Fashion

sdgad

New Post

Rss

Hiển thị các bài đăng có nhãn thương mại điện tử. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn thương mại điện tử. Hiển thị tất cả bài đăng
Mô hình mua sắm trực tuyến làm khó ngành bán lẻ Mỹ

Mô hình mua sắm trực tuyến làm khó ngành bán lẻ Mỹ

Giá rẻ là yếu tố để người tiêu dùng quyết định việc mua hàng và họ dần dần từ bỏ thói quen đến cửa hàng khi mà trên Internet có vô vàn lời mời chào hấp dẫn.

Ngày càng có nhiều người tiêu dùng dành phần lớn thời gian truy cập Internet để tìm được mức giá có lợi nhất. Đây là thời kì của thương mại điện tử - mô hình giao dịch mua bán trực tuyến ở dạng B2B (nhà cung cấp với nhà cung cấp), B2C (nhà cung cấp với khách hàng)…

"Các trang bán hàng trực tuyến hiện có khá nhiều công cụ để giúp người dùng dễ dàng theo dõi giá nào rẻ nhất. Amazon sẽ giành nhiều lợi thế hơn. Mua sắm trên mạng sẽ là trào lưu phát triển mạnh. Điều này dẫn đến việc nhiều nhà bán lẻ có nguy cơ “sập tiệm”, ông Michael Rubin, Giám đốc điều hành của Kynetic nói với CNBC. Kynetic hiện sở hữu ba trang web bán hàng trên mạng là Fanatics, Rue La La và ShopRunner.

Mua sắm online làm khó ngành bán lẻ Mỹ

Theo Rubin nhà bán lẻ truyền thống có nguy cơ thua cuộc nếu không nhìn thấy xu hướng bán hàng qua mạng sẽ nở rộ. Để hỗ trợ cho người tiêu dùng “săn” được giá rẻ nhất, một ứng dụng mới Hukkster dành cho mạng xã hội, cho phép người dùng có thể theo dõi mức giá tốt nhất trên các dòng sản phẩm yêu thích của họ. Ví dụ, người dùng sẽ được thông báo nếu có bất kì thông tin về phiếu ưu đãi hay chương trình khuyến mãi nào. Erica Bell, đồng sáng lập ứng dụng Hukkster cho biết: "Bất cứ lúc nào giá mặt hàng nào đó giảm, ứng dụng sẽ báo ngay cho bạn biết”.

Nhưng cũng chính điều này đã khiến các nhà bán lẻ truyền thống có nguy cơ không còn đất sống. Họ đang tập trung vào chiến lược giá để có thể “sống sót” trong giai đoạn ngắn hạn. Số khác thì đã nhận ra sức mạnh lan tỏa của các trang mạng bán hàng qua điện thoại thông minh. Do đó, một số nhà bán lẻ đang bắt đầu tìm hiểu về ứng dụng Hukkster.

"Chúng tôi đang tìm kiếm trang web của các nhà bán lẻ và rất mong đợi được hợp tác với các nhà bán lẻ trong năm tới", Katie Finnegan, đồng sáng lập ứng dụng Hukkster cho biết. "Các nhà bán lẻ đã bắt đầu chủ động tiếp cận với chúng tôi bởi vì họ nhận ra việc cần quảng bá trên mạng để gây sự chú ý đến mọi người hơn”, Finnegan nói.

Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà bán lẻ đều ủng hộ chuyện bán hàng trực tuyến. Đơn cử, một số trang web thương mại điện tử như Warby Parker và Etsy đang sắp mở các cửa tiệm để bán hàng thật sự.

"Tôi không phải là tín đồ của xu hướng bán hàng trên mạng", Rubin của Kynetic nói. Khoảng 43% số lượng người dùng đã sử dụng thử sản phẩm trong cửa hàng và sau đó họ quyết định mua chúng ở trang web trực tuyến, theo một khảo sát của Harris trong giai đoạn từ ngày 27/11 đến 29/11.

Theo VnExpress
Nam Bộ: "Tụt hậu" về nhân lực, hạ tầng thương mại điện tử

Nam Bộ: "Tụt hậu" về nhân lực, hạ tầng thương mại điện tử

Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử năm 2012 vừa được công bố tại TP.HCM, 5 địa phương có chỉ số nguồn nhân lực và hạ tầng thấp nhất đều thuộc khu vực Nam Bộ, đó là các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Bình Phước và Cà Mau.

Hà Nội, TP.HCM vẫn là "miền đất hứa" của thương mại điện tử. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Chỉ số Thương mại điện tử (TMĐT) theo địa phương là một trong những nội dung đáng chú ý nhất trong Báo cáo Chỉ số TMĐT năm 2012. Trong đó có xếp hạng về nguồn nhân lực và hạ tầng, giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C), giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B), giao dịch giữa chính phủ với doanh nghiệp (G2B).

