khẩn cấp cũng như công trình điện được bố trí với các máy phát điện bằng dầu diesel.

Theo TTCN
Dell lên kế hoạch rút khỏi thị trường chứng khoán

Dell lên kế hoạch rút khỏi thị trường chứng khoán

Cổ phiếu của tập đoàn sản xuất máy tính Dell trong phiên giao dịch hôm thứ hai (14/1) đã tạo được sự bứt phá ấn tượng trước nguồn tin cho rằng tập đoàn này sẽ rút khỏi thị trường chứng khoán, trở thành công ty tư nhân.

Dell sẽ trở thành công ty tư nhân?

Cổ phiếu công nghệ đã trở thành tâm điểm của sàn giao dịch chứng khoán Mỹ hôm 14/1 khi chứng kiến sự tụt dốc thảm hại của Apple và cú lội ngược dòng ngoạn mục của Dell.

Theo đó, mối lo ngại về nhu cầu iPhone 5 ngày càng èo uột đã khiến cổ phiếu của Apple giảm 3,6% xuống còn 501,75 USD/cổ phiếu, thậm chí có những thời điểm cổ phiếu của hãng Apple còn bị rớt xuống dưới mốc 500 USD.

Trong khi đó, cổ phiếu của hãng Dell lại nhảy vọt 13%, lên mức 12,29 USD/cổ phiếu đạt mức cao nhất trong vòng 5 tháng trở lại đây, ngay sau khi hãng Bloomberg thông báo thông tin hãng sản xuất máy tính lớn thứ 3 của Mỹ đang lên kế hoạch trở thành công ty tư nhân.

Trước đó, Bloomberg đưa tin Dell đang đàm phán với hai công ty tài chính để rút khỏi thị trường chứng khoán, đồng thời liên hệ với một số ngân hàng lớn để hỗ trợ hãng máy tính này mua lại cổ phiếu của các cổ đông thực hiện kế hoạch chuyển hóa thành công ty tư nhân.

Tuy vậy, kế hoạch này của Dell sẽ khó có thể thực hiện được nếu không đảm bảo được nguồn tài chính hoặc không được chấp thuận rút lui khỏi thị trường chứng khoán.

Mặc dù, được đánh giá là hãng sản xuất máy tính lớn thứ 3 của Mỹ nhưng những năm gần đây tập đoàn Dell đang vấp phải rất nhiều khó khăn khi mất đi 1/3 giá trị thị trường hồi cuối năm 2012. Kết quả kinh doanh tháng 11/2012 cho thấy doanh thu của Dell đã sụt giảm 7% so với cùng kì năm 2011, trong khi đó, lợi nhuận của hãng này bị giảm tới 34%.

Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết hiện CEO của Dell, Michael Dell, đang sở hữu một lượng cổ phiếu khá lớn khoảng 15,7%, có thể sẽ góp phần giúp các công ty tài chính dễ dàng hoàn thành thương vụ của Dell.

Theo Sống Mới
“Hiệu quả CNTT Việt Nam còn dưới tiềm năng vốn có”

“Hiệu quả CNTT Việt Nam còn dưới tiềm năng vốn có”


Đó là nhận xét của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về thực trạng nền CNTT Việt Nam tại Hội nghị Triển khai Nghị quyết Trung ương 4 về Phát triển hạ tầng thông tin do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hôm nay, 15/1, tại Hà Nội.

Bộ TT-TT tổ chức Hội nghị Triển khai Nghị
quyết Trung ương 4 về Phát triển hạ tầng thông tin.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng Việt Nam trong thời gian qua đã có những bước tăng trưởng mạnh về CNTT, được các nước trên thế giới đánh giá cao. Tuy nhiên, thực tế ngành công nghệ cao trong nước vẫn chưa phát triển đúng như tiềm năng vốn có của mình.

Phó Thủ tướng cho rằng lãnh đạo các cấp cần phải nhận thức tầm quan trọng, vai trò của CNTT. “Phải coi CNTT là động lực quan trọng nhất để phát triển bền vững đất nước, nâng cao năng lực cạnh tranh và phải có hành động cụ thể để nâng cao hiệu quả của toàn ngành”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. “Việt Nam cần phải đẩy mạnh đầu tư phát triển nguồn nhân lực của CNTT. Việt Nam đã hội nhập rất sâu vào nền kinh tế thế giới, vì thế nguồn nhân lực cũng phải đạt tiêu chuẩn quốc tế thông qua các chương trình đào tạo theo chuẩn kỹ năng nhân lực theo chuẩn quốc tế”.

Theo Phó Thủ tướng, để triển khai Nghị quyết Trung ương 4 về Phát triển hạ tầng thông tin, Việt Nam cần xây dựng nền CNTT vững mạnh đáp ứng nhu cầu của cả nước. Đặc biệt, cần xây dựng doanh nghiệp chủ lực ngang tầm thế giới và trong thời gian tới cần xây dựng khu công nghiệp CNTT tập trung, khu công viên phần mềm để thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư, trong đó có các quốc gia hàng đầu về CNTT như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần đẩy mạnh đầu tư ứng dụng CNTT, xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử tại các địa phương. “Hiện tại hiệu quả ứng dụng vẫn còn thấp, vẫn còn làm theo phong trào, chưa đánh giá được CNTT đã giúp chúng ta bao nhiêu trong quản lý”.

CNTT Việt Nam chưa phát huy hết tiềm năng vốn có.
Nói về hạn chế của ngành CNTT hiện nay, Phó Thủ tướng cho rằng ngành CNTT nói chung và công nghiệp phần mềm Việt Nam nói riêng còn hạn chế về việc xây dựng nhận thức cho người tiêu dùng và toàn xã hội. Từ doanh nghiệp đến người dùng đều chạy đua nhập khẩu các sản phẩm từ nước ngoài, trong khi đó các công ty nước ngoài tìm đến Việt Nam để thuê phát triển phần mềm, sản phẩm cho họ. “Bản thân người dùng trong nước không ủng hộ sản phẩm Việt Nam và các doanh  nghiệp không nỗ lực để xây dựng các sản phẩm ngang tầm thế giới thì .ngành CNTT Việt Nam không có môi trường để phát triển”.

Phó Thủ tướng cho rằng các Bộ ngành cần đầu tư để tháo gỡ khó khăn về thị trường cho các sản phẩm Việt Nam, đẩy mạnh việc ưu tiên người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. Tuy vậy, ông Hải cũng nói các doanh nghiệp, các nhà cung cấp dịch vụ CNTT cần phải thường xuyên nâng cao chất lượng sản phẩm của mình, đặc biệt là dịch vụ sau bán hàng, và việc tạo ra các sản phẩm phù hợp với từng nhu cầu của thị trường.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cho rằng hiện nay việc chia sẻ hạ tầng thông tin của Việt Nam còn rất kém, thiếu sự hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau. Việc đầu tư trùng lặp còn rất nhiều, gây nên sự lãng phí.

