Fashion

sdgad

New Post

Rss

Hiển thị các bài đăng có nhãn Internet. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Internet. Hiển thị tất cả bài đăng
"Quản" chặt tên miền sẽ kìm hãm Internet phát triển

"Quản" chặt tên miền sẽ kìm hãm Internet phát triển

Một số ý kiến cho rằng, đầu cơ tên miền ở Việt Nam cũng giống như đầu cơ bất động sản, SIM số đẹp... là điều khó tránh khỏi và không thể "né" bằng cách "quản" chặt hay bảo hộ nhãn hiệu một cách thái quá để từ đó kìm hãm sự phát triển của Internet.

Việc đầu cơ bằng cách mua tên miền trùng với tên của những nhân vật,
nhãn hiệu nổi tiếng xuất hiện ngay từ khi tên miền Internet bắt đầu được đưa vào sử dụng.

Lại "nóng" chuyện đầu cơ tên miền

Cuối tháng 12/2012, sau vụ tranh chấp tên miền và bị tập đoàn Eurowindow khởi kiện tội tống tiền, ông Nguyễn Trọng Khoa, người được mệnh danh là ông "trùm" tên miền vì sở hữu hàng trăm tên miền quốc tế của những tập đoàn lớn Việt Nam, đã viết 1 bức tâm thư trao trả lại toàn bộ tên miền thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, ông Khoa cho biết, sơ bộ sẽ có những doanh nghiệp sau được nhận lại tên miền .com do ông Khoa đã sở hữu: Ngân hàng Sacombank, Chứng khoán Phương Nam, Ngân hàng Vietin Bank, Ngân hàng Vietcombank, Ngân hàng Eximbank, Kênh truyền hình đối ngoại quốc gia VTV-WORLD và VTC 10, Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Viettel, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Tân Hoàng Minh Group, Tập đoàn CT Group, Dự án nhà máy lọc dầu Nghi Sơn...

Trong giới kinh doanh tên miền ở Việt Nam, "Nữ hoàng tên miền" Lê Thúy Hạnh cũng là một gương mặt nổi bật trong thời gian gần đây khi đang sở hữu khoảng 3.000 tên miền, trong đó có những tên miền .vn của một số ngân hàng lớn như Vietcombank, Agribank hay một số tên miền được rất nhiều người quan tâm như batdongsan.vn, nguoimau.vn, doanhnghiep.vn...

Trước đó, cộng đồng mạng đã xôn xao về việc trên các trang web rao bán domain, các tên miền trùng tên với những doanh nghiệp nổi tiếng ở Việt Nam như vietteltelecom.com, vnptgroup.com, vinaphone3g.vn… được định mức với mức giá “trên trời”, lên đến hàng nghìn, hàng chục nghìn, thậm chí hàng triệu đô la Mỹ. Đặc biệt, tên miền viettel.com được rao bán ngay trên chính trang chủ của tên miền này với cái giá lên đến hơn 30 tỷ đồng. Thậm chí, giới đầu cơ tên miền còn bắt chước lĩnh vực bất động sản đưa ra khẩu hiệu: “Đừng hy vọng mua được đất mặt tiền với giá đất nông nghiệp”.

Đại diện Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) khẳng định, đầu cơ tên miền không phải là chuyện bây giờ mới có mà đã xuất hiện ngay từ khi tên miền Internet bắt đầu được đưa vào sử dụng. Trước kia, VNNIC đã quy định rất chặt việc cấp phát tên miền quốc gia ".vn" khi yêu cầu tên miền đăng ký phải có tên liên quan đến chủ thể hay không cho các cá nhân được quyền đăng ký tên miền. Điều này đã cản trở những người có nhu cầu đăng ký tên miền để kinh doanh sản phẩm và bảo hộ một cách thái quá vì khi đó doanh nghiệp sẽ ỉ lại không quan tâm đến việc sở hữu tên miền. 

Chưa kể, cùng nhãn hiệu “Quê hương” nhưng Cục Sở hữu trí tuệ có thể cấp cho rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp khác nhau theo các hình thức bảo hộ: từ những nhóm sản phẩm, dịch vụ khác nhau đến việc bảo hộ tổng thể. Nhưng khi chuyển sang tên miền thì chỉ có duy nhất một dãy ký tự tương ứng QUEHUONG có thể đăng ký được trong tên miền. Vậy tên miền này sẽ được bảo hộ cho ai? Đó chính là lý do mà ICANN (tổ chức quản lý tên miền quốc tế) và tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới đã phải đưa ra khuyến dụ áp dụng nguyên tắc "đăng ký trước được sử dụng trước" trong việc đăng ký tên miền. "Do đó, VNNIC phải thay đổi lại để phù hợp với thông lệ chung quốc tế và đã được quy định trong Thông tư 09/2008/TT-BTTTT hướng dẫn về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet nói chung, đó là ai đăng ký trước sẽ được sử dụng trước”, vị này khẳng định.

Cũng theo vị đại diện VNNIC, sau khi đăng ký, nếu xét thấy website có tên miền trùng tên với những cá nhân, công ty nổi tiếng phát tán những nội dung không lành mạnh, bôi nhọ hay sau 1 năm không đưa vào sử dụng thì VNNIC sẽ thu hồi lại tên miền đó. Ngoài ra, nếu các doanh nghiệp chứng minh được tên miền tranh chấp trùng hoặc giống đến mức nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp mình hay tên miền đã được sử dụng với ý đồ xấu thì có thể khởi kiện lên Tòa án sau khi tiến hành thương lượng và thông qua trọng tài.

"Quản" chặt đăng ký tên miền sẽ làm kìm hãm sự phát triển

Trao đổi với ICTnews,  một chuyên gia trong lĩnh vực Internet cho rằng, chúng ta không nên quá gay gắt đối với việc đầu cơ tên miền bởi vì ngay cả những tài nguyên quý giá và hiếm như bất động sản cũng xuất hiện tình trạng đầu cơ.

Ngoài ra, ý tưởng nên giới hạn số lượng tên miền cung cấp cho cá nhân là không thực sự hợp lý bởi nếu một siêu thị kinh doanh hàng nghìn mặt hàng thì việc họ đăng ký nghìn tên miền cũng là chuyện bình thường và không nên cấm hay bắt họ chứng minh năng lực tài chính khi đăng ký. "Chúng ta không thể vì một vài hành vi xấu mà hạn chế hay cấm người dùng đăng ký tên miền, từ đó vô tình cản trở sự phát triển của Internet", vị chuyên gia này kết luận.

Trong bức thư trao lại tên miền của mình, ông Nguyễn Trọng Khoa cho rằng, đối với các doanh nghiệp, hiệp hội đang hòa nhập vào sân chơi toàn cầu hóa thì việc trang bị ít nhất một website là điều gần như bắt buộc, trong đó tên miền thương hiệu đóng vai trò then chốt để doanh nghiệp tiếp thị, xây dựng thương hiệu, phát triển kinh doanh dịch vụ, sản phẩm của mình. Nếu doanh nghiệp không sở hữu tên miền thương hiệu “chính chủ” thì việc chạy website với một tên miền khác sẽ gây bất lợi.  Tuy nhiên, sự am hiểu và nhận thức tầm quan trọng của tên miền thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam còn rất thấp, vì vậy vô tình tạo ra lỗ hổng - đây chính là cơ hội để những nhà đầu tư tên miền trong và ngoài nước nhanh tay bỏ tiền đăng ký, sở hữu.  Ông Khoa hi vọng các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của tên miền thương hiệu và tránh rơi vào tình huống “mất bò mới lo làm chuồng”.