Chỉ số về nguồn nhân lực và hạ tầng được tính toán dựa vào nhiều tiêu chí như nguồn nhân lực hiện tại đã đáp ứng  thế nào nhu cầu triển khai CNTT và TMĐT của doanh nghiệp, doanh nghiệp có khó khăn khi cần tuyển dụng lao động có kỹ năng về CNTT và TMĐT hay không, các hình thức đào tạo nhân viên, tỷ lệ cán bộ chuyên trách về CNTT và TMĐT cũng như các tiêu chí về trang bị máy tính, kết nối Internet…
Kết quả cho thấy các thành phố dẫn đầu đều là những trung tâm kinh tế và tập trung nhiều trường đại học. Cụ thể, Top 10 gồm: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Đồng Nai, Cần Thơ, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Thái Bình.

Chỉ số giao dịch B2C được xây dựng dựa trên 5 tiêu chí: sử dụng email cho các hoạt động thương mại như giao kết  hợp đồng, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm và doanh nghiệp, giao dịch với khách hàng, chăm sóc khách hàng…; xây dựng và vận hành website của doanh nghiệp; tham gia các sàn thương mại điện tử; sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt; bảo vệ thông tin cá nhân.

Về kết quả, điểm số chung cho nhóm tiêu chí giao dịch B2C không cao, tỷ lệ doanh nghiệp chưa có website còn cao hơn nhiều so với số doanh nghiệp có website. Với các doanh nghiệp đã có website thì chất lượng và hiệu quả do website mang lại cũng chưa  lớn. Sự hỗ trợ khách hàng sử dụng các phương tiện thanh toán chưa cao. Các doanh nghiệp cũng chưa chú trọng thoả đáng tới việc bảo vệ thông tin cá nhân trong những giao dịch trực tuyến. Top 5 vẫn là những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Bình Dương.

Chỉ số giao dịch B2B coi trọng tới việc doanh nghiệp triển khai các phần mềm lập kế hoạch nguồn  lực (ERP), quản  trị quan hệ khách hàng (CRM), quản  lý hệ  thống cung ứng; thực tiễn nhận đơn đặt hàng và đặt hàng  trực tuyến của các doanh nghiệp, tỷ lệ tổng giá trị các đơn đặt hàng trên tổng doanh thu của doanh nghiệp. Những địa phương dẫn đầu về loại hình này là các thành phố lớn hoặc các tỉnh thu hút được nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Top 5 gồm: TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai, Đà Nẵng.
Còn chỉ số giao dịch G2B đánh giá mức độ doanh nghiệp thường xuyên tra cứu thông tin trên các webiste của cơ quan nhà nước, sử dụng dịch vụ công trực tuyến liên quan tới hoạt động thương mại, tìm kiếm thông tin đấu thầu và khả năng trúng thầu thông qua các website của cơ quan Nhà nước… Top 5 gồm Đà Nẵng, TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương.

Tổng hợp chung các tiêu chí kể trên thì nhóm 5 địa phương dẫn đầu  là TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng và Đồng Nai. 3 địa phương kế tiếp gồm Thành phố Cần Thơ, Bình Dương và Bắc Ninh.
Năm 2012 là năm đầu tiên Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) xây dựng Chỉ số TMĐT (EBI) với mong muốn hỗ trợ các cơ  quan, tổ  chức và doanh nghiệp nhanh chóng đánh giá được tình hình ứng dụng TMĐT trên phạm vi cả nước cũng như tại từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trước đó, cũng có một số Sở Công Thương đã chủ động điều tra hiện trạng ứng dụng TMĐT tại địa phương nhưng không đều đặn hàng năm và không  theo một phương pháp thống nhất nên kết quả điều tra chưa được phổ biến.
Tổng số có 3.193 doanh nghiệp đã tham gia cuộc điều tra, trong đó 11% là các doanh nghiệp quy mô lớn và 89% là doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa. Có tới 31% người trực tiếp trả lời phiếu khảo sát là cán bộ quản lý hoặc lãnh đạo doanh nghiệp.

Theo ICTNews
Nhóm mua bất ngờ ngừng hoạt động trên toàn quốc

Nhóm mua bất ngờ ngừng hoạt động trên toàn quốc

Sau vụ lùm xùm dẫn tới ngừng hoạt động website trong vài ngày từ cách đây khoảng một tháng, Công ty TNHH Nhóm mua lại bất ngờ công bố ngừng hoạt động từ ngày 11/12 trên toàn quốc, gây hoang mang cho người tiêu dùng.

Theo báo Người Lao động, sáng ngày 11/12, nhiều khách hàng đến giao dịch tại Công ty TNHH Nhóm mua Chi nhánh Hà Nội (số 50 phố Nguyễn Khuyến, quận Đống Đa, Hà Nội) thì bất ngờ thấy trụ sở đóng cửa và có thông báo về việc tạm ngưng hoạt động từ ngày 11/12/2012.

Bản thông báo ngưng hoạt động dán trước Chi nhánh
 Công ty TNHH Nhóm mua ở 50 Nguyễn Khuyến

Thông báo dán trước Chi nhánh của công ty tại số 50 phố Nguyễn Khuyến viết: "Công ty TNHH Nhóm mua và các chi nhánh tất cả các tỉnh, thành tạm ngưng hoạt động kể từ ngày hôm nay, 11-12-2012. Vui lòng liên hệ với Người đại diện pháp lý của Công ty được ghi rõ trong Giấy phép kinh doanh và trong hợp đồng".