Phó Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho Bộ TT-TT cần phối hợp liên ngành để phát triển hạ tầng thông tin: hạ tầng viễn thông, hạ tầng internet, CNTTvà thức đẩy phát triển ngành CNTT, công nghiệp phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT.

“Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần phải có kế hoạch để bố trí nguồn nhân lực, vốn để xây dựng hạ tầng thông tin tại địa phương, tập trung, phát triển hạ thông tin, đẩy mạnh úng dụng CNTT, tuỳ theo khả năng”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Dân Trí
11 doanh nghiệp ICT Trung Quốc tìm đến Hà Nội

11 doanh nghiệp ICT Trung Quốc tìm đến Hà Nội

Ngày 22/1, tại Hà Nội, Hội Tin học Việt Nam (VAIP) sẽ tổ chức giao lưu Doanh nghiệp ICT Hà Nội - Thẩm Quyến, với sự tham gia của 11 doanh nghiệp thuộc Hội Công nghiệp điện tử Thẩm Quyến (SZEIA).

Thẩm Quyến là “cái nôi” hình thành nhiều doanh nghiệp Điện tử - Tin học lớn của Trung Quốc.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Các doanh nghiệp sẽ cùng trao đổi, tìm hiểu thị trường trang thiết bị tin học - điện tử tại Thẩm Quyến và Hà Nội; giao lưu và hợp tác trong lĩnh vực thương mại thuộc ngành ICT.

Đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của các doanh nghiệp ICT Thẩm Quyến kể từ sau khi VAIP và SZEIA ký Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên nhân dịp đoàn doanh nghiệp CNTT Việt Nam sang thăm và làm việc với SZEIA (tháng 9/2012).

Theo thỏa thuận trên, hai bên đặt mục tiêu tăng cường trao đổi các đoàn xúc tiến thương mại và đầu tư để chia sẻ kinh nghiệm và thị trường, ngoài ra hai bên cũng hợp tác trong lĩnh vực đào tạo và giới thiệu công nghệ mới của lĩnh vực CNTT-Điện tử.

Trao đổi với phóng viên ICTnews, ông Nguyễn Long, Tổng Thư ký VAIP cho biết: Từ trước tới nay, thị trường Việt Nam vẫn tiêu thụ một lượng khá lớn sản phẩm điện tử - tin học xuất xứ từ Trung Quốc, trong đó nhiều sản phẩm được chuyển lậu qua biên giới. Buổi giao lưu sắp tới là kênh xúc tiến thương mại chính thống các mặt hàng điện tử - tin học của Trung Quốc vào Việt Nam. Đặc biệt, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam đề xuất chuyển giao các công nghệ mới.

Các doanh nghiệp thuộc SZEIA sẽ chia sẻ với doanh nghiệp CNTT-TT Việt Nam nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực hoạt động như: thiết bị tiết kiệm năng lượng, sản phẩm an ninh điện tử (báo động chống trộm xe, bộ điều khiển xe điện...), thiết bị ngoại vi máy tính, máy tính bảng, thiết bị chống sét, máy chơi game, máy ảnh kỹ thuật số, hệ thống đa phương tiện màn hình hiển thị, hệ thống kios thông tin tương tác,...

SZEIA là một trong những hiệp hội công nghiệp đầu tiên tại Thẩm Quyến, được thành lập từ năm 1986. Trong năm 2011, các công ty thành viên SZEIA đã tạo ra 600 tỷ USD, chiếm 60% tổng doanh số trong ngành công nghiệp điện tử - CNTT ở Thẩm Quyến. Là một thành viên của Liên minh Điện tử Thế giới, SZEIA hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp thành viên mở rộng thị trường quốc tế, bảo vệ lợi ích hợp pháp và đối phó với các cuộc xung đột trong thương mại quốc tế.

Định hướng của SZEIA trong thời gian tới là tăng cường liên hệ với các nước ASEAN và sự hợp tác, giao tiếp với đối tác, trong đó có Việt Nam.

Theo ICTNews
Apple “chỉ” trả 4,15 triệu USD cho Tim Cook trong năm 2012

Apple “chỉ” trả 4,15 triệu USD cho Tim Cook trong năm 2012

Mặc dù điều hành công ty có giá trị nhất thế giới, cũng như mang về cho Apple những khoảng doanh thu kỷ lục, tuy nhiên số tiền mà Apple chi trả cho Tim Cook trong năm 2012 “chỉ” 4,15 triệu USD, bằng 1% so với số tiền mà Cook nhận được trong năm 2011.

Thông tin trên được tiết lộ dựa vào tài liệu mà Apple vừa nộp lên Ủy ban chứng khoán Hoa Kỳ.

Dĩ nhiên, với 4,15 triệu USD nhận được trong 1 năm làm việc luôn là số tiền mà nhiều người mơ ước, tuy nhiên trên thực tế, số tiền này chỉ bằng 1% so với những gì mà Tim Cook đã nhận được trong năm 2011. Năm ngoái, Apple đã trả cho Tim Cook số iền lên đến 378 triệu USD và trở thành CEO được trả lương cao nhất thế giới.

Tim Cook chỉ nhận được số tiền bằng 1% so với năm 2011

Điều này cũng gây không ít ngạc nhiên, nhất là trong năm qua, dưới sự dẫn dắt của Tim Cook, giá trị vốn hóa thị trường của Apple đã  tăng lên thêm 480 tỷ USD. Tuy nhiên, có vẻ như số tiền mà Tim Cook nhận được trong năm 2012 bị giảm sút là vì các lý do kỹ thuật, chứ không phải vì khả năng lãnh đạo của mình.

Khi được đề cử lên thay thế Steve Jobs ở vị trí CEO của Apple vào năm 2011, Tim Cook được tặng thêm một số lượng lớn cổ phiếu tại Apple, điều này khiến cho tổng số tiền mà Tim Cook nhận được trong năm 2011 lên đến 378 triệu USD. 

Trong những năm tiếp theo, Cook vẫn sẽ tiếp tục nhận được thêm lượng cổ phiếu mới, nhưng ít hơn so với năm đầu tiên. Có vẻ như chính sự sụt giảm về lượng cổ phiếu mà Tim Cook nhận được trong năm 2012 đã khiến cho số tiền mà Cook nhận được trong năm nay đã bị giảm sút đáng kể so với năm trước.