Theo ICTNews
Gangnam Style kiếm lời 4 triệu USD nhờ Youtube

Gangnam Style kiếm lời 4 triệu USD nhờ Youtube

Gangnam Style hiện đang nắm giữ kỷ lục video được xem nhiều nhất trên trang chia sẻ video lớn nhất thế giới Youtube với hơn 1,2 tỷ lượt xem. Theo thông tin từ Nikesh Arora, trưởng bộ phận kinh doanh của Google, hiện tượng K-Pop Psy đã kiếm được nguồn doanh thu trị giá 8 triệu USD chỉ riêng trên Youtube.

Một báo cáo trước đây được thực hiện bởi Associated Press cũng cho thấy ca sỹ Hàn Quốc Psy đã kiếm được 7,9 triệu USD doanh thu trên toàn thế giới nhờ Gangnam Style, bao gồm cả phí tải về từ iTunes và các dịch vụ được dành riêng tại thị trường Hàn Quốc.

Nam ca sỹ Psy trở thành hiện tượng của thế giới với ca khúc Gangnam Style.

Hiện tại đến thời điểm này, video Gangnam Style của Psy đang nhận được 1.235.291.640 lượt xem trên Youtube. Điều này đồng nghĩa với việc Gangnam Style kiếm thêm được 0,65 cent mỗi khi có một người dùng Youtube play đoạn video này. Theo điều lệ, các tác giả của một đoạn video trên Youtube được giữ 1 nửa doanh thu kiếm được trên trang chia sẻ video lớn nhất thế giới này. Nghĩa là ca sỹ Psy và công ty thu âm của mình nhận được số tiền 4 triệu USD từ Youtube.

Theo ICTNews
Phạt 50 triệu đồng nếu cung cấp đường truyền đại lý quá giờ

Phạt 50 triệu đồng nếu cung cấp đường truyền đại lý quá giờ

Theo Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt hành chính lĩnh vực BCVT, CNTT và tần số VTĐ, các ISP nếu không chấm dứt đường truyền Internet theo giờ quy định đối với các đại lý Internet, game online sẽ bị phạt tối đa 50 triệu đồng.

Đại diện các ISP cho rằng gắn hoàn toàn việc quản lý đại lý Internet hay điểm cung cấp
dịch vụ game online cho các doanh nghiệp cung cấp Internet là không hợp lý. Ảnh: Internet

Ngoài ra, nếu các đại lý Internet hoạt động trong khoảng thời gian từ 0 giờ đến 8 giờ sáng và đại lý game online hoạt động từ 22 giờ cho đến 8 giờ sáng hôm sau cũng sẽ bị phạt tối đa 10 triệu đồng.

Mức phạt tối đa 10 triệu đồng đối với các đại lý Internet cũng sẽ được áp dụng cho các hành vi như sử dụng đường truyền thuê bao để cung cấp dịch vụ truy nhập Internet hay để người sử dụng truy cập, xem, tải các thông tin, hình ảnh, phim có nội dung cờ bạc, đồi trụy, mê tín dị đoan hay các hành vi nói xấu Đảng và Nhà nước...

Còn đối với các điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng, số tiền phạt sẽ lên tới 20 triệu đồng nếu vi phạm các hành vi bao gồm: điểm cung cấp dịch vụ nằm trong bán kính dưới 200m của các trường tiểu học, THCS, THPT; không treo biển "Điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng"; hoạt động ngoài khoảng thời gian từ 8 giờ đến 22 giờ hàng ngày; không có đủ ánh sáng hoặc độ chiếu sáng không đồng đều trong phòng máy; tổng diện tích các phòng máy nhỏ hơn 50m2 tại các khu vực đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I, loại II, loại III...

Người chơi trò chơi điện tử công cộng cũng sẽ bị phạt tới 1 triệu đồng nếu chơi các trò chơi chưa được cấp phép hoặc chưa đăng ký theo quy định hay không chấp hành quy định quản lý giờ chơi, quy định về thời gian hoạt động của điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng...

Trước đó, tại Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định 97 mới về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và nội dung thông tin trên mạng thay thế Nghị định 97 cũ tổ chức vào tháng 4/2012, đại diện các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) đều cho rằng  gắn hoàn toàn việc quản lý đại lý Internet hay điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet là không hợp lý. Lý giải cho vấn đề này, ông Phó Đức Kiên, Giám đốc kỹ thuật của CMC TI cho rằng, các đại lý có thể thay đổi đường truyền, nhà cung cấp dịch vụ trong một thời gian ngắn. Mặc dù trong dự thảo Nghị định không yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp đường truyền cắt dịch vụ sau 22 giờ đối với các đại lý nhưng không loại trừ khả năng khi các địa phương triển khai sẽ có văn bản đối với các nhà cung cấp Internet. Điều này dễ dẫn đến mỗi địa phương sẽ yêu cầu cắt theo một giờ khác nhau và làm khó cho các nhà cung cấp Internet trong việc quản lý, thực hiện trên hệ thống. “Các nhà cung cấp game đều nắm được địa chỉ IP của các đại lý nên việc dừng cung cấp sẽ dễ dàng hơn là yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp đường truyền”, ông Kiên kết luận.
Còn theo đại diện VDC (VNPT), về việc cắt đường truyền đại lý Internet sau 22 giờ, các nhà cung cấp dịch vụ Internet hoàn toàn có thể thực hiện được nhưng thực tế thời gian qua cho thấy, rất nhiều đại lý “lách luật” bằng cách sử dụng hợp đồng cá nhân và đến khi địa phương đi kiểm tra mới phát hiện ra, xử lý. Tuy nhiên, lực lượng của các Sở TT&TT địa phương mỏng mà phải làm rất nhiều đầu việc.

“Cách quản lý tốt nhất là sau 22 giờ, các nhà cung cấp game nên có công cụ khóa việc cung cấp game cho các đại lý, sẽ tốt hơn bắt các nhà cung cấp dịch vụ Internet cắt đường truyền đại lý”, vị đại diện VDC cho biết thêm.

Cùng quan điểm, đại diện Viettel khẳng định nên chặn từ các nhà cung cấp game thay vì yêu cầu doanh nghiệp cung cấp Internet ngừng đường truyền vì “như thế sẽ cắt đi quyền sử dụng Internet của đại lý cho nhu cầu cá nhân sau 22 giờ”.

Theo ICTNews
Những trang web nổi tiếng từng thay đổi tên miền trước khi “thành danh”

Những trang web nổi tiếng từng thay đổi tên miền trước khi “thành danh”

Những tên miền như Google.com hay Facebook.com… đã trở nên quá quen thuộc. Tuy nhiên ít ai biết rằng trước khi trở nên nổi tiếng như hiện nay, không ít trang web lớn đã từng mang những tên miền xa lạ và khó nhớ.

Google


Trước khi được biết đến trên toàn thế giới và là công cụ tìm kiếm số 1 hiện nay, Google thực chất chỉ là một sản phẩm mẫu của 2 chàng nghiên cứu sinh của trường đại học Stanford, Sergey Brin và Larry Page.

2 nhà đồng sáng lập này đã sử dụng tên miền của Stanford để chạy công cụ tìm kiếm của mình. Tên miền đầu tiên của Google là Google.Stanford.edu. Sau đó, cả 2 đăng ký tên miền Google.com vào tháng 9/1997 trước khi chính thức ra mắt công cụ tìm kiếm vào năm 1998.

Hiện trang web Google.Stanford.edu sẽ tự động chuyển về trang web tìm kiếm của trường Đại hc Stanford.

Facebook.com


Với hơn 1 tỷ người dùng, tên miền Facebook.com đã trở nên quá quen thuộc. Tuy nhiên, trong thời gian đầu mới ra mắt, nhà sáng lập Mark Zuckerberg đã chọn cho mạng xã hội của mình tên miền TheFacebook.com.