Trước cửa trụ sở chi nhánh, có 2 bảo vệ đứng túc trực để thông báo với khách hàng thông tin công ty tạm nghỉ, song không giải thích gì thêm về thủ tục bồi thường tiền cho khách hàng đang giao dịch với công ty.

Đến đầu giờ chiều, khách hàng đứng đợi ở trụ sở chi nhánh Nhóm mua vẫn không gặp được đại diện lãnh đạo chi nhánh. Thậm chí nhiều nhân viên kinh doanh, nhân viên giao hàng cũng đứng tập trung trước cửa trụ sở và không hay biết gì về thông tin bất ngờ này.

Đáng lưu ý là theo nhiều khách hàng, cho tới ngày hôm qua (10-12), công ty vẫn giao dịch bình thường với người mua mà không hề có thông báo trước về việc công ty giải thể.

Khách hàng ngỡ ngàng và lo lắng trước Chi nhánh Công ty TNHH Nhóm mua ở Hà Nội

Chị T.T.N., một khách hàng mua voucher của Nhóm mua vào ngày 10-12, sáng nay khi liên hệ với bộ phận đưa hàng để nhận sản phẩm thì bất ngờ nhận được thông báo công ty sắp giải thể, voucher khách hàng đã mua chưa có phương án giải quyết.

Nhiều khách hàng khác cũng bức xúc về việc công ty này đóng cửa đột ngột mà không thông báo cũng như giải quyết những hợp đồng đang dang dở với đối tác.

Nhóm mua là một trong những đơn vị đi đầu về mô hình thương mại điện tử mua theo nhóm. Mới đây (ngày 12-11), HĐQT Công ty đã ra quyết định bãi nhiễm chức vụ đối với ông Tom Trần (Trần Đức Thắng) - người sáng lập công ty - với lý do ông Tom Trần đang là đối tượng bị điều tra của cảnh sát kinh tế Việt Nam. Ông Kyle Phạm Anh Tuấn được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc điều hành thay thế ông Tom Trần.

Theo Vnreview
Tân CEO Nhóm Mua từ nhiệm sau một tháng nắm quyền

Tân CEO Nhóm Mua từ nhiệm sau một tháng nắm quyền

Website mua theo nhóm này đã hoạt động trở lại nhưng nội bộ ban lãnh đạo chưa tìm được tiếng nói chung. Hay tin Kyle Phạm từ chức chưa đầy một tháng sau bổ nhiệm, cựu CEO Tom Trần lại muốn quay về nắm quyền điều hành.

Ông Trần Đức Thắng (Tom Trần), CEO cũ và là người sáng lập Nhóm Mua, hôm nay trở về Việt Nam và tổ chức họp báo giải trình những lùm xùm liên quan tới mình. Một tháng trước, Nhóm Mua bất ngờ đưa ra thông tin Tom Trần bị miễn nhiệm vì đang bị điều tra, và thay thế bằng CEO mới là Kyle Phạm. Ngay sau đó, công an kinh tế cũng vào cuộc điều tra hoạt động của Nhóm Mua vào thời điểm khoảng 13/11, khiến nhiều người càng tin rằng công an làm việc với Tom Trần - lúc này đang ở nước ngoài.

Theo chương trình dự kiến, lẽ ra Tom Trần sẽ công bố bàn giao hết cổ phần của mình tại Nhóm Mua và MJ Group cho nhà đầu tư. Ông cũng khẳng định khi bàn giao cổ phần xong sẽ chỉ làm vai trò giúp đỡ về mặt kỹ thuật, kinh nghiệm tại Nhóm Mua trong 6 tháng tới.

Tuy nhiên, cuộc họp bất ngờ rẽ sang hướng khác khi thông tin ông Kyle Phạm - người được cho đang giữ chức Giám đốc điều hành Nhóm Mua từ nhiệm. Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Kyle Phạm xác nhận đã gửi đơn cho Chủ tịch Hội đồng quản trị Nhóm Mua vào buổi sáng nay sau chưa đầy một tháng ở cương vị này.

"Tôi từ nhiệm vì những lý do cá nhân và để người khác làm", ông Kyle Phạm nói.

Trước diễn biến bất ngờ này, ông Tom Trần cho biết sẵn sàng trở lại vị trí CEO. "Nhóm Mua là con đẻ của tôi, vì thế tôi sẵn sàng trở lại, giải quyết mọi chuyện", ông Tom Trần nói.

Ông cũng cho biết thêm, nếu Kyle Phạm từ chức và mọi quyền hành về tay ông thì ông không bàn giao cổ phần của mình tại Nhóm Mua lại cho nhà đầu tư.

Tom Trần có thể quay lại làm CEO Nhóm Mua.

Trở lại với những rắc rối trước đây liên quan đến Nhóm Mua, ông Tom Trần cho rằng đây chỉ là khúc mắc giữa nhà sáng lập và nhà đầu tư. Người nhà của ông là bà Becky thì liên tục tái khẳng định Tom Trần về mặt pháp lý trước và sau thời điểm xảy ra rắc rối thì vẫn là CEO hợp pháp của Nhóm Mua.