Tuy nhiên, nhìn chung số tiền mà Tim Cook nhận được trong năm 2012 vẫn thấp hơn rất nhiều những thành viên khác trong ban lãnh đạo của Apple, nhờ vào lượng lớn cổ phiếu mà những thành viên khác trong ban giám đốc nhận được.

Chẳng hạn Bob Mansfield, Phó chủ tịch phụ trách công nghệ của Apple nhận số tiền hơn 85,5 triệu USD trong năm 2012, hay Peter Oppenheimer, Giám đốc tài chính của Apple nhận số tiền là 68,5 triệu USD trong năm qua…

Trong tổng số 4,15 triệu USD mà Tim Cook nhận được của năm 2012 có hơn 1,3 triệu USD là tiền lương. Đây vẫn là mức lương rất cao của một vị CEO công nghệ, khi phần lớn các CEO hiện nay chủ yếu chỉ nhận mức lương tượng trưng 1 USD. Trước đó, khi còn sống Steve Jobs cũng chỉ nhận mức lương 1 USD/năm tại Apple.

Theo Dân Trí
RIM chi 65 triệu USD để giải quyết kiện tụng với Nokia

RIM chi 65 triệu USD để giải quyết kiện tụng với Nokia

Như thông tin đã đưa trước đó, RIM đã giải quyết ổn thỏa việc sử dụng sáng chế về công nghệ Wi-Fi của Nokia bằng một thỏa thuận. Tuy nhiên, mức phí mà RIM phải đưa cho Nokia để toàn quyền sử dụng sáng chế trên vẫn không được tiết lộ.

Theo một bản báo cáo được Nokia và RIM gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái, số tiền mà RIM thanh toán cho Nokia là 65 triệu USD, và số tiền này sẽ thanh toán 1 lần duy nhất.

Với số tiền này, coi như RIM đã giải quyết ổn thỏa các sáng chế mà họ đang tranh chấp với Nokia. Theo giới phân tích, Nokia đã nhận 2 - 5 USD cho mỗi thiết bị mà RIM vi phạm.

Được biết, hãng điện thoại Phần Lan hiện đang nắm giữ hơn 10.000 bằng sáng chế công nghệ và kiếm được 500 triệu EUR/năm (khoảng 650 triệu USD) nhờ vào tiền bản quyền công nghệ.

Samsung đầu tư gần 4 tỷ USD để mở rộng sản xuất vi xử lý

Samsung đầu tư gần 4 tỷ USD để mở rộng sản xuất vi xử lý

Samsung đã đầu tư thêm gần 4 tỉ USD cho nhà máy tại Austin như là một dấu hiệu cho thấy công ty muốn mở rộng sang sản xuất vi xử lý thay vì chỉ chip nhớ như trước đây tại nhà máy này.


Samsung và chính phủ tiểu bang Texas đã hoàn tất các cuộc đàm phán cho phép công ty Hàn Quốc được đầu tư 3,9 tỉ USD vào cơ sở sản xuất của mình ở Austin. Tờ Thời báo Kinh doanh (Mỹ) cho biết, cơ sở ở Austin là nơi Samsung đầu tư phát triển chip nhớ, và việc mở rộng hoạt động mới sẽ giúp thúc đẩy sản xuất vi xử lý cho các thiết bị di động.

Điều này như là một tín hiệu cho thấy rằng Samsung đang tìm cách để giảm thiểu sự phụ thuộc của mình vào thị trường chip nhớ không thể đoán trước, giúp hãng xâm nhập tốt hơn vào thị trường vi xử lý dành cho máy tính bảng và smartphone.

Khách hàng lớn nhất của Samsung trong thị trường VXL là Apple, tuy nhiên, do ảnh hưởng của cuộc cạnh tranh pháp lí gay gắt mà Apple chỉ ra rằng hãng có thể lựa chọn nhà cung cấp vi xử lý mới, mà TSMC là công ty sáng giá nhất. Với việc mở rộng mới, Samsung đặt TSMC làm đối thủ cạnh tranh trực tiếp của mình.

Ông Woosung Han, chủ tịch của Samsung Semiconductor tại Austin, cho biết: "Việc liên tục đầu tư nhiều tỉ USD tại Austin sẽ giúp chúng tôi mở rộng sự có mặt và trở thành một trung tâm sản xuất chất bán dẫn".

Theo Genk
Foxconn mua cổ phần của hãng thiết bị camera

Foxconn mua cổ phần của hãng thiết bị camera

Foxconn là một trong những công ty sản xuất linh kiện điện tử và gia công hàng đầu trên thế giới. Để mở rộng thị trường kinh doanh của mình Foxconn vừa tuyên bố đã mua lại 9% cổ phần của công ty GoPro với giá 200 triệu USD.

Foxconn mua cổ phần của hãng thiết bị camera

Ngoài số tiền 200 triệu USD phải trả cho GoPro thì Terry Gou, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Foxconn, sẽ tham gia hội đồng quản trị GoPro.

GoPro được biết đến như là một công ty chuyên sản xuất và cung cấp các thiết bị chụp ảnh và quay phim chuyên nghiệp. Dòng máy ảnh kiêm máy quay thể thao chuyên nghiệp HERO và máy ảnh "mountable" của GoPro được sử dụng bởi nhiều đối tượng tiêu dùng bao gồm cả vận động viên chuyên nghiệp và các chuyên gia sản xuất video.

Thương vụ hợp tác này đã giúp Foxconn lấn sân sang mảng kinh doanh thiết bị quay phim, chụp ảnh, còn GoPro hi vọng công ty sẽ vươn lên một tầm cao mới với tiềm lực mạnh mẽ từ Foxconn.

Theo Genk
Nokia cấp phép bản quyền bằng sáng chế cho RIM

Nokia cấp phép bản quyền bằng sáng chế cho RIM

Nokia và RIM đã đồng ý ngồi vào bàn đàm phái giải quyết các vấn đề liên quan đến các bằng sáng chế.

Mặc dù chưa có thông tin đầy đủ nhưng theo tiết lộ mới nhất, nhà sản xuất BlackBerry đã ký kết thanh toán với đối tác Phần Lan của mình một số tiền nhất định. Với số tiền nhận được, Nokia sẽ có thêm khoản tiền giúp công ty vượt qua những khó khăn trong kinh doanh hiện nay.


Trước đó, Nokia cho biết RIM đã vi phạm một số bằng sáng chế của mình và yêu cầu một lệnh cấm bán tại Mỹ, Canada và Anh. Điều đó có nghĩa, để tránh bị ảnh hưởng đến việc kinh doanh thiết bị BlackBerry, phía RIM sẽ buộc phải ký kết với Nokia một thỏa thuận cấp phép mà ở đó công ty của Canada sẽ phải thanh toán một khoản phí sử dụng bằng sáng chế từ Nokia.

RIM sẽ cố gắng để tránh bất kỳ loại ẩu đả nào liên quan đến cuộc chiến pháp lý trong thời gian tới để có thể an tâm cho việc ra mắt BlackBerry 10 vào ngày 30-1 tới đây. Công ty hy vọng có thể tạo ra cơ hội cho mình lấy lại một thị phần nào đó trong thị trường smartphone.

Trong báo cáo rất tỉ mỉ về các số liệu quý 3-2013 vừa được đưa ra, RIM cho biết hãng đã mất 1 triệu người sử dụng, đó là chưa kể khoản lỗ mà công ty phải gánh chịu.

Theo NLD
Google không định cạnh tranh trực tiếp với Amazon

Google không định cạnh tranh trực tiếp với Amazon

Sau khi Google thâu tóm công ty BufferBox với giá 17 triệu USD hồi tháng trước, dư luận đã đồn đoán rằng “gã khổng lồ tìm kiếm” sẽ tìm kiếm cơ hội mới bằng việc cạnh tranh trực tiếp với tập đoàn Amazon trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Google không định cạnh tranh trực tiếp với Amazon

Tuy nhiên, trước những thông tin đồn thổi trên, Phó Chủ tịch phụ trách Google Shopping là Sameer Samat đã khẳng định rằng họ không có bất kỳ kế hoạch nào để “trở thành một nhà bán lẻ trong giai đoạn hiện nay.”

Phó Chủ tịch Samat cho hay, thương vụ mua lại BufferBox để phục vụ mục đích tạo ra “một sân chơi công bằng cho các nhà bán lẻ” chống lại Amazon, có nghĩa là Google muốn trở thành “người bạn công nghệ tốt nhất” của giới doanh nghiệp bán lẻ, chứ không phải đối đầu trực tiếp với Amazon.

Theo vị quan chức này, thời điểm hiện nay không thích hợp để họ trở thành một nhà bán lẻ đúng nghĩa.

Ông Samat nói thêm rằng Google đang tích cực làm việc để đưa những tính năng mới vào Google Shopping, như xem sản phẩm với góc nhìn 360 độ, nhằm giúp người tiêu dùng cảm nhận được rõ nhất những vật phẩm mà họ quan tâm.

BufferBox là một công ty Canada cung cấp dịch vụ khóa lưu trữ tạm thời cho những người có thể nhận mua hàng trực tuyến nhưng không ở nhà.

Công ty này, trụ sở tại Waterloo, Ontario, có một mạng lưới khóa lưu trữ ở quanh Toronto.

Người dùng có thể đăng ký dịch vụ và cung cấp cho BufferBox địa chỉ các nhà bán lẻ trực tuyến. Bưu kiện sẽ được gửi đến một tủ khóa, và người dùng có thể lấy nó bằng cách truy cập bằng một mật mã được gửi qua email. Tủ khóa sau đó có thể được sử dụng cho người khác.

Việc trả tiền theo cách này có thể giúp Google mở rộng kinh doanh thương mại điện tử, dù những đối thủ của họ bao gồm Amazon.com đã triển khai dịch vụ tương tự.

Theo Vietnam+
Microsoft sẽ đóng của dịch vụ Live Mesh vào tháng 2/2013

Microsoft sẽ đóng của dịch vụ Live Mesh vào tháng 2/2013

Microsoft đã thông báo sẽ đóng cửa dịch vụ đồng bộ PC, Live Mesh, vào ngày 13/2/2013 để thay thế bằng dịch vụ lưu trữ đám mây SkyDrive tốt hơn.

Dịch vụ đồng bộ dữ liệu Live Mesh sẽ chính thức đóng của vào ngày 13/02/2013

Live Mesh được Microsoft giới thiệu vào năm 2008 với một kế hoạch khá tham vọng. Tuy nhiên nó đã không đáp ứng được kì vọng ban đầu và Microsoft đã lên kế hoạch thay thế bằng một dịch vụ ưu việt hơn là SkyDrive.

Microsoft cho biết, tại thời điểm này Live Mesh đã được vài triệu người đăng kí sử dụng, nhưng việc chuyển sang dịch vụ lưu trữ đám mây SkyDrive là cần thiết. Hiện nay số người sử dụng dịch vụ Live Mesh còn lại ít hơn 25.000 người, trong khi có 200 triệu người đang sử dụng SkyDrive.

Tính năng đồng bộ có chọn lọc vừa được Microsoft đưa vào SkyDrive trong tháng 11/2012, đây là điều khiến cho nhiều người dùng Live Mesh chuyển sang sử dụng SkyDrive. Ngoài ra, SkyDrive còn được Microsoft bổ sung và cập nhật thường xuyên dựa vào những e-mail phản hồi của khách hàng.

Với tính năng đồng bộ có chọn lọc của SkyDrive, người dùng có thể tự do lựa chọn những gì họ muốn đồng bộ và có thể chia sẻ trực tiếp các tập tin và thư mục từ File Explore của Windows. Điều này hoàn toàn khác biệt với Live Mesh, một dịch vụ mà bạn phải lựa chọn đồng bộ tất cả, hoặc không có gì.

Ngoài ra, người dùng cũng có thể sử dụng SkyDrive trên nền tảng Android hay iOS, trong khi Live Mesh chỉ hỗ trợ người dùng Windows. SkyDrive cũng tự động cập nhật và thông báo cho người dùng những tính năng mới.

Theo TTCN
Cisco mở chiến dịch truyền thông quy mô toàn cầu

Cisco mở chiến dịch truyền thông quy mô toàn cầu

Cisco vừa tung ra chiến dịch truyền thông quy mô toàn cầu “Internet kết nối mọi thứ”, trong đó nhấn mạnh việc kết nối tất cả từ con người, quy trình và dữ liệu sẽ tạo nên mạng lưới mang lại những giá trị mới.

Chiến dịch mang tên “Internet kết nối mọi thứ”

Chiến dịch của Cisco mang khẩu hiệu "Ngày mai bắt đầu từ đây”. Xuyên suốt chiến dịch là hoạt động quảng cáo phát sóng, các hoạt động truyền thông kỹ thuật số và truyền thông xã hội.

Trong đó, Cisco đưa công nghệ đột phá tương tác thực tế (Augmented Reality) vào các bản in quảng cáo. Và chỉ với chiếc smartphone hay tablet, người sử dụng có thể quét hình ảnh đã được mã hóa trên quảng cáo, ngay lập tức truy xuất được thông tin chi tiết liên quan, mở ra các đoạn phim, tài liệu hướng dẫn hoặc hình thức thể hiện thông tin qua hình ảnh, bất cứ ai cũng có thể theo dõi và tải về ngay trên thiết bị của mình.
Các kết nối mới được dựa trên hệ thống của Cisco với các thiết bị hỗ trợ giao thức IP, IPv6… cung cấp một nền tảng thông minh, dễ quản lí, bảo mật cao, có khả năng kết nối hàng tỉ thiết bị.

Ông John Chambers, Chủ tịch và Giám đốc Điều hành của Cisco kỳ vọng “Internet kết nối mọi thứ” sẽ làm thay đổi tất cả các ngành công nghiệp hiện tại, mang đến những cơ hội, thương vụ kinh doanh mới, những trải nghiệm và dịch vụ mới, đồng thời mở ra những cơ hội lớn cho các cá nhân, doanh nghiệp, quốc gia.

Theo ICTNews
FSoft lập “căn cứ” tại Đức, quyết khai phá thị trường mới

FSoft lập “căn cứ” tại Đức, quyết khai phá thị trường mới

Sự kiện khai trương Công ty TNHH FPT Đức thể hiện quyết tâm cao của FPT Software (FSoft) trong việc thiết lập “chân kiềng” thứ 3 bên cạnh Nhật Bản và Mỹ để tăng trưởng doanh thu và thị trường, hiện thực chiến lược toàn cầu hóa của FPT.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Anh, Đại sứ Việt Nam tại Đức và ông Uwe Schlager, Giám đốc điều hành FPT Đức cùng cắt băng khánh thành Công ty TNHH FPT Đức.

Công ty TNHH FPT Đức vừa chính thức khai trương ngày 13/11/2012 sẽ hoạt động trong các lĩnh vực tư vấn ủy thác, quản lý và xây dựng hệ thống thông tin; sản xuất, ủy thác và phân phối phần mềm đóng gói; sản xuất và ủy thác phát triển phần mềm ứng dụng; chuyển giao và phối hợp đào tạo kỹ sư phần mềm tại thị trường Đức. FPT Đức có trụ sở tại số 34, phố Dornhofstrabe, thành phố Neu – Isenburg, Frankfurt.

Mục tiêu mà FPT Đức nhắm tới là sẽ cung cấp cho thị trường châu Âu các dịch vụ thế mạnh về mảng công nghệ mới, công nghệ nhúng; dịch vụ nghiên cứu và phát triển (R&D), đồng thời mở rộng và phát triển quan hệ đối tác với các doanh nghiệp phần mềm và CNTT tại Đức.

Ông Uwe Schlager, Giám đốc điều hành của FPT Đức, người đã có hơn 20 năm kinh nghiệm chuyên sâu trong lĩnh vực CNTT và có hiểu biết thấu đáo về thị trường Đức cũng như khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nhận định: “Việc thành lập Công ty TNHH FPT Đức có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giúp FPT Software đến gần hơn với khách hàng, thiết lập và phát triển cả quan hệ hợp tác kinh doanh và hợp tác công nghệ”.

Đức đang là thị trường chiến lược trong kế hoạch phát triển của FPT Software. Trong năm 2011, thị trường châu Âu đóng góp hơn 10% doanh số cho đơn vị này. Tính đến hết quý 3/2012, tốc độ tăng trưởng của thị trường châu Âu đạt hơn 45%, chiếm tỷ trọng 12% toàn doanh thu của FPT Software.

Theo ICTNews
Vishipel trợ giúp thông tin vụ tàu Sài Gòn Queen bị đắm

Vishipel trợ giúp thông tin vụ tàu Sài Gòn Queen bị đắm

Tin từ Vishipel cho biết, Đài Thông tin vệ tinh mặt đất Cospas-Sarsat Việt Nam tiếp tục theo dõi và xử lý thông tin về sự kiện tàu Sài Gòn Queen bị đắm tại vùng biển thuộc Sri Lanka.

Đài Thông tin vệ tinh mặt đất Cospas-Sarsat Việt Nam đang
theo dõi và xử lý thông tin về sự kiện tàu Sài Gòn Queen bị đắm tại Sri Lanka. (Ảnh: Internet)

Công ty Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam (Vishipel) cho biết, lúc 12h22 ngày 30/10/2012, tàu Sài Gòn Queen phát tín hiệu báo động cấp cứu qua hệ thống Cospas-Sarsat. Ngay sau đó Đài Thông tin vệ tinh mặt đất Cospas-Sarsat Việt Nam đã chuyển thông tin trên tới cơ quan chức năng.

Qua xác minh thông tin hệ thống biết được: tàu Sài Gòn Queen thuộc Công ty CP Sài Gòn (Sài Gòn Ship) có trụ sở tại Quận 1 TP. Hồ Chí Minh. Trên tàu có 22 thuyền viên đang trên hành trình chở gỗ từ Myanmar tới Ấn Độ. Khoảng 10 giờ 28 phút ngày 30/10/2012 tàu gửi điện về Công ty Sài Gòn Ship thông báo: do gặp thời tiết xấu nên hàng bị xô, tàu phải quay đầu xuôi dòng để chằng buộc lại.

Thông tin này đã được Hệ thống Đài Thông tin duyên hải Việt Nam thông báo tới Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm Cứu nạn Hàng hải Việt Nam để có phương án hỗ trợ tàu bị nạn kịp thời.

Đến 05 giờ 51 phút ngày 31/10/2012, hệ thống xác định được: tàu Sài Gòn Queen đã chìm tại vị trí thuộc vùng biển có tọa độ vị trí: 07-59.84N 84-11.91E, nằm trên vùng biển Srri Lanka. Hiện 18 thuyền viên của tàu Sài Gòn Queen đã được tàu Pacific Skipper hoạt động trong cùng khu vực hỗ trợ cứu vớt lúc 21giờ 40 phút ngày 30/10/2012, 04 thuyền viên trong đó có thuyền trưởng bị mất tích.

Đài Thông tin duyên hải Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi và cập nhật thông tin hỗ trợ vụ đắm tàu này.

Theo ICTNews
Yahoo! vừa thôn tính công ty ứng dụng Stamped

Yahoo! vừa thôn tính công ty ứng dụng Stamped

Giám đốc điều hành Yahoo! Marissa Mayer đã thực hiện thương vụ thôn tính đầu tiên với việc mua lại công ty ứng dụng Stamped, vốn được các thành viên cũ của Google phát triển.

Yahoo! vừa thôn tính công ty ứng dụng Stamped

Một trong thông báo đăng qua ứng dụng Instagram, bà Mayer cho biết: "Hãy xem thương vụ mua bán mới của chúng tôi với Stamped. Rất vui được làm việc cùng Robby và các cộng sự."

Robby mà bà Mayer nhắc đến trong thông báo trên chính là Rubby Stein, cựu giám đốc sản xuất của Google's Ad Exchange, sau đó đã rời bỏ gã khổng lồ và sáng lập nên công ty Stamped cách đây một năm rưỡi.

Stamped cũng sở hữu ít nhất bốn cựu nhân viên khác của Google.

Stamped được biết đến là công ty phát triển một ứng dụng trên iPhone cho phép người dùng đánh dấu những gì mình thích như các nhà hàng, các cuốn sách, những bộ phim và gợi ý những thứ này cho bạn bè. Tuy nhiên, cho đến nay ứng dụng này chưa hỗ trợ người dùng Yahoo.

Với thương vụ sát nhập này, Stamped sẽ ngừng việc phát triển ứng dụng trên nền tảng di động và phát triển một ứng dụng mới cho Yahoo.

Theo Vietnam+
Hanel đổi biểu trưng, hướng đến tầm nhìn mới

Hanel đổi biểu trưng, hướng đến tầm nhìn mới

Biểu trưng mới thể hiện tầm nhìn mới xa hơn, rộng hơn của Hanel, với mục tiêu trở thành một trong những doanh nghiệp tiên phong của nền kinh tế tri thức, phát triển bền vững theo công nghệ thân thiện với môi trường.

Tổng giám đốc Hanel Nguyễn Quốc Bình chính thức công bố biểu trưng mới của công ty.
Ảnh: Việt Hà.

Lễ công bố biểu trưng mới vừa được Công ty TNHH Một thành viên Hanel công bố tối 22/10/2012 tại Hà Nội.

TS. Nguyễn Quốc Bình, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Hanel cho biết, xuất phát điểm của Công ty TNHH Một thành viên Hanel hôm nay là Công ty Điện tử Hà Nội được thành lập năm 1984. Sau gần 28 năm phát triển, hiện Hanel đã có 32 công ty thành viên với gần 7.000 lao động, hoạt động kinh doanh đa ngành nghề với các lĩnh vực chủ chốt gồm điện tử - tin học - viễn thông; công nghệ vật liệu năng lượng mới; xây dựng kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, khu công nghệ cao, công viên phần mềm, khu công nghiệp phụ trợ; kinh doanh bất động sản và đầu tư tài chính; vận tải đa phương thức, kinh doanh kho bãi, logistic; đào tạo nghề và cung ứng lao động quốc tế.

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Bình, nếu như thương hiệu Hanel trước đây chỉ được khách hàng biết đến qua những sản phẩm máy thu thanh, thu hình thì ngày nay nhận diện thương hiệu Hanel đã có ở các dòng sản phẩm đa dạng như máy tính các loại, đầu thu kỹ thuật số, điện thoại di động, điện thoại thông minh, thiết bị điện tử gia dụng, các giải pháp phần mềm như tư vấn xây dựng cấu trúc chính phủ điện tử, xây dựng hạ tầng mạng CNTT, phát triển các ứng dụng mạng xã hội, phần mềm chống hàng giả, phần mềm chống rửa tiền, phát triển các phần mềm nguồn mở, phần mềm bảo mật và chữ ký số điện tử, hệ thống thẻ thông minh, dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông 3G...

Ngoài ra, Hanel còn tập trung đầu tư phát triển các dự án khu công nghệ cao, khu công viên phần mềm và công nghiệp phụ trợ...

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp CNTT-TT thì thời gian qua, mặc dù Hanel đã có nhiều tăng trưởng về doanh thu, song vẫn chưa thực sự khẳng định được sức mạnh của một doanh nghiệp công nghệ cao hàng đầu ở Thủ đô cũng như so với các doanh nghiệp cùng ngành trên phạm vi cả nước.
Trước những thời cơ thách thức mới trong thời hội nhập, Hanel đã quyết định đặt một tầm nhìn mới xa hơn, rộng hơn, với mục tiêu trở thành một trong những doanh nghiệp tiên phong của nền kinh tế tri thức, phát triển bền vững dựa trên nền tảng công nghệ và sức sáng tạo của người lao động, trở thành một doanh nghiệp có vị thế vững chắc trong nước và quốc tế.

“Việc công bố biểu trưng mới được xem là bước đi cần thiết và phù hợp để hiện thực hóa tầm nhìn mới, góp phần tạo đà để bứt phá mạnh về công nghệ và sản phẩm, khẳng định vị thế trên thị trường của Hanel”, ông Nguyễn Quốc Bình khẳng định.

Biểu trưng mới của Hanel được cấu trúc bởi 2 phần: phần biểu tượng và phần chữ. Phần biểu tượng là chữ H cách điệu với những ý nghĩa: H - Hà Nội, H - High Technology (công nghệ cao), H - Hanel. Chữ H được cách điệu thành hình ngọn lửa nằm trong vòng tròn biểu tượng toàn cầu, là một hình ảnh mới với ý nghĩa đầy năng lượng và nhiệt huyết. Phần biểu tượng cũng chính là 2 chữ S cách điệu song song với nhau ghép thành chữ H nằm trong hình tròn đánh dấu hình dáng đất nước trên bản đồ thế giới; chữ S còn lại luôn song hành đem đến sự thành công (Success) cho Hanel.
Trong một góc nhìn khác, phần biểu tượng hình tròn gồm hai chiếc lá biểu trưng cho một doanh nghiệp xanh, thân thiện với môi trường; đồng thời hình hai chiếc lá xoay ngược chiều nhau còn tạo thành hình Âm - Dương cân bằng và hài hoà lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích xã hội, là tiền đề cho sự phát triển bền vững.

Theo ICTNews
Apple muốn thâu tóm công ty của doanh nhân gốc Việt?

Apple muốn thâu tóm công ty của doanh nhân gốc Việt?

Chỉ một ngày sau khi có tin Color – một doanh nghiệp non trẻ của Bill Nguyễn – sắp đóng cửa, The Next Web đã đưa tin Apple muốn mua lại Color với mức giá hàng chục triệu đô-la.

Bill Nguyễn, triệu phú Internet gốc Việt - CEO Color.


Trước đó, Apple từng mua một trong những start-up của Nguyễn – Lala – với giá 80 triệu USD năm 2009. Nguyễn cũng có quan hệ với Phó chủ tịch mảng Phần mềm và dịch vụ Internet của Apple – Eddy Cue.
Color khởi đầu là một ứng dụng chia sẻ hình ảnh và phát triển thành một ứng dụng chia sẻ hình ảnh, video thời gian thực trên Facebook áp dụng cho cả iOS và Android song chỉ có ở mạng Verizon (Mỹ). Bất chấp liên minh với Facebook và Verizon cũng như nhận được 41 triệu USD đầu tư, trang phân tích ứng dụng AppData thống kê Color chỉ thu hút 440.000 người dùng hàng tháng.

Một nguồn tin của Color đã tiết lộ cho trang VentureBeat hội đồng công ty đang cân nhắc bỏ phiếu đóng cửa Color. Bản thân đồng sáng lập kiêm CEO Bill Nguyễn cũng rời bỏ chức vụ điều hành hồi tháng 9/2012. Vì thế, thông tin Apple muốn mua lại Color gây ngạc nhiên cho nhiều người.

Nhà phát triển iOS Daniel Jalkut đã tìm lại các ứng dụng được cấp phép bản quyền và tìm thấy 4 bằng sáng chế được cấp cho Color đúng vào khung thời gian Nguyễn từ chức. Có thể đây chính là thứ thu hút Apple vì chúng đều liên quan tới lĩnh vực chia sẻ nội dung đa thiết bị. Các ứng dụng này có tên: “Chia sẻ nội dung giữa nhóm thiết bị”, “Chia sẻ nội dung giữa nhiều thiết bị”, “Hình thành nhóm thiết bị người dùng” và “Lưu trữ và phân phối Nội dung cho nhóm thiết bị người dùng”.

Ngoài ra, giữ các bằng sáng chế này tránh xa khỏi Google cũng là một động lực cho Apple. Gã khổng lồ phần mềm từng đề nghị mua Color với giá 200 triệu USD trước cả khi chuẩn bị ra mắt. Còn đối với người dùng Apple, nếu thâu tóm Color, hãng sẽ tích hợp những khía cạnh tuyệt vời nhất của Color vào phiên bản chat video FaceTime mới. Các tính năng có thể bao gồm dùng Facebook hay Twitter để nhanh chóng xác định nhóm người dùng để chat video nhóm…

Du Lam
Theo Forbes
Apple bị kiện vì ảnh quảng cáo MacBook Pro Retina

Apple bị kiện vì ảnh quảng cáo MacBook Pro Retina

"Quả táo" sử dụng hình ảnh của một nhiếp ảnh gia trong các chiến dịch truyền thông máy MacBook Pro Retina trong khi thỏa thuận không đề cập đến việc được dùng để quảng cáo.

Bức ảnh "Eye Closeup" được dùng để quảng cáo MacBook Pro Retina.

Nhiếp ảnh gia người Thụy Sỹ, Sabine Liewald, đã đệ đơn kiện Apple vì sử dụng bức ảnh "Eye Closeup" của mình để quảng cáo MacBook Pro 15 inch Retina khi chưa được sự cho phép, theo CultofMac. Bà Liewald cho biết, khi Apple làm việc với công ty của mình là Factory Downtown để đề nghị một phiên bản độ phân giải cao của tấm hình này, hãng cho biết chỉ sử dụng cho mục đích dàn trang (layout purposes) và không có trong bất kỳ chiến dịch quảng cáo nào.

Vị nhiếp ảnh gia này sau đó cho biết đã rất ngạc nhiên khi Apple đã không làm như những gì cam kết. Bức hình xuất hiện nổi bật trên màn hình máy tính ở các tấm pa-nô quảng cáo lớn trong cả sự kiện giới thiệu cũng như các chiến dịch quảng cáo sau đó.

Ngoài thiệt hại theo luật định về vi phạm bản quyền, Sabine Liewald cũng yêu cầu bồi thường thiệt hại thực tế bao gồm cả lợi nhuận của bị đơn. Số tiền này dự kiến sẽ không ít bởi Apple là công ty có giá trị lớn nhất thế giới và dòng sản phẩm MacBook Pro Retina đang bán khá tốt.

Apple hiện chưa đưa ra lời bình luận nào về thông tin này.

Theo Số Hóa
Giá cổ phiếu của Apple bất ngờ xuống dưới 630 USD

Giá cổ phiếu của Apple bất ngờ xuống dưới 630 USD

Trong phiên giao dịch sáng thứ 3 (ngày 9/10), cổ phiếu của Apple dao động quanh mức 625 USD/CP, giảm 12,5 USD tương đương với 1,85% so với phiên giao dịch trước đó, và giảm 12% so với mức kỉ lục 705 USD.

Cổ phiếu của Apple xuống dưới 630 USD khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng.

Không có một công ty đang phát triển ổn định nào có mức suy giảm lớn như vậy. Tuy nhiên một số công ty công nghệ khác cũng ghi nhận giảm điểm, trong đó cổ phiếu của Amazon giảm 2,27% trong một ngày.

Theo các nhà phân tích, sự sụt giảm này là do các tin đồn gần đây về sự suy giảm lợi nhuận của Apple, chứ không phải là một vấn đề nghiêm trọng nào xảy ra, và giá cổ phiếu của Apple sẽ sớm phục hồi.

Theo dự báo tài chính của Apple về năm tài khóa mới (hết tháng 9/2013), cổ tức nhận được trên mỗi cổ phiếu là 12,52 USD, số dư tiền mặt tăng 35,62%, doanh thu tăng 22,6%, lợi nhuận tăng 20,7%. Như vậy sẽ thấp hơn rất nhiều so với mức doanh thu tăng 66% và lợi nhuận tăng 85% của Apple trong năm qua. Trong khi dự báo năm tài khóa của Google (hết ngày 31/12/2013), cổ tức trên mỗi cổ phiếu là 15,3%, Số dư tiền mặt tăng 30,6%, doanh thu tăng 35,3%, lợi nhuận tăng 11,2%.

Giá cổ phiếu không chỉ phản ánh tình trạng tốt, xấu của công ty, mà phản ánh cả các thông tin sai lệch về cổ phiếu đó. Vì vậy các nhà đầu tư cần tìm hiểu, những dự định tiếp theo của công ty, sự đổi mới, và thông tin về hoạt động của công ty.

Theo Fobes
Nhiều dự án quốc gia về CNTT “đói” vốn

Nhiều dự án quốc gia về CNTT “đói” vốn

Dù được xác định là cấp bách song nhiều dự án CNTT quy mô quốc gia vẫn chưa thể triển khai vì thiếu vốn đầu tư

Kinh phí hạn chế đang là một trong những lực cản lớn đối với hoạt động
 triển khai các dự án CNTT quy mô quốc gia. Ảnh minh họa. Ảnh: Internet.

"Bí" vốn nên phải tạm hoãn!

Theo Quyết định số 1605/QĐ-TTg ngày 27/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước giai đoạn 2011 - 2015, có 56 dự án CNTT quy mô quốc gia được xác định cần tập trung nguồn lực để triển khai.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ TT&TT được công bố tại phiên họp toàn thể lần thứ 3 năm 2012 Ban Điều hành triển khai công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước vừa diễn ra sáng 5/10/2012, nhiều dự án đang gặp khó khăn về nguồn vốn.

Đáng lưu ý là những dự án lớn liên quan “sát sườn” đến đời sống dân sinh. Chẳng hạn 2 dự án gồm Bệnh án điện tử và quản lí hệ thống khám chữa bệnh, Xây dựng dịch vụ tư vấn y tế, khám chữa bệnh từ xa của Bộ Y tế hiện vẫn dừng ở mức chuẩn bị đầu tư vì chưa có vốn. Hoặc 2 dự án Mạng giáo dục và ứng dụng CNTT trong giáo dục, Tin học hóa quản lí giáo dục của Bộ Giáo dục & Đào tạo chưa được triển khai bởi khó khăn về kinh phí và cơ chế quản lí. Đặc biệt, dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an vẫn nằm trên giấy bởi dự kiến kinh phí quá lớn - lên tới 4.000 tỉ đồng.

Danh sách còn kéo dài với các dự án Hệ thống xác thực quốc gia của Bộ TT&TT; Hệ thống chứng thực điện tử và chữ kí số trong các cơ quan Nhà nước của Ban Cơ yếu Chính phủ - Bộ Quốc phòng; Ứng dụng CNTT trong công tác cấp và quản lí CMND của Bộ Công an; Hệ thống thông tin kiểm toán Nhà nước của Kiểm toán Nhà nước; Xây dựng Trung tâm nguồn lực quốc gia về phần mềm nguồn mở của Bộ Khoa học & Công nghệ; Hệ thống thông tin quản lí án hình sự của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao…

Thuê dịch vụ để "gỡ" áp lực vốn

Để giảm áp lực nguồn vốn cho các dự án CNTT quy mô quốc gia, ông Phùng Văn Ổn, Giám đốc Trung tâm Tin học, Văn phòng Chính phủ gợi ý các Bộ, ngành, cơ quan Nhà nước nên quan tâm tới hướng hợp tác với doanh nghiệp.

Hiện đã có 6 dự án của Văn phòng Chính phủ có tên trong Danh mục 56 dự án CNTT quy mô quốc gia ban hành kèm Quyết định 1605 được triển khai theo hướng thuê dịch vụ, gồm các dự án: Hệ thống giao ban điện tử đa phương tiện giữa Thủ tướng Chính phủ với các Bộ, ngành, địa phương; Hệ thống thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trên Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước; Hệ thống quản lí, theo dõi chương trình công tác của Chính phủ; Mạng thông tin điện tử phục vụ trao đổi thông tin giữa Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước; Mở rộng, hoàn thiện Cổng thông tin điện tử Chính phủ, tích hợp các dịch vụ hành chính công trực tuyến trên Internet; Mở rộng, hoàn thiện hệ thống thư điện tử công vụ của Chính phủ trên Internet, tích hợp xác thực điện tử và chữ kí số.

Cụ thể, các doanh nghiệp chịu trách nhiệm đầu tư hệ thống CNTT, còn cơ quan Nhà nước sẽ trả phí sử dụng hệ thống cho doanh nghiệp. Khi đó, cơ quan Nhà nước không phải thụ động chờ vốn từ ngân sách để đầu tư hạ tầng và triển khai các dự án CNTT.

Đánh giá cao hiệu quả của hướng thuê dịch vụ song ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT, Bộ TT&TT lưu ý rằng nhiều Bộ, ngành vẫn vướng vì chưa có cơ sở pháp lí cụ thể để triển khai.

Cần lưu ý là trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, việc đầu tư vốn Nhà nước cho tất cả dự án CNTT quy mô quốc gia theo Quyết định 1605 mấy năm nay dù được ưu tiên vẫn chỉ chốt ở mức khoảng 100 tỉ đồng/năm, chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu. Thời gian tới, câu chuyện thiếu vốn cho dự án CNTT chưa thể được khắc phục, nhất là trong bối cảnh nguồn thu của ngân sách Nhà nước giảm mà lại bội chi (ước tính 9 tháng đầu năm 2012, ngân sách Nhà nước đã bội chi 122.000 tỉ đồng).

“Lối thoát” có vẻ khả thi là khuyến khích các Bộ, ngành sử dụng nguồn vốn của ngành để đầu tư cho các dự án CNTT theo dạng đầu tư cho hạ tầng. Chẳng hạn Bộ Giao thông Vận tải bố trí vốn cho dự án giao thông thông minh, coi đây là một dự án thành phần của dự án lớn về hạ tầng giao thông. Nếu theo hướng này, CNTT-TT sẽ có nhiều “đất” hơn để phát huy vai trò là hạ tầng của mọi hạ tầng trong đời sống xã hội.

Dự kiến từ tháng 10 đến tháng 11/2012, Ban Điều hành triển khai công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước sẽ kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai các dự án quy mô quốc gia theo Quyết định số 1605 tại các Bộ, ngành được giao chủ trì, xác định khó khăn và đề xuất giải pháp. Sau khi khảo sát, đánh giá nhóm dự án ưu tiên, Bộ TT&TT sẽ có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc ưu tiên tập trung triển khai một số dự án cấp thiết nhất, đề xuất một số dự án tạm dừng hoặc chuyển sang giai đoạn sau.

Nhóm các dự án ưu tiên kiểm tra, đôn đốc trước tiên gồm: Cơ sở dữ liệu về dân cư, Hệ thống thông tin hộ chiếu điện tử, Ứng dụng CNTT trong công tác cấp và quản lí Chứng minh nhân dân (Bộ Công an); Hệ thống thông tin tài chính tích hợp, Xây dựng và triển khai thí điểm hệ thống nộp tờ khai thuế qua mạng Internet, Triển khai thủ tục hải quan điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính (Bộ Tài chính); Hệ thống xác thực điện tử và chữ kí số trong các cơ quan Nhà nước (Ban Cơ yếu Chính phủ); Ứng dụng thương mại điện tử trong mua sắm Chính phủ, Hệ thống quản lí thông tin đầu tư nước ngoài, Cơ sở dữ liệu quốc gia về các dự án đầu tư, Cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp,… (Bộ Kế hoạch & Đầu tư).

Theo ICTNews
Copyright © 2012 Bloghotvn All Right Reserved