Tên miền này được Zuckerberg dựa trên tên gọi viết tắt về một cuốn sách ảnh được phát hành trong nội bộ trường đại học Harvard, với nội dung gồm tên và ảnh của các sinh viên để giúp họ có thể làm quen với nhau. Trong một lần thay đổi lại thiết kế trên mạng xã hội này vào tháng 8/2005, nhóm phát triển đã quyết định đơn giản hóa tên gọi bằng cách đổi tên miền trang web thành Facebook.com. 

Được biết, Facebook đã phải bỏ ra số tiền lên đến 200.000 USD để mua lại tên miền “Facebook.com” do thời điểm đó nó đã thuộc sở hữu của một người khác.

Hiện tại tên miền TheFacebook.com vẫn hoạt động và tự động chuyển về Facebook.com.

Twitter.com


Cũng tương tự như Facebook, “tiểu blog” Twitter cũng từng mang một tên miền khác trước khi được biết đến với tên miền Twitter.com.

Cụ thể, ban đầu 3 nhà đồng sáng lập Jack Dorsey, Evan Williams và Biz Stone đã chọn tên miền cho dịch vụ mạng xã hội của mình là Twttr.com. Vài tháng sau đó, vào năm 2006, 3 nhà đồng sáng lập đã bỏ ra số tiền 7.500USD để mua lại tên miền Twitter.com từ một trang web chuyên về các loài chim chóc.

Hiện tại, tên miền Twttr.com vẫn được sử dụng và tự động chuyển hướng về trang web Twitter.com.

Ask.com


Được ra mắt vào tháng 6/1996 bởi David Warthen và Garrett Gruener, Ask.com ban đầu mang tên miền AskJeeves.com, khá dài và khó nhớ. Đây là công cụ tìm kiếm đầu tiên trên thế giới có khả năng phản hồi các câu hỏi của người dùng, thay vì chỉ tìm kiếm dưới dạng các từ khóa.

Từ ‘Jeeves’ xuất hiện trong tên miền AskJeeves.com là nhân vật trong cuốn tiểu thuyết của nhà văn nổi tiếng người Anh P.G. Wodehouse. Đến năm 2006, công ty sở hữu quyết định đổi tên miền AskJeeves.com thành Ask.com vừa dễ nhớ, vừa mang ý nghĩa tập trung hơn vào việc mang đến trải nghiệm tìm kiếm cho người dùng.

Tên miền AskJevees.com vẫn hoạt động và tự động chuyển về Ask.com mỗi khi được truy cập.

PerezHilton.com


Đây là một trong những trang blog “lá cải” nổi tiếng nhất thế giới, với những bài viết, những câu chuyện “tán nhảm” về các ngôi sao nổi tiếng.

Ban đầu, Mario Armando Lavandeira, blogger nổi tiếng và chủ sở hữu của trang web đã đăng ký cho mình tên miền PageSixSixSix.com vào năm 2004. Tuy nhiên, sau đó tờ báo New York Post đã kiện Perez Hilton vì tên miền “ăn theo” chuyên mục Page Six của tờ báo này. 

Sau đó, Lavandeira quyết định đổi tên miền trang web thành PerezHilton.com, cũng như một cách chơi chữ để “đá đểu” cô nàng “tóc vàng” Paris Hilton nổi tiếng. 

Hiện trang web PageSixSixSix.com sẽ tự động chuyển hướng về trang web của New York Post.

NBCNews.com


NBCNews.com là một trong những trang web nổi tiếng vừa thay đổi tên miền gần đây.

Ban đầu, trang báo này mang tên miền MSNBC.com, là sự hợp tác về truyền thông giữa Microsoft và hãng tin NBC. Tuy nhiên, mối quan hệ hợp tác này đã kết thúc vào tháng 7/2012 và NBC đã quyết định đổi tên trang web thành NBCNews.com. 

Hiện tại, khi truy cập vào tên miền MSNBC.com sẽ tự động chuyển hướng đến trang web NBCNews.com.

PayPal.com

PayPal.com là một trong những dịch vụ thanh toán trực tuyến phổ biến nhất hiện nay. Ban đầu, trang web này được ra mắt với tên miền khá “độc”, X.com.

X.com là dịch vụ thanh toán trực tuyến kết hợp giữa Confinity, công ty chuyên dịch vụ chuyển tiền và X.com, công ty giúp giải quyết các vấn đề liên quan đến thương mại mà các doanh nghiệp phải đối mặt.

Sau một thời gian hoạt động, cuối cùng nhiều ý kiến cho rằng ký tự X mang quá nhiều ý nghĩa, chẳng hạn mang nghĩa bí ẩn, mơ hồ và thậm chí khơi gợi suy nghĩ về các nội dung khiêu dâm. Cuối cùng, Confinity đã quyết định đổi tên dịch vụ của mình thành PayPal và chọn tên miền PayPal.com.

Hiện tên miền X.com vẫn còn đang hoạt động, thuộc sở hữu của công ty thương mại điện tử dưới quền của eBay. (PayPal cũng thuộc quyền sở hữu của eBay).

Theo Dân Trí
Châu Á chiếm gần nửa số người dùng Internet toàn cầu

Châu Á chiếm gần nửa số người dùng Internet toàn cầu

2,4 tỷ người dùng Internet toàn cầu trong đó số người dùng 1,1 tỷ là số người dùng Internet tại châu Á đã chiếm 1,1 tỷ là một trong những con số thống kê ấn tượng về Internet năm 2012.


Trang Royal Pingdom mới đây đã tiến hành tổng kết các sự kiện diễn ra trong thế giới Internet năm 2012. Những con số ấn tượng được Royal Pingdom đã cho thấy một bức tranh khá sáng sủa về Internet năm qua.

Số lượng website

- 634 triệu là số website đang hoạt động trên toàn cầu (tính đến tháng 12/2012).

- 51 triệu là số website mới xuất hiện trong năm 2012.

- 191 triệu là số lượt người truy cập vào Google, đưa trang web này lên vị trí số 1 tại thị trường Mỹ trong tháng 11/2012.

- 87,8 triệu là số lượng blog trên trang Tumblr.

- 17,8 triệu là số lượt người truy cập Tumblr.

- 59,4 triệu là số trang blog WordPress trên toàn thế giới.

- 43% là tỷ lệ website trong 1.000 địa chỉ hàng đầu, được đặt tại các máy chủ ở Mỹ.

- 48% là tỷ lệ blog trong 100 blog hàng đầu chạy WordPress.

- 75% là tỷ lệ trang web trong số 10.000 website hàng đầu được xây dựng từ phần mềm mã nguồn mở.

Mạng xã hội

- 1 tỷ người là số người dùng Facebook (tính đến hết tháng 10/2012).

- 47% là tỷ lệ nữ giới dùng Facebook.

- 40,5 là độ tuổi trung bình của người dùng Facebook.

- 2,7 tỷ là số lượt nhấn nút "like" mỗi ngày trên Facebook.

- 24,3% trong số 10.000 website hàng đầu có tích hợp Facebook.

- 85.962 là lượng bài đăng hàng tháng trên mỗi trang Facebook tại Brazil, quốc gia có người dùng Facebook tích cực nhất.

- 200 triệu là số người dùng Twitter có đăng nhập sử dụng mỗi tháng, Twitter vượt qua mốc này vào tháng 12/2012.

- 37,3 là độ tuổi trung bình của người dùng Twitter.

- 327.452 là số lượt tweet mỗi phút trên Twitter khi ông Barack Obama tái đắc cử Tổng thống Mỹ.

- 9,66 triệu là số lượt “tweet” trong thời gian diễn ra lễ khai mạc Thế vận hội 2012 được tổ chức tại thủ đô London của Anh.

- 175 triệu là số lượng trung bình lượt tweet được gửi đi mỗi ngày trong năm 2012.