Hiện tại, con dấu của trang web này vẫn được phía Tom Trần giữ, bà Becky nói. Tom Trần cũng bác bỏ mọi thông tin công an điều tra về mình và tuyên bố đó chỉ là thông tin thất thiệt.

Vào tháng 9/2011 các nhà đầu tư cam kết rót 60 triệu USD vào MJ Group (chủ sở hữu Nhóm Mua và Công ty Địa Điểm). Hiện tại Nhóm Mua có 2 cổ đông lớn là ông Nguyễn Thành Trung nắm 72,35 % cổ phần, Công ty Địa Điểm do Tom Trần làm đại diện giữ 27,27% cổ phần. Nhóm Mua có mặt tại Việt Nam từ tháng 10/2010 dựa trên ý tưởng quảng cáo thông qua bán hàng theo nhóm với khoảng 4 triệu lượt tuy cập mỗi ngày.

Tom Trần sinh năm 1972, là sáng lập viên và giám đốc điều hành của Nhóm Mua từ ngày trang web này thành lập. Kyle Phạm Anh Tuấn, 43 tuổi là Việt kiều Australia là dân tài chính, ban đầu định cư ở Úc, và làm tư vấn. Năm 2006, ông về Việt Nam làm ở Hà Nội. Sau công tác ở Đà Nẵng, đảm nhiệm vị trí tổng giám đốc một công ty. Tháng 4 năm nay ông vào Nhóm mua và làm giám đốc tài chính.

Theo VNE
Tiếp thị online sắp "vượt mặt" quảng cáo tính phí theo thời gian

Tiếp thị online sắp "vượt mặt" quảng cáo tính phí theo thời gian

Bốn kênh tiếp thị online là: mạng xã hội, thiết bị di động, mạng quảng cáo tự động và quảng cáo tìm kiếm dự báo sẽ vượt mặt phương thức quảng cáo online truyền thống (tính phí theo tuần, theo tháng hoặc theo năm).

Sự gia tăng người dùng thiết bị di động truy cập
Internet sẽ làm bùng nổ các kênh tiếp thị online. Ảnh: Lê Dũng.

Thị trường tiếp thị trực tuyến (online marketting) ở Việt Nam hiện vẫn còn trong giai đoạn mới phát triển. Dự báo, trong tương lai gần tiếp thị trực tuyến ở Việt Nam sẽ phát triển nhanh chóng theo cấp số nhân, bởi lẽ thị trường Việt Nam hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi cho lĩnh vực này phát triển. Trong đó, bốn kênh tiếp thị online là: mạng xã hội, thiết bị di động, mạng quảng cáo tự động và quảng cáo tìm kiếm dự báo sẽ phát triển mạnh, doanh thu sẽ vượt mặt phương thức quảng cáo online truyền thống là tính phí theo thời gian (theo tuần, theo tháng hoặc theo năm).

Sự phát triển nhanh chóng của cộng đồng sử dụng mạng xã hội sẽ tạo ra một xu hướng mạnh mẽ các nhà tiếp thị sử dụng kênh quảng cáo này. Tính tới tháng 9/2012 Việt Nam có tới 13,1 triệu người dùng Youtube, còn số người dùng Facebook tại Việt Nam tính tới 24/10/2012 lên tới 9.117.480 người, tăng 5.479.000 người dùng trong vòng 6 tháng qua. Trung bình mỗi ngày, Facebook có thêm hơn 30.000 người Việt Nam tham gia. Độ tuổi gia nhập Facebook nhiều nhất và có tốc độ tăng nhanh nhất thuộc hai nhóm từ 18-24 và 25-34 tuổi, đây là hai nhóm người tiêu dùng có nhu cầu mua sắm cao và khả năng chi trả tốt. Bên cạnh Facebook, sự phát triển của các mạng xã hội Việt cũng tạo sức hút không nhỏ cho các nhà tiếp thị.

Quảng cáo trên điện thoại và các thiết bị di động cũng được nhận định là sẽ "nóng" do sự gia tăng số lượng người sử dụng di động để online. Theo báo cáo Netcitizens của Cimigo, năm 2012 tỷ lệ người sử dụng thiết bị di động để kết nối Internet lên tới 56% số người dùng Internet, trong khi con số này vào năm 2011 là 27%. Giá các loại điện thoại di động thông minh liên tục giảm, cước Internet, 3G ngày càng rẻ dự báo tỷ lệ truy cập Internet qua điện thoại di động sẽ tăng nhanh hơn nữa.

Quảng cáo trên di động hấp dẫn hơn quảng cáo bằng tin nhắn, bởi SMS bị hạn chế bởi số lượng text và không có hình ảnh. Hiện các phương thức quảng cáo trên các mạng nội dung, game, các ứng dụng dành cho smartphone được các nhà tiếp thị đánh giá cao bởi là kênh tiếp cận khách hàng mọi lúc, mọi nơi .

Năm 2012 đã chứng kiến sự tràn ngập hình thức quảng cáo hiển thị qua mạng quảng cáo tự động trên các website tiếng Việt. Các khái niệm quảng cáo CPC (tính giá quảng cáo trên mỗi click chuột), CPM (tính giá quảng cáo trên mỗi 1.000 lượt hiển thị quảng cáo) đầu tiên xuất hiện từ Google, Facebook. Tiếp đó lần lượt các nhà quảng cáo có tên tuổi: Ambient, Vật giá, Moore, Admicro, Netlink nhảy vào thị trường quảng cáo tự động. Gần đây nhất tiếp tục ra đời mạng quảng cáo xuất hiện theo ngữ cảnh Novanet (thuộc NovaAds) làm cho lĩnh vực quảng cáo tự động hiển thị ngày càng đa dạng và phong phú hơn.

Dự báo năm 2013 thị trường tiếp thị online sẽ chứng kiến việc thay thế dần khái niệm quảng cáo hiển thị trả tiền theo ngày, theo tuần hay theo tháng. Ưu thế của mạng quảng cáo tự động cho phép doanh nghiệp đặt mua được đồng thời một lúc nhiều vị trí quảng cáo trên nhiều website khác nhau, đo lường hiệu quả quảng cáo chính xác hơn so với phương thức đặt quảng cáo hiển thị banner.

Quảng cáo tìm kiếm được dự báo vẫn được ưa thích, bởi vì truy cập mạng tìm kiếm vẫn là một trong hai hoạt động online thường xuyên nhất của người dùng Internet. Theo Cimigo, năm 2012 có tới 94% người sử dụng Internet là để truy cập mạng tìm kiếm Google, số liệu này năm 2011 là 92%. Tìm kiếm thông tin trở thành hoạt động thường xuyên thứ hai ngang với hoạt động đọc tin tức. Vì vậy xuất hiện trên những trang đầu kết quả tìm kiếm của Google trở thành nhu cầu cần thiết của doanh nghiệp. Dịch vụ SEO và Google Adwords sẽ tiếp tục được đầu tư mạnh hơn trong năm 2013.

Theo Trung tâm Internet Việt Nam, tính tới tháng 8/2012 Việt Nam đã có hơn 31 triệu người dùng Internet, chiếm  35,4% dân số, với 66% sử dụng Internet hàng ngày. Con số này dự báo Internet tác động rất lớn tới khả năng tiếp cận thông tin cũng như hành vi mua hàng online của hơn 35% dân số Việt Nam.

Theo ICTNews
Nội bộ mâu thuẫn, Nhóm Mua đóng cửa website

Nội bộ mâu thuẫn, Nhóm Mua đóng cửa website

Website Nhóm Mua không thể truy cập mấy ngày qua. Công ty ngừng bán phiếu mua hàng giảm giá cho tới 20/11, nhưng vẫn kêu gọi đối tác điểm mua sắm chấp nhận thanh toán cho phiếu đã phát hành trước đây. 

Đầu tuần này, Hội đồng quản trị Công ty Nhóm Mua - một trong những đơn vị đi đầu về mô hình thương mại điện tử mua theo nhóm, công bố bổ nhiệm ông Kyle Phạm Anh Tuấn vào vị trí Giám đốc điều hành. Lý do được đưa ra là ông Tom Trần, người sáng lập công ty, đang là đối tượng bị điều tra của cảnh sát kinh tế Việt Nam và đã xuất cảnh vào tuần trước.

Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress sáng nay, ông Kyle Phạm cho biết vẫn chưa thể điều hành hoạt động công ty một cách suôn sẻ. Theo vị CEO mới này, ngày 13/11, ông lên tiếp nhận vị trí mới thì bị phản kháng. Bà Becky, người giữ con dấu của Nhóm Mua không đồng tình việc ban giao lại con dấu này. Ông Kyle Phạm xác nhận có xô xát xảy và phải nhờ đến công an phường xử lý. Đến tận sáng nay, bà Becky (người được cho có mối quan hệ với Tom Trần) vẫn chưa trao trả con dấu.

"Ngày 12/11, Hội đồng quản trị đã ra quyết định bãi nhiệm chức vụ đối với ông Tom Trần (Trần Đức Thắng). Lý do bãi nhiệm tôi không hề được biết nhưng phải có nguyên nhân nào đấy Hội đồng quản trị mới quyết định như vậy", ông Kyle Phạm lý giải.

Ông Kyle Phạm, Giám đốc điều hành mới của Nhóm Mua. Ảnh: Kiên Cường

Trước tình hình này, CEO mới đã quyết định đóng website để rà soát hoạt động, đảm bảo an toàn hệ thống. Kyle Phạm khẳng định chậm nhất là ngày 20/11, tất cả hoạt động công ty sẽ trở lại bình thường, bao gồm cả website.

Kyle Phạm Anh Tuấn trước đây là Giám đốc tài chính của Nhóm Mua từ tháng 4 năm nay và hiện không nắm giữ cổ phần tại đơn vị này. Ông cho biết nội bộ chưa thống nhất nhưng không có chuyện thâu tóm, sáp nhập hay đổi chủ sở hữu công ty.

Hiện nay, có những thông tin cho rằng ông Tom Trần bị công an kinh tế điều tra. Trong thời gian làm giám đốc tài chính từ tháng 4, ông Kyle Phạm cũng đã phát hiện sai phạm về cơ cấu quản lý, có những việc cũng không đúng pháp luật và ông từng lên tiếng về việc này.

"Ngày tôi lên tiếp nhận vị trí CEO cũng là ngày công an kinh tế đến làm việc tại công ty. Tôi cũng yêu cầu nhân viên hợp tác với công an. Tôi khẳng định công an điều tra hoạt động tại Công ty Nhóm Mua, còn việc điều tra anh Tom Trần thì tôi chưa nghe", Kyle Phạm nói.

Những ngày gần đây, nhiều khách hàng phản ánh voucher Nhóm Mua của họ bị từ chối. Đơn cử như tại một nhà hàng lẩu nướng lớn trên phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội, voucher giảm giá 35% trị giá 236.000 đồng của khách bị ngưng giao dịch. Đại diện của nhà hàng cho biết do những lùm xùm gần đây, họ ngừng nhận thanh toán với loại thẻ giảm giá do công ty Nhóm Mua phát hành. "Tuy nhiên, việc này chỉ là tạm thời, trong vòng một tuần nữa khách có thể thanh toán bằng voucher như bình thường", đại diện nhà hàng cho biết. Voucher trị giá 214.000 đồng vẫn được chấp nhận thanh toán, tuy nhiên loại thẻ này sắp hết hạn vào thứ 2 tới.

Một đại diện của nhãn hàng BMQ chuyên bán Bánh Mỳ Que cho biết mới đây, công ty đã nhận được thư từ Nhóm Mua. Theo đó, Công ty Nhóm Mua khẳng định các rắc rối nội bộ của công ty đã dàn xếp xong, và sẽ trở lại hoạt động bình thường từ thứ hai tuần sau. Do đó, thương hiệu bánh mỳ que có trụ sở chính tại TP HCM cho hay vẫn chấp nhận khi khách thanh toán bằng phiếu mua hàng giảm giá của Nhóm Mua.

Cũng nhiều nhãn hàng khác tỏ ra không mấy lo lắng. Ký hợp đồng 50.000 voucher với Nhóm Mua, một công ty kinh doanh thực phẩm cho biết họ đã tiêu thụ được phần lớn. "Lượng voucher còn lại chỉ vài ba nghìn. Kể cả trong trường hợp số voucher trên không thanh toán lại được với Nhóm Mua, công ty chúng tôi vẫn chấp nhận gánh thiệt hại thay khách hàng", một đại diện của hãng nói.

Về khách hàng bị ảnh hưởng trong thời gian này, lãnh đạo Nhóm Mua khẳng định sẽ đảm bảo quyền lợi của khách hàng cũng như của nhà cung cấp dịch vụ. Nếu ai đã mua voucher, Nhóm Mua đề nghị nhà cung cấp dịch vụ đảm bảo họ vẫn sử dụng được voucher đó, còn nếu không Nhóm Mua sẽ hoàn tiền lại cho khách hàng.

Trước những "lùm xùm" liên quan đến thương hiệu mua theo nhóm này, các nhà đầu tư từng cam kết rót 60 triệu USD vào MJ Group (chủ sở hữu Nhóm Mua và Công ty địa điểm) vào tháng 9/2011 khẳng định vẫn tiếp tục tin tưởng vào hoạt động của công ty và hứa sẽ tiếp tục đầu tư.

Hiện tại Nhóm Mua có 2 cổ đông lớn là ông Nguyễn Thành Trung nắm 72,35 cổ phần, Công ty Địa Điểm do Tom Trần làm đại diện giữ 27,27% cổ phần. Nhóm Mua có mặt tại Việt Nam từ tháng 10/2010 dựa trên ý tưởng quảng cáo thông qua bán hàng theo nhóm với khoảng 4 triệu lượt tuy cập mỗi ngày.

Kyle Phạm Anh Tuấn, 43 tuổi là Việt kiều Australia là dân tài chính, ban đầu định cư ở Úc, và làm tư vấn. Năm 2006, ông về VN làm ở Hà Nội. Sau công tác ở Đà Nẵng, đảm nhiệm vị trí tổng giám đốc một công ty. Tháng 4 năm nay ông vào Nhóm mua và làm giám đốc tài chinh.

Theo VnExpress
Để mua sắm trực tuyến an toàn hơn

Để mua sắm trực tuyến an toàn hơn

Hãy cùng tham khảo một số mẹo nhỏ giúp mua hàng online an toàn hơn nhé! Hiện nay, các trang web thương mại điện tử (TMĐT) xuất hiện ngày càng nhiều. Mặc dù vậy, nhiều người bán hàng với giá rẻ nhưng chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ kém hoặc thậm chí lừa đảo… không những gây khó khăn cho những người bán uy tín mà còn làm người mua e ngại khi mua hàng qua mạng. Sau đây là một số mẹo nhỏ giúp mua hàng online an toàn hơn:


1. Bảo vệ máy tính của bạn với tường lửa (firewall) “kiên cố” và các phần mềm chống virus, chặn spyware được cập nhật liên tục.

2. Hãy chắc chắn rằng thông tin cá nhân của bạn được bảo mật. Một trang web bán lẻ đáng tin cậy sẽ cam kết dữ liệu của bạn không bị chia sẻ cho bên trung gian nào mà không có sự cho phép của bạn.

3. Tạo một mật khẩu độc đáo mà chỉ có mình bạn biết ý nghĩa của nó, thường xuyên thay đổi mật khẩu (trong khoảng 30 – 60 ngày) và tránh cho người khác biết.

4. Thực hiện việc mua hàng trên website TMĐT tại nhà riêng. Dùng máy tính cá nhân thay vì các máy tính công cộng tại quán café, thư viện… Bạn cũng nên tránh sử dụng mạng Wi-Fi công cộng khi đang mua hàng.

5. Thu thập thông tin càng nhiều càng tốt. Bạn có thể tìm hiểu về một trang web TMĐT thông qua Internet cũng như các đánh giá của người tiêu dùng trên các trang xã hội.

6. Nắm chắc chính sách bảo mật và đổi trả hàng. Hãy dành ra chút thời gian để hiểu về các thông tin này thường được tìm thấy dễ dàng. Nhưng nếu bạn không thấy chúng trên website, hãy liên hệ với trung tâm chăm sóc khách hàng để được cung cấp chi tiết.

7. Chọn truy cập những trang TMĐT có tính bảo mật tốt và phương thức thanh toán đảm bảo. Có một cách đơn giản để nhận diện đơn vị bán hàng online uy tín là dựa vào chứng chỉ của các cổng thanh toán trực tuyến uy tín, chẳng hạn như Bảo Kim - được chứng thực bởi tổ chức Verisign Secured.

Điều tiện lợi là bạn chỉ phải cung cấp thông tin thẻ tín dụng hoặc ATM cho một địa chỉ duy nhất để thanh toán trên các website. Một trong các trang web TMĐT hiện nay có chứng nhận thanh toán đảm bảo là Lazada.vn. Theo đó, khi chọn mua hàng tại trang web này, bạn có thể hoàn toàn yên tâm và tự tin thanh toán vì giao dịch được đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Ngoài ra, Lazada.vn là trang web đạt chứng chỉ PCI DSS - Chứng chỉ thanh toán trực tuyến an toàn đầu tiên tại Việt Nam. Lazada.vn là trang web bán lẻ cung cấp các mặt hàng chất lượng quốc tế với hơn 7.000 sản phẩm khác nhau. Các sản phẩm tại Lazada.vn luôn có mức giá tốt đi kèm với chế độ bảo hành chính hãng.

Người tiêu dùng sẽ được hỗ trợ giao hàng miễn phí toàn quốc trong vòng 3-6 ngày (cho mỗi đơn hàng có giá trị trên 150.000 đồng), thanh toán linh hoạt qua thẻ hay tiền mặt cùng với chính sách đổi trả hàng trong vòng 14 ngày. Lazada.vn cam kết mang lại cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến an toàn và thuận tiện nhất. Truy cập vào Lazada.vn để biết thêm chi tiết.

Có rất nhiều trang web cung cấp dịch vụ TMĐT nhưng chất lượng của chúng “vàng thau lẫn lộn”, do đó, hãy lựa chọn kênh mua bán trực tuyến đáng tin cậy cho việc mua hàng của mình bạn nhé!

Theo afamily.vn
Thương mại điện tử Việt Nam trước nguy cơ thua trên "sân nhà"

Thương mại điện tử Việt Nam trước nguy cơ thua trên "sân nhà"

Thua về tiềm lực tài chính, sự chuyên nghiệp trong khâu vận hành … các trang web thương mại điện tử (TMĐT) ngành hàng thời trang Việt Nam hoàn toàn có thể thua các trang  web TMĐT nước ngoài như Vancl ngay trên "sân nhà"

Nếu Vancl “bê nguyên” toàn bộ hàng hóa của Vancl.com từ Trung Quốc
 sang Việt Nam thì có lẽ đó là "cơn ác mộng" đối với các trang thương mại điện tử thời trang.

Website TMĐT hàng đầu Trung Quốc "đổ bộ" vào Việt Nam

Ngày 8/9, Vancl.com, một trong những trang TMĐT chuyên về thời trang lớn nhất Trung Quốc đã chính thức "xâm nhập" vào thị trường Việt Nam tại địa chỉ Vancl.vn. Theo trang tin techinasia, thống kê của VanCL cho thấy tăng trưởng của trang web này chủ yếu từ khu vực Đông Nam Á và Nga, trong đó Việt Nam đóng góp 8% tổng doanh số bán hàng ở nước ngoài; đến tháng 9/2012 mức tăng trưởng tại Việt Nam đã đạt 100% so với cùng kỳ năm 2011.

Trước đó, ngày 16/7/2012, gã khổng lồ tìm kiếm lớn nhất Trung Quốc Baidu đã chính thức ra mắt mạng xã hội mới của mình với tên gọi “Baidu Tieba” phiên bản tiếng Việt bất chấp việc bị cư dân mạng và truyền thông “tẩy chay”. Ngoài ra, Baidu còn âm thầm triển khai 2 dự án tìm kiếm với tên gọi là hao123 và hao222 cùng một dự án nghe nhạc trực tuyến có tên gọi qianqian. Tuy nhiên, phản ánh của một số người sử dụng cho thấy, dự án phần mềm nghe nhạc TTPlayer của Baidu tại địa chỉ vn.qianqian.com có thể tự ý can thiệp vào hệ thống của máy tính người dùng.

Một “đại gia” khác trong làng Internet Trung Quốc là Tencent cũng không giấu tham vọng mở rộng thị trường tại Việt Nam. Sau một loạt chiến dịch quảng cáo rầm rộ trên các trang báo cũng như diễn đàn, phần mềm WeChat của Tencent đã nhanh chóng trở thành một trong những ứng dụng di động phổ biến nhất trên Android cũng như iOS.

Trao đổi với phóng viên ICTnews, ông Nguyễn Ngọc Điệp, Giám đốc Công ty Vatgia cho biết, việc website nước ngoài như Vancl gia nhập sẽ khiến thị trường TMĐT sôi động hơn. Hơn nữa, khi gặp phải sự cạnh tranh lớn, các doanh nghiệp Việt sẽ phải thay đổi, tối ưu hóa hệ thống để nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng dịch vụ. “Từ đó, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi. Tôi cho rằng đây là một đấu hiệu tích cực của thị trường TMĐT thời gian tới”, ông Điệp nhận định.

Mặc dù vậy, về lâu dài, những doanh nghiệp nước ngoài như Vancl sẽ trở thành đối thủ rất nặng ký đối với các sàn giao dịch ở Việt Nam như vatgia.com hay chodientu.vn.

Cùng quan điểm, theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Khối TMĐT, Công ty VC Corp, TMĐT ở Việt Nam đang ở giai đoạn hình thành, phát triển và còn rất nhiều cơ hội cho các đơn vị mới. Việc có nhiều đơn vị tham gia sẽ càng làm cho thị trường thêm sôi động, phát triển nhanh và giúp người dùng quen thuộc hơn với các hình thức mua hàng, thanh toán trực tuyến.

"Cơn ác mộng" với các trang TMĐT ngành thời trang?

Ông Tuấn cho rằng, do mới thâm nhập thì trường nên Vancl có những chính sách khá tốt như được đổi trả lại hàng trong 30 ngày, miễn phí giao với đơn hàng trên 250.000 đồng. Tuy vậy, số lượng hàng hoá trên Vancl chưa thực sự phong phú, ít mẫu mã và nhất là thương hiệu Vancl chưa được người dùng Việt Nam biết tới cũng như chất lượng hàng hoá chưa được kiểm chứng. “Mặt khác, khi thấy nói đến "hàng Trung Quốc" thì nhiều người dân không mấy mặn mà, trong đó việc tẩy chay mạng xã hội mới của Baidu là một minh chứng”, ông Tuấn cho biết thêm.

Mặc dù vậy, theo ông Điệp, trang web vancl.vn có giao diện khá đẹp mắt, tính năng đầy đủ, thân thiện với người sử dụng và nhất là được thừa hưởng trình độ công nghệ từ website vancl.com nên rất ổn định. Về độ phong phú của hàng hóa, nếu Vancl “bê nguyên” toàn bộ hàng hóa của Vancl.com từ Trung Quốc sang Việt Nam thì có lẽ đó là "cơn ác mộng" đối với các trang TMĐT thời trang vì khi đó hàng hoá đủ chủng loại, mẫu mã, giá nhập trực tiếp khối lượng lớn từ Trung Quốc sẽ rất rẻ và cạnh tranh. “Ưu thế về vốn, kinh nghiệm quản lý kho vận, dịch vụ… cũng là những điểm mạnh của Vancl so với những doanh nghiệp Việt Nam. Vì thế, nếu không thay đổi, các trang web cùng ngành hàng thời trang sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, ông Điệp kết luận.

Nhưng trước mắt, khi tham gia thị trường Việt Nam với quy mô nhỏ, các trang web TMĐT nước ngoài sẽ tốn kém không ít nguồn lực để vận hành, dẫn đến chi phí đầu vào bị đẩy lên gây ảnh hưởng tới giá bán. Chưa kể, nếu Vancl áp dụng nguyên các mô hình từ Trung Quốc sang sẽ mất thời gian cải tiến để hòa nhập với đặc thù của Việt Nam. Đây cũng là điểm yếu lớn nhất khiến nhiều đại gia Internet khác của thế giới như Rocket Internet gặp khó khi thâm nhập vào Việt Nam.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Tổng Giám đốc Công ty PeaceSoft (đơn vị sở hữu chodientu.vn) cho biết, theo như quan sát, Vancl chỉ đang thăm dò thị trường Việt Nam, chưa thực sự đầu tư mạnh dù mặt hàng thời trang chiếm đến 30-40% thị trường TMĐT. Mặc dù có nhiều lợi thế về tài chính và sự chuyên nghiệp trong vận hành hệ thống nhưng sự thành công của Vancl phụ thuộc rất lớn vào việc họ có thích ứng được với thị trường Việt Nam hay không. “Nếu họ quyết tâm và doanh nghiệp Việt Nam không có sự chuẩn bị đối phó hợp lý, chúng ta hoàn toàn có khả năng thua ngay tại chính “sân nhà””, ông Bình khẳng định.

Theo ICTNews
Copyright © 2012 Bloghotvn All Right Reserved