Fashion

sdgad

Nhiều dự án quốc gia về CNTT “đói” vốn

Dù được xác định là cấp bách song nhiều dự án CNTT quy mô quốc gia vẫn chưa thể triển khai vì thiếu vốn đầu tư

Kinh phí hạn chế đang là một trong những lực cản lớn đối với hoạt động
 triển khai các dự án CNTT quy mô quốc gia. Ảnh minh họa. Ảnh: Internet.

"Bí" vốn nên phải tạm hoãn!

Theo Quyết định số 1605/QĐ-TTg ngày 27/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước giai đoạn 2011 - 2015, có 56 dự án CNTT quy mô quốc gia được xác định cần tập trung nguồn lực để triển khai.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ TT&TT được công bố tại phiên họp toàn thể lần thứ 3 năm 2012 Ban Điều hành triển khai công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước vừa diễn ra sáng 5/10/2012, nhiều dự án đang gặp khó khăn về nguồn vốn.

Đáng lưu ý là những dự án lớn liên quan “sát sườn” đến đời sống dân sinh. Chẳng hạn 2 dự án gồm Bệnh án điện tử và quản lí hệ thống khám chữa bệnh, Xây dựng dịch vụ tư vấn y tế, khám chữa bệnh từ xa của Bộ Y tế hiện vẫn dừng ở mức chuẩn bị đầu tư vì chưa có vốn. Hoặc 2 dự án Mạng giáo dục và ứng dụng CNTT trong giáo dục, Tin học hóa quản lí giáo dục của Bộ Giáo dục & Đào tạo chưa được triển khai bởi khó khăn về kinh phí và cơ chế quản lí. Đặc biệt, dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an vẫn nằm trên giấy bởi dự kiến kinh phí quá lớn - lên tới 4.000 tỉ đồng.

Danh sách còn kéo dài với các dự án Hệ thống xác thực quốc gia của Bộ TT&TT; Hệ thống chứng thực điện tử và chữ kí số trong các cơ quan Nhà nước của Ban Cơ yếu Chính phủ - Bộ Quốc phòng; Ứng dụng CNTT trong công tác cấp và quản lí CMND của Bộ Công an; Hệ thống thông tin kiểm toán Nhà nước của Kiểm toán Nhà nước; Xây dựng Trung tâm nguồn lực quốc gia về phần mềm nguồn mở của Bộ Khoa học & Công nghệ; Hệ thống thông tin quản lí án hình sự của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao…

Thuê dịch vụ để "gỡ" áp lực vốn

Để giảm áp lực nguồn vốn cho các dự án CNTT quy mô quốc gia, ông Phùng Văn Ổn, Giám đốc Trung tâm Tin học, Văn phòng Chính phủ gợi ý các Bộ, ngành, cơ quan Nhà nước nên quan tâm tới hướng hợp tác với doanh nghiệp.

Hiện đã có 6 dự án của Văn phòng Chính phủ có tên trong Danh mục 56 dự án CNTT quy mô quốc gia ban hành kèm Quyết định 1605 được triển khai theo hướng thuê dịch vụ, gồm các dự án: Hệ thống giao ban điện tử đa phương tiện giữa Thủ tướng Chính phủ với các Bộ, ngành, địa phương; Hệ thống thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trên Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước; Hệ thống quản lí, theo dõi chương trình công tác của Chính phủ; Mạng thông tin điện tử phục vụ trao đổi thông tin giữa Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước; Mở rộng, hoàn thiện Cổng thông tin điện tử Chính phủ, tích hợp các dịch vụ hành chính công trực tuyến trên Internet; Mở rộng, hoàn thiện hệ thống thư điện tử công vụ của Chính phủ trên Internet, tích hợp xác thực điện tử và chữ kí số.

Cụ thể, các doanh nghiệp chịu trách nhiệm đầu tư hệ thống CNTT, còn cơ quan Nhà nước sẽ trả phí sử dụng hệ thống cho doanh nghiệp. Khi đó, cơ quan Nhà nước không phải thụ động chờ vốn từ ngân sách để đầu tư hạ tầng và triển khai các dự án CNTT.

Đánh giá cao hiệu quả của hướng thuê dịch vụ song ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT, Bộ TT&TT lưu ý rằng nhiều Bộ, ngành vẫn vướng vì chưa có cơ sở pháp lí cụ thể để triển khai.

Cần lưu ý là trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, việc đầu tư vốn Nhà nước cho tất cả dự án CNTT quy mô quốc gia theo Quyết định 1605 mấy năm nay dù được ưu tiên vẫn chỉ chốt ở mức khoảng 100 tỉ đồng/năm, chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu. Thời gian tới, câu chuyện thiếu vốn cho dự án CNTT chưa thể được khắc phục, nhất là trong bối cảnh nguồn thu của ngân sách Nhà nước giảm mà lại bội chi (ước tính 9 tháng đầu năm 2012, ngân sách Nhà nước đã bội chi 122.000 tỉ đồng).

“Lối thoát” có vẻ khả thi là khuyến khích các Bộ, ngành sử dụng nguồn vốn của ngành để đầu tư cho các dự án CNTT theo dạng đầu tư cho hạ tầng. Chẳng hạn Bộ Giao thông Vận tải bố trí vốn cho dự án giao thông thông minh, coi đây là một dự án thành phần của dự án lớn về hạ tầng giao thông. Nếu theo hướng này, CNTT-TT sẽ có nhiều “đất” hơn để phát huy vai trò là hạ tầng của mọi hạ tầng trong đời sống xã hội.

Dự kiến từ tháng 10 đến tháng 11/2012, Ban Điều hành triển khai công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước sẽ kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai các dự án quy mô quốc gia theo Quyết định số 1605 tại các Bộ, ngành được giao chủ trì, xác định khó khăn và đề xuất giải pháp. Sau khi khảo sát, đánh giá nhóm dự án ưu tiên, Bộ TT&TT sẽ có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc ưu tiên tập trung triển khai một số dự án cấp thiết nhất, đề xuất một số dự án tạm dừng hoặc chuyển sang giai đoạn sau.

Nhóm các dự án ưu tiên kiểm tra, đôn đốc trước tiên gồm: Cơ sở dữ liệu về dân cư, Hệ thống thông tin hộ chiếu điện tử, Ứng dụng CNTT trong công tác cấp và quản lí Chứng minh nhân dân (Bộ Công an); Hệ thống thông tin tài chính tích hợp, Xây dựng và triển khai thí điểm hệ thống nộp tờ khai thuế qua mạng Internet, Triển khai thủ tục hải quan điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính (Bộ Tài chính); Hệ thống xác thực điện tử và chữ kí số trong các cơ quan Nhà nước (Ban Cơ yếu Chính phủ); Ứng dụng thương mại điện tử trong mua sắm Chính phủ, Hệ thống quản lí thông tin đầu tư nước ngoài, Cơ sở dữ liệu quốc gia về các dự án đầu tư, Cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp,… (Bộ Kế hoạch & Đầu tư).

Theo ICTNews
Copyright © 2012 Bloghotvn All Right Reserved