- 51 là số lượng trung bình follower (người theo dõi) của một người dùng Twitter.

- 163 tỷ là tổng số lượt tweet kể từ khi Twitter bắt đầu hoạt động. Twitter vượt qua mốc này hồi tháng 07/2012.

- 123 là số lượng nguyên thủ quốc gia có tài khoản Twitter.

- 187 triệu là số người sử dụng LinkedIn (tính đến tháng 9/2012).

- 44,2 là độ tuổi trung bình của người dùng LinkedIn.

- 135 triệu là số người dùng Google+ hàng tháng.

- 5 tỷ là số lượt bấm nút “+1” trên Google+ mỗi ngày.

Người dùng Internet

- 2,4 tỷ là số người sử dụng Internet trên toàn cầu.

- 1,1 tỷ là số người dùng Internet tại châu Á.

- 519 triệu là số người dùng Internet tại châu Âu.

- 274 triệu là số người dùng Internet tại Bắc Mỹ.

- 255 triệu là số người dùng Internet ở Mỹ Latin/ Caribbean.

- 167 triệu là số người dùng Internet ở châu Phi.

- 90 triệu là số người dùng Internet ở Trung Đông.

- 24,2 triệu là số người dùng Internet ở châu Đại dương/Australia.

- 565 triệu là số người dùng Internet tại Trung Quốc, đông hơn bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới.

- 42,1% là tỷ lệ dùng Internet ở Trung Quốc.

Thiết bị di động

- 1,1 tỷ là số thuê bao điện thoại thông minh (smartphone) trên toàn cầu.

- 5 tỷ là số người dùng điện thoại di động.

- 5,3 tỷ là số lượng điện thoại di động.

- 1,3 tỷ là số smartphone đang được sử dụng trên toàn cầu tính tới cuối năm 2012.

- 465 triệu là số smartphone Android bán ra trong năm 2012.

- 31% là tỷ lệ người dùng Internet tại Mỹ sử dụng máy tính bảng hoặc máy đọc sách điện tử.

- 13% là tỷ lệ lưu lượng Internet dùng bởi thiết bị di động.

- 1,3 exabytes là lưu lượng ước tính của dữ liệu di động toàn cầu mỗi tháng trong năm 2012

- 59% là tỷ lệ lưu lượng dữ liệu di động toàn cầu thuộc về video.

- 500 MB là lưu lượng dữ liệu tiêu tốn mỗi tháng bởi một người dùng smartphone bình thường.

- 504 kbps là tốc độ kết nối mạng di động trung bình toàn cầu (đối với điện thoại di động nói chung).

- 1,820 kbps là tốc độ kết nối mạng di động trung bình toàn cầu (đối với riêng smartphone).

Tên miền

- 246 triệu là số lượng đăng ký tên miền thuộc tất cả các tên miền hàng đầu.

- 329 là số lượng tên miền hàng đầu.

- 100 triệu là số lượng tên miền đuôi "com" vào cuối năm 2012.

- 14,1 triệu là số lượng tên miền đuôi "net" tính tới cuối năm 2012.

- 9,7 triệu là số lượng tên miền có đuôi "org" tính tới cuối năm 2012.

- 6,7 triệu là số lượng tên miền ".info" vào cuối năm 2012.

- 2,2 triệu là số lượng tên miền ".biz" tính tới cuối năm 2012.

- 32,44% là thị phần của GoDaddy.com, nhà cung cấp tên miền hàng đầu thế giới.

- 2,45 triệu USD là giá của Investing.com, tên miền đắt nhất được bán trong năm 2012.

Email

- 2,2 tỷ là số người sử dụng email trên toàn cầu.

- 144 tỷ là tổng số lượt truy cập email mỗi ngày trên toàn cầu.

- 425 triệu là số người đăng ký dùng Gmail của Google có đăng nhập sử dụng, đưa Gmail trở thành dịch vụ email hàng đầu trên thế giới.

- 61% là tỷ lệ email được xem là không cần thiết.

- 68,8% là tỷ lệ email thuộc nhóm thư rác (spam).

- 50,76% là tỷ lệ thư rác chuyên quảng cáo dược phẩm. Đây cũng là loại thư rác phổ biến nhất.

- 0,22% là tỷ lệ email trên toàn thế giới có liên quan tới trò lừa đảo.

Video

- 14 triệu là số lượng người dùng dịch vụ Vimeo.

- 200 petabytes video được phát trên Vimeo trong năm 2012.

- 1 tỷ là lượt xem clip Gangnam Style của ca sỹ PSY người Hàn Quốc. Gangnam Style đạt mốc 1 tỷ lượt xem chỉ sau 5 tháng.

- 2,7 tỷ là số lượt xem những video đăng tải lên YouTube có “tag” Obama hoặc Romney trong đợt bầu cử tại Mỹ năm 2012.

- 4 tỷ giờ là thời lượng video được xem trên YouTube mỗi tháng.

Ảnh

- 7 petabyte là lượng nội dung về tranh ảnh được bổ sung trên Facebook mỗi tháng.

- 300 triệu là số lượng tranh ảnh được đăng mới trên Facebook mỗi ngày.

- 5 tỷ là tổng sổ tranh ảnh được đăng tải lên Instagram kể từ khi dịch vụ này ra mắt (tính tới tháng 09/2012).

- 58 là tổng số ảnh được đăng tải lên Instagram mỗi giây.

Công cụ tìm kiếm

- 1.200 tỷ là số lượt tìm kiếm trên Google trong năm 2012.

- 67% là số thị phần của Google trên phân khúc tìm kiếm trực tuyến ở Mỹ (tháng 12/2012).

Theo Vietnamnet
Dịch vụ chia sẻ file nổi tiếng Megaupload chính thức “hồi sinh”

Dịch vụ chia sẻ file nổi tiếng Megaupload chính thức “hồi sinh”

Đúng 1 năm sau khi dịch vụ chia sẻ file nổi tiếng Megaupload bị đóng cửa, nhà sáng lập của dịch vụ này - Kim Dotcom, đã cho ra mắt dịch vụ mới với những tính năng tương tự để thay thế, có tên gọi Mega.

Mega được xem là sự hồi sinh của dịch vụ chia sẻ file nổi tiếng Megaupload, được chính thức ra mắt vào ngày hôm qua, 20/1, đúng 1 năm sau khi Megaupload bị đóng cửa bởi chính phủ Mỹ.

Tương tự như phiên bản “tiền nhiệm”, Mega cũng là dịch vụ lưu trữ trực tuyến, cho phép người dùng upload, lưu trữ và chia sẻ mọi loại file trên dịch vụ này.

Mega là sự “hồi sinh” của Megaupload, với nhiều sự hỗ trợ hơn cho người dùng

Để tránh đi vào “vết xe đổ” của Megaupload, những dữ liệu upload lên Mega sẽ được mã hóa để chỉ cho phép những ai upload dữ liệu đó và những ai được chia sẻ mới có quyền xem và sử dụng những dữ liệu trên Mega.

Kim Dotcom khẳng định dịch vụ mới của mình là hoàn toàn hợp pháp và những nỗ lực để đóng cửa dịch vụ này là vô ích.

“Đây là dịch vụ mà Hollywood và chính phủ Mỹ không thể sờ tay đến được”, Kim Dotcom tự tin tuyên bố trong buổi ra mắt. “Về mật pháp lý, không có lý do gì để họ có thể đóng cửa dịch vụ này. Trang web hoạt động một cách hợp pháp và có quyền tồn tại, giống những dịch vụ lưu trữ khác như Dropbox, Boxnet và các đối thủ cạnh tranh khác”.

Tuy nhiên, khác với dịch vụ Megaupload trước đây vốn có rất nhiều sự hạn chế với người dùng miễn phí, giờ đây dịch vụ Mega đã trở nên “hào phóng” hơn. Những người dùng đăng ký sẽ được cung cấp 50GB dung lượng lưu trữ miễn phí để chứa dữ liệu. Dung lượng này là lớn hơn rất nhiều so với các dịch vụ lưu trữ dữ liệu trực tuyến nổi tiếng khác, như DropdBox (2GB miễn phí), Google Drive (5GB miễn phí) hay Microsoft SkyDrive (7GB miễn phí).

Với những người dùng muốn nhiều hơn 50GB dung lượng lưu trữ có thể đặt mua tài khoản mở rộng, với các mức giá 9,99Euro (13,29USD), 19,99Euro (26,59USD) và 29,99Euro (39,90) hàng tháng cho dung lượng lưu trữ tương đương 500GB, 2TB và 4TB.

Việc “hồi sinh” dịch vụ chia sẻ file yêu thích Megaupload lập tức đã gây được sự chú ý và hưởng ứng của rất nhiều người, đặc biệt với những ai đã từng yêu thích dịch vụ chia sẻ file Megaupload trước đây.

Kim Dotcom trong buổi lễ ra mắt Mega hoành tráng tại tư gia của mình ở New Zealand

Trong ngày đầu tiên sau khi ra mắt, trang web của Mega đã rơi vào trạng thái ngưng trệ do lượng truy cập quá đông. Theo chia sẻ của Kim Dotcom trên trang cá nhân của mình, Mega đã có hơn 100.000 người dùng chỉ trong 1 giờ đầu tiên mở màn. Chỉ sau 24 giờ đầu tiên, con số người dùng của Mega đã vượt mốc 1 triệu người.

Trước đó, dịch vụ chia sẻ dữ liệu số 1 thế giới Megaupload đã bị đóng cửa vào tháng 1/2012, còn nhà sáng lập Kim Dotcom bị cảnh sát New Zealand bắt giữ vì những cáo buộc vi phạm bản quyền.

Kim Dotcom đã phủ nhận mọi cáo buộc chống lại mình và chuẩn bị dự phiên toàn diễn ra vào tháng 8 tới đây để chống lại một lệnh dẫn độ từ New Zealand sang Mỹ, nơi Kim Dotcom có thể bị kết án nhiều năm tù giam.

Sau khi Megaupload bị đóng cửa, 25 PB (Petabytes = 1 triệu GB) của 50 triệu người dùng trên Megaupload đang đứng trước nguy cơ bị xóa sạch. Trong khi đó, Kim Dotcom đã bị kết án tránh xa khỏi máy tính suốt đời, tuy nhiên sau đó bản án này đã được gỡ bỏ. Hiện Kim Dotcom cho biết đang nỗ lực để kháng cáo và xin khôi phục lại dữ liệu trên Megaupload cho người dùng.

Vụ việc đóng cửa Megaupload từng gây không ít xôn xao và tranh cãi trong giới công nghệ. Nhiều người cho rằng đây là biện pháp hợp lý để cảnh cáo với những ai xem thường việc bảo hộ quyền sở hữu, trong khi đó, nhiều người ủng hộ Megaupload vì sự tự do của Internet. Bản thân Kim Dotcom cũng được nhiều nhân vật nổi tiếng trong giới công nghệ ủng hộ, trong đó có nhà đồng sáng lập Apple, Steve Woziniak.

Video buổi lễ ra mắt của Mega tại tư gia của Kim Dotcom ở New Zealand:


Theo Dân Trí
Càng "ném đá", WeChat và Hao123 càng phát triển ở Việt Nam

Càng "ném đá", WeChat và Hao123 càng phát triển ở Việt Nam

Đánh trúng nhu cầu người dùng và khéo léo maketing… nên dù liên tục bị cộng đồng mạng kêu gọi "tẩy chay", nhưng WeChat vẫn có được 1 triệu người dùng trên di động còn Hao123 có đến 2 triệu lượt ghé thăm/ngày sau vài tháng gia nhập thị trường.

Sản phẩm tốt, số lượng thành viên nữ đông, chi nhiều tiền cho truyền thông...
 là những nguyên nhân khiến WeChat đã có đến 1 triệu thành viên sau 2 -3 tháng vào Việt Nam.
Ảnh:Internet.

Tháng 6/2012, mạng xã hội Trà đá quán Baidu để bắt đầu chạy thử nghiệm ở Việt Nam với tên miền “.vn”. Tuy nhiên, sản phẩm này của Baidu đã liên tục bị "ném đá" trên truyền thông và mạng xã hội. Vì vậy, khi ra mắt ngày 16/7, mạng xã hội của công ty Internet hàng đầu Trung Quốc đã phải  mang tên “Baidu Tieba” phiên bản tiếng Việt thay vì "Baidu Trà đá quán" như lần quảng cáo trước đó. Và mạng xã hội này sử dụng tên miền quốc tế  vn.tieba.com thay vì tên miền .vn hay .com.vn.  Bên cạnh đó, Baidu còn cung cấp dịch vụ hỏi đáp thông tin trực tuyến tại zhidao.baidu.com.vn/ và mạng tìm kiếm, các dịch vụ tiện ích trực tuyến tại vn.hao123.com.

Một "đại gia" khác của Trung Quốc là Tencent cũng không giấu tham vọng mở rộng thị trường trên toàn cầu và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Tháng 4/2012, WeChat - ứng dụng chat, nhắn tin miễn phí qua Internet của Tencent chính thức "đổ bộ" vào Việt Nam và quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việc đổ bộ của các công ty về dịch vụ Internet của Trung Quốc cũng thu hút được sự quan tâm của giới truyền thông Việt Nam. Đây cũng là 1 trong số 20 sự kiện ICT tiêu biểu 2012 được Câu lạc bộ nhà báo CNTT Việt Nam lựa chọn. 

Lời bình cho sự kiện này được Câu lạc bộ Nhà Báo CNTT Việt Nam đưa ra mang tính cảnh báo cao: "Năm 2012, trên thị trường Internet Việt Nam, bên cạnh những cái tên quen thuộc như FPT, VNG và VC Corp... đã có thêm sự xuất hiện ồ ạt của các doanh nghiệp Trung Quốc như Baidu, Tencent. Việc tham gia thị trường của các công ty Trung Quốc cũng dấy lên mối lo ngại liệu đây có phải là các phần mềm này có khả năng theo dõi và lấy cắp dữ liệu của người dùng hay không. Nhiều người sử dụng máy tính Việt Nam còn gặp phải tình trạng rất khó chịu khi phần mềm tìm kiếm Trung Quốc Hao123 tự tìm đường cài vào máy tính của mình và gặp rất nhiều khó khăn trong việc gỡ bỏ".

Trong bức thư của ông Lê Hồng Minh, Tổng Giám đốc VNG chia sẻ trên blog cá nhân gửi các nhân viên của mình, ông Minh cho biết,  WeChat đã có sự tăng trưởng nhanh chóng trong suốt 2-3 tháng và  đạt gần 1 triệu người dùng sử dụng với 2 phiên bản trên hệ điều hành iOS và Android. Còn Hao123 đã có sự  tăng trưởng đột phá từ khoảng 70.000 lượt ghé thăm/ngày vào tháng 4/2012 lên đến 2 triệu lượt ghé thăm/ngày (tháng 8/2012). Theo ông Minh, số lượng thành viên của WeChat là một con số vô cùng lớn với lĩnh vực di động và sự tăng trưởng của Hao123 là "không hiểu nổi", "VNG vô cùng sốc và mọi suy nghĩ trước đây như sản phẩm không quan trọng, không có người dùng ở Việt Nam đều phải dẹp bỏ".

Ông Phan Anh Tuấn, Phó Giám đốc VTC Online cho biết, sự phát triển của WeChat cũng như các phần mềm nhắn tin, gọi điện miễn phí qua Internet là sự phát triển tất yếu của công nghệ và bắt đầu bùng nổ rất mạnh trong năm 2012, WeChat cũng có ưu thế khi là sản phẩm đầu tiên bước vào thị trường này ở Việt Nam. “Chưa kể, các mạng xã hội trên di động như WeChat là những sản phẩm mới trên thị trường mà Facebook chưa làm tốt nên tự thân nó có tính lan truyền rất lớn đối với cộng đồng người dùng”, ông Tuấn cho biết thêm.

Mặc dù VTC Online hay các công ty Internet khác ở Việt Nam chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi sự “xâm chiếm” của WeChat hay Hao123 nhưng thời gian tới, nếu sản phẩm đến từ Trung Quốc vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ thì những nguy cơ về an ninh, rủi ro mất chủ quyền số hoàn toàn có thể xảy ra. Đặc biệt, tháng 12/2012, hãng tin Guardian (Anh) đã lên tiếng cảnh báo chức năng bảo mật trong ứng dụng nhắn tin di động WeChat của Tencent có thể theo dõi vị trí, nội dung riêng tư của hơn 200 triệu người dùng theo thời gian thực hay một số báo chí của Trung Quốc cũng lên tiếng cảnh báo về nguy cơ mất an toàn của WeChat, khi người dùng để lộ thông tin cá nhân với tội phạm.

Theo anh Nguyễn Duy Hiến, đại diện AppstoreVN, một số sản phẩm như WeChat dù bị nhiều người phản đối nhưng do Tencent đổ rất nhiều tiền vào truyền thông và phủ kín các kênh tiếp cận người dùng nên vẫn đạt được lượng người dùng đáng kể. Một lượng lớn người dùng thực ra không quan tâm đến xuất xứ WeChat và không biết nó bị tẩy chạy thế nào, họ cài Wechat vì thấy thông điệp truyền thông của nó phù hợp với nhu cầu của họ. “Cách truyền thông này thường gặp nhiều ở các tập đoàn ngành hàng tiêu dùng nhưng ít gặp ở các công ty Internet do chi phí quá cao”, anh Hiến nhấn mạnh.

Theo như quan sát của ICTnews, số lượng người dùng WeChat là nữ chiếm tỷ lệ rất cao và đó cũng là lý do để lôi kéo những thành viên nam khác khi sử dụng tính năng “Look Aroud” giúp tìm kiếm những thành viên khác ở xung quanh vị trí của mình trên WeChat.  

Một chuyên gia trong lĩnh vực Internet cho rằng, sự thành công của Hao123 và WeChat là do đáp ứng được nhu cầu của người dùng và thị trường còn trống, không có đối thủ cạnh tranh đủ mạnh để cung cấp dịch vụ. Ví dụ như Hao123, sản phẩm này đã phục vụ được nhu cầu của một số người muốn truy cập một website tổng hợp được những thông tin từ những trang web hàng đầu trong các lĩnh vực như âm nhạc, mua sắm, phim, điện thoại… - điều mà Zing home (VNG) hay Yahoo trước kia không đáp ứng được.

Còn WeChat, với tính năng đơn giản và tập trung nên đáp ứng được phần lớn nhu cầu và rất ít người sử dụng Việt Nam đưa ra lời phàn nàn sau khi dùng. Ngoài ra, do Tencent tung ra chiến lược “xâm chiếm” các nước trong khu vực Đông Nam Á rất bài bản, rõ ràng nên đã đầu tư chi phí quảng cáo lớn trên tất cả các kênh truyền thông, mạng xã hội - các ứng dụng nhắn tin, gọi điện miễn phí trên Internet xuất hiện trước như Whatsapp, Viber đều không thực hiện được việc này. “Vì vậy, chỉ sau 2 - 3 tháng, WeChat đã có hơn 1 triệu người dùng trên smartphone và trở thành một mạng xã hội trên di động hàng đầu ở Việt Nam”, vị chuyên gia này cho biết thêm.

Theo ICTNews
Để không bị thất nghiệp, thất tình vì... Facebook

Để không bị thất nghiệp, thất tình vì... Facebook

Nếu không muốn lâm vào cảnh “dở khóc, dở cười” vì Facebook, hãy đọc bài viết ngay sau đây.

Để không bị thất nghiệp, thất tình vì... Facebook
Ảnh minh họa.

Một số người có thói quen “lần mò” những sự việc xảy ra trong quá khứ của người khác dù đây là hành vi không đúng. Chính những ngọn lửa nhỏ trong quá khứ này nếu bị lộ ra có thể khiến một người mất công việc, mất người yêu, hay mất bạn bè…

Nếu không muốn bị Facebook tổn hại tới cuộc sống chỉ vì những gì đã diễn ra trong quá khứ, bạn nên để mắt tới tính năng “đáng sợ” của mạng xã hội “đông dân” nhất hành tinh: Facebook luôn theo dõi lịch sử tìm kiếm của bạn. Tin vui là cơn ác mộng chỉ dành cho riêng chủ nhân Facebook. Tuy nhiên, tin buồn là nhiều người, đặc biệt là các cặp đôi đang yêu hay chia sẻ máy tính và thường không đăng xuất Facebook, do đó nguy cơ lịch sử tìm kiếm của bạn bị người khác “dòm ngó” là khá cao.

Để an toàn, bạn có thể xóa “dấu vết” bằng vài bước đơn giản sau:

Đăng nhập Facebook, vào profile cá nhân.
Ở góc trên bên phải trang, click “activity log”.
Click “more” ở mục 3 phía bên trái trang.
Click “search”.
Mọi thứ bạn tìm kiếm trong quá khứ đều hiện ra. Click “Clear Searches”.
Click tiếp vào “Clear Searches”.
Mọi thứ đã biến mất.

Theo ICTNews
Yahoo! chính thức “tạm biệt” dịch vụ blog ở Việt Nam

Yahoo! chính thức “tạm biệt” dịch vụ blog ở Việt Nam

Ngày 17/1/2013, Yahoo! đã gửi mail cho các thành viên thông báo về việc từ thời điểm này, Yahoo! sẽ ngưng hoạt động dịch vụ blog và người dùng sẽ không thể đăng nhập vào tài khoản Yahoo! Blog Việt Nam được nữa.

Từ ngày 17/1/2013 đến 14/3/2013, người dùng có thể vào download.blog.yahoo.com
để xuất và lưu trữ các bài viết, bình luận bài viết và hình ảnh của mình.

Thông báo cũng khẳng định, từ ngày 17/1/2013 đến 14/03/2013, người dùng có thể vào download.blog.yahoo.com để xuất và lưu trữ các bài viết, bình luận bài viết và hình ảnh của mình trên Yahoo! Blog vào các thiết bị lưu trữ cá nhân.

Tất cả các bài viết, bình luận bài viết và hình ảnh của các thành viên trên Yahoo! Blog sẽ được nén thành một hoặc nhiều file để người dùng có thể tải xuống (download). Quá trình tải xuống có thể mất từ 24 đến 72 giờ. Yahoo! sẽ thông báo cho bạn bằng e-mail khi tập tin của người dùng đã sẵn sàng để tải xuống hoặc cũng có thể vào download.blog.yahoo.com để kiểm tra trạng thái/tiến độ tải xuống. Yahoo! cũng khẳng định sẽ giữ các file nén dữ liệu của thành viên trong vòng 2 tuần kể từ ngày email thông báo. “Với sự giới hạn thời gian như vậy, chúng tôi đề nghị các bạn tải các dữ liệu của mình xuống lưu trữ càng sớm càng tốt ngay sau khi nhận được thông báo và trước ngày 9/3/2013”, thông báo của Yahoo! cho biết thêm.

Ngoài ra, Yahoo! cũng gửi lời cám ơn người dùng đã sử dụng dịch vụ Yahoo! Blog và mong muốn sẽ tiếp tục được phục vụ người dùng Việt Nam trên các sản phẩm khác của đơn vị này.

Tháng 6/2012, Yahoo! Việt Nam đã giới thiệu nền tảng blog mới được thiết kế để thay thế blog Yahoo! 360 Plus hiện có khi đó với những tính năng như cài đặt blog, bố cục thiết kế, trang bìa và trải nghiệm công nghệ blog mới nhất. Tuy nhiên, sau 6 tháng hoạt động, đầu tháng 12/2012, Yahoo! đã thông báo việc đúng ngày 17/1/2013, tính năng Yahoo! Blog sẽ đóng cửa tại Việt Nam và chỉ duy trì tại thị trường trong nước 2 sản phẩm là Yahoo! Mail và Messenger. Phía Yahoo! cho biết, việc đóng cửa Yahoo! Blog là một phần trong kế hoạch của họ nhằm đóng cửa những sản phẩm và dịch vụ không mang lại nhiều giá trị cho người dùng để tập trung thời gian và sức lực cho các sản phẩm cốt lõi mà người dùng ưa thích.

Dịch vụ blog đầu tiên của Yahoo! ở Việt Nam là dịch vụ Yahoo! 360 ra đời tháng 3/2005 và đã có ảnh hưởng rất lớn với người sử dụng Internet, đặc biệt là cư dân mạng Việt Nam. Theo kết quả nghiên cứu công bố tháng 4/2009, 85% người dùng tại các thành phố lớn sử dụng Yahoo! cho các hoạt động kết nối xã hội trực tuyến. Mặc dù vậy, đến tháng 8/2009, Yahoo đã quyết định “khai tử” Yahoo!360 và thay thế bằng Yahoo!360 Plus. Tuy nhiên, cả Yahoo! 360 Plus lẫn Yahoo! Blog đều không được thành công như “đàn anh” của mình.

Theo ICTNews
Facebook giới thiệu công cụ tìm kiếm Graph Search

Facebook giới thiệu công cụ tìm kiếm Graph Search

Công cụ này sẽ thay thế cho thanh tìm kiếm mặc định trên Facebook, cho phép các thành viên không chỉ tìm kiếm thông tin của nhau theo dạng chữ viết mà còn cả hình ảnh lẫn video một cách thông minh và tiện lợi.

Mark Zuckerberg giới thiệu công cụ tìm kiếm Graph Search tại trụ sở của Facebook.
Ảnh: Cnet.

Buổi ra mắt vừa diễn ra tại trụ sở Facebook đã khiến cho nhiều "fan" hẫng hụt vì không thấy được mẫu smartphone mới của mạng xã hội lớn nhất thế giới. Thay vào đó, CEO của Facebook đã giới thiệu công cụ tìm kiếm Graph Search mới. Mark Zuckerberg cho biết công cụ này vừa được đưa tới một số thành viên trên mạng xã hội này để dùng thử. Hiện tại, Graph Search cũng mới chỉ hỗ trợ tiếng Anh.

Thay vì gõ tên của bạn bè như trước kia, các "cư dân" của Facebook có thể tìm kiếm các thông tin khác như các nơi mà bạn bè mình từng đến hay những người có cùng sở thích. Thậm chí, thành viên trên Facebook còn có thể tìm kiếm các thông tin kiểu như "Những người bạn của bạn mình, là nam giới và sống ở San Francisco". Thêm vào đó, mạng xã hội lớn nhất còn cho phép tìm kiếm cả hình ảnh lẫn video của bạn bè với các cú pháp tương tự. Nếu như gõ "photo of mi frends before 2000" (hình ảnh của bạn tôi trước năm 2000) trên thanh tìm kiếm này, bạn sẽ nhìn thấy hàng loạt ảnh của bạn bè mình như mong muốn.

Trang dùng thử công cụ tìm kiếm của Facebook.

Graph Search sẽ tự động quyết định xem nên hiển thị những kết quả tìm kiếm nào và đặt tiêu đề cho trang tìm kiếm ra sao. Tuy nhiên, các "cư dân" của mạng xã hội lớn nhất vẫn có thể thay đổi phần tiêu đề sao cho phù hợp với ý mình.

Mark Zuckerberg cho biết hai công cụ tìm kiếm Graph Search và Web Search hoàn toàn khác nhau. Trong khi Web Search "lục" mọi kết quả có thể với một số từ khoá nào đó thì Graph Search kết nối ngữ nghĩa của các từ đó lại với nhau để tìm kiếm. Hơn nữa, điểm khác biệt lớn nhất là hầu hết các thông tin tìm kiếm trên Facebook từ Graph Search không công khai.

Mặc dù khác biệt như vậy nhưng trong giai đoạn đầu, Graph Search vẫn phải kết hợp với một công cụ tìm kiếm Web Search là Bing của Microsoft. Tuy nhiên, Facebook chỉ nhờ tới Bing khi công cụ tìm kiếm của mạng xã hội lớn nhất không thể tìm ra được đáp án theo lệnh của người dùng.

Video giới thiệu tính năng Graph Search của Facebook

Theo Số Hóa
Nhà băng cảnh báo nguy cơ mất tài khoản Internet Banking

Nhà băng cảnh báo nguy cơ mất tài khoản Internet Banking

Cả 2 ngân hàng lớn là Vietcombank và BIDV vừa cảnh báo nguy cơ lây nhiễm vi rút đánh cắp thông tin cá nhân của khách hàng. Qua các email rác, website giả mạo, tin tặc có thể dẫn dụ để lừa và lấy thông tin của nạn nhân.

Nhà băng cảnh báo nguy cơ mất tài khoản Internet Banking

Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, gần đây, vi rút Eurograbber đã được các tin tặc sử dụng để lấy cắp 36 triệu EUR từ nhiều tài khoản ngân hàng tại các nước châu Âu như Italy, Đức, Tây Ban Nha và Hà Lan. Tin tặc sử dụng email hay các trang web giả mạo để lừa khách hàng cài đặt vi rút trên máy cá nhân. Khi truy cập các dịch vụ trực tuyến của ngân hàng, vi rút này sẽ giả mạo thông báo của ngân hàng để dụ khách hàng cài đặt vi rút trên điện thoại di động. Sau đó, con vi rút trên di động sẽ lấy cắp mã xác thực sử dụng một lần (OTP) và kết hợp với vi rút hoạt động trên máy tính cá nhân để thực hiện giao dịch giả mạo lấy trộm tiền từ tài khoản khách hàng.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đưa ra những cảnh báo tương tự về loại vi rút này. BIDV dẫn thông báo của Bộ Công an cho biết, hiện tại, vi rút Zeus có tên gọi là Eurograbber đang hoạt động tại các nước thuộc liên minh châu Âu nhưng phạm vi của nó có thể mở rộng đến châu Á, trong đó có Việt Nam.

Dù khẳng định chưa có ghi nhận về việc vi rút này xuất hiện tại Việt Nam nhưng cả Vietcombank và BIDV đều khuyến cáo người sử dụng cảnh giác với các hình thức dẫn dụ này của tin tặc. BIDV khuyến cáo, nếu muốn chuyển tiền từ Internet, khách hàng nên truy cập vào website chính thức của ngân hàng thay vì qua các đường link dẫn dụ. "BIDV sẽ không gửi bất kì tin nhắn hay email nào để yêu cầu cập nhật thông tin sử dụng dịch vụ như: Số điện thoại, tên truy cập hay các liên kết (đường link) để khách hàng tự cài đặt hoặc tự cập nhật chương trình", ngân hàng này lưu ý.

Vietcombank thì khuyến cáo không nên cài đặt các phần mềm độc hại, không rõ nguồn gốc xuất xứ trên máy tính cá nhân và điện thoại di động để tránh trường hợp bị tin tặc lấy cắp thông tin tài khoản ngân hàng.

Theo VnExpress
Aaron Swartz - hacker tài hoa bạc mệnh

Aaron Swartz - hacker tài hoa bạc mệnh

Đồng tác giả công cụ RSS và đồng sáng lập trang Reddit đã ra đi ở tuổi 26 khi tự tử tại nhà tuần trước khiến cộng đồng ngỡ ngàng và ngay cả "cha đẻ" của web Tim Berners-Lee cũng chia sẻ niềm thương tiếc trên Twitter.

Aaron Swartz.

Swartz (8/11/1986-11/1/2013) là lập trình viên và nhà hoạt động Internet người Mỹ. Từ năm mới 14 tuổi, anh đã là thành viên trong nhóm tác giả của RSS - tính năng rất phổ biến hiện nay giúp người dùng theo dõi và cập nhật nội dung từ các trang web và blog. Năm 19 tuổi, anh thành lập Infogami, về sau sáp nhập vào Reddit và trở thànhmột trong những người đồng sở hữu website này. Swartz cũng là hacker phản đối quyết liệt dự luật quản lý Internet SOPA đầu năm 2012.

Tháng 1/2011, anh bị bắt vì sử dụng máy tính của Viện công nghệ MIT để truy cập và tải hàng triệu trang tài liệu hàn lâm từ kho lưu trữ JSTOR (nhưng được tại ngoại sau khi trả tiền bảo lãnh). Swartz cảm thấy bất công khi JSTOR thu phí đọc tài liệu nhưng số tiền đó chỉ được trả cho nhà xuất bản chứ không phải cho các tác giả. Anh này muốn phân phát tài liệu này đến càng nhiều người càng tốt.

Với nhiều người, Swartz giống như một người hùng, người luôn tin rằng Internet là công cụ giúp con người dễ dàng tiếp cận kho kiến thức khổng lồ của nhân loại. "Thông tin là quyền lực, nhưng giống như các loại quyền lực khác, nó đang bị một số người chỉ muốn giữ cho riêng họ", Swartz từng nói. "Chia sẻ dữ liệu không phải là việc trái đạo đức".

Tuy nhiên, chính phủ Mỹ có góc nhìn khác về việc làm của Swartz. Phiên tòa đáng lẽ sẽ diễn ra trong năm 2013 và hacker này phải đối mặt với khoản bồi thường lên tới cả triệu USD và 35 năm tù giam - mức án mà gia đình cho là đã ám ảnh Swartz trong suốt 2 năm, dẫn tới vụ tự sát tại nhà riêng chiều 11/1.

Hành động lấy tài liệu chia sẻ cho cộng đồng có phải việc làm chính nghĩa hay không còn gây nhiều ý kiến trái chiều, "nhưng vấn đề là phải chăng bên nguyên đã đòi hỏi quá nhiều so với mức độ có tội của bên bị", Giáo sư Lawrence Lessig tại Đại học Luật Harvard (Mỹ), từng mô tả Swartz là một thiên tài web, nhận xét. "Câu hỏi mà chính phủ Mỹ cần trả lời là sao lại phải gán cho Swartz là người phạm tội nghiêm trọng".

Trong khi đó, Chủ tịch MIT, Rafael Reif, cho hay ông cảm thấy đau lòng nếu MIT đóng bất cứ vai trò nào trong chuỗi các sự kiện dẫn đến bi kịch này. Trang web của viện công nghệ này đã không thể truy cập trong ngày 13/1 và một nhóm hacker đã lên tiếng nhận trách nhiệm.

Ngay sau tin về cái chết của Swartz được phát đi, cộng đồng mạng đã bày tỏ niềm thương tiếc và sự bất ngờ. Hiệp sĩ Tim Berners-Lee viết trên Twitter: "Aaron chết. Với thế giới, chúng ta mất đi một người thông thái. Với những hacker chính nghĩa, chúng ta có một người nằm xuống. Với các bậc cha mẹ, chúng ta mất đi một người con. Hãy để chúng ta cùng khóc thương".

Lý do thực sự dẫn đến hành động của Swartz có thể không bao giờ được giải đáp và những việc anh đã làm còn gây nhiều tranh cãi, nhưng điều người ta không thể phủ nhận là Swartz thực sự là một tài năng và báo Wired đã gói gọn chuyện này trong 5 từ: "His death is a tragedy" (Cái chết của anh là một bi kịch).

Theo Châu An (VnExpress.net)
Từ 15/03: Chỉ Trung Quốc được dùng Windows Live Messenger

Từ 15/03: Chỉ Trung Quốc được dùng Windows Live Messenger

Microsoft thông báo Windows Live Messenger sẽ đóng cửa trên toàn cầu, ngoại trừ Trung Quốc, từ ngày 15/03/2013. Toàn bộ người dùng Messenger sẽ được chuyển sang Skype.

Từ 15/03: Chỉ Trung Quốc được dùng Windows Live Messenger

Tháng 11/2012, ông Tony Bates, chủ tịch phụ trách Skype của Microsoft, xác nhận là Messenger sẽ đóng cửa vào quý 1/2013. Thứ Ba vừa qua, Microsoft đã thông báo qua email cho người dùng Windows Live Messenger rằng dịch vụ sẽ chính thức ngừng hoạt động từ ngày 15/03/2013: “Chúng tôi chuẩn bị chấm dứt dịch vụ Messenger trên toàn cầu, đồng thời kết hợp những tính năng tốt nhất của Messenger và Skype lại với nhau”, Microsoft viết trong email thông báo, bổ sung rằng Windows Live Messenger chỉ tiếp tục hoạt động ở Trung Quốc lục địa.

Microsoft khuyến khích người dùng “cập nhật lên Skype” và đăng nhập bằng tài khoản Microsoft của họ (trước đây gọi là “Windows Live ID”), bao gồm một địa chỉ email và password (mật khẩu). Tất cả các thông tin liên lạc Messenger sẽ được chuyển sang Skype sau khi người dùng đăng nhập.

Cuối tháng 11/2012, người dùng Messenger đã có thể trò chuyện với những người trong danh sách liên lạc bằng Skype. Đây có thể coi là một bước để Microsoft thuyết phục người dùng Messenger chuyển sang Skype.

Phạm Duyên
Theo Mashable
Zuckerberg đối mặt với án phạt 20.000 EUR tại Đức

Zuckerberg đối mặt với án phạt 20.000 EUR tại Đức

Nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg đang đối mặt với một án phạt 20.000 EUR tại Đức vì cấm người dùng tại đây sử dụng các tài khoản vô danh.


Theo thông tin từ The Guardian, các ủy viên của Cơ quan giám sát và bảo vệ dữ liệu của bang Schleswig-Holstein dọa sẽ kiện Zuckerberg và Facebook nếu mạng xã hội tiếp tục cấm các tài khoản vô danh. Theo cơ quan bảo vệ dữ liệu, người Đức có quyền sử dụng các dịch vụ trực tuyến bằng phương thức ẩn danh, việc buộc người dùng cung cấp danh tính thực sự của họ là một hành vi vi phạm pháp luật Đức.

"Việc một trang mạng xã hội của Mỹ như Facebook vi phạm pháp luật Đức là điều không thể chấp nhận được", một ủy viên có tên Thilo Weichert phát biểu với The Guardian.

Vào năm 2011, chính cơ quan nàt cũng đã buộc Facebook tại Đức phải ngừng cung cấp các trang fanpage và loại bỏ nút "Like".

Theo ZDNet
Sẽ phạt 5 triệu đồng nếu dùng tên miền quốc tế không khai báo thông tin

Sẽ phạt 5 triệu đồng nếu dùng tên miền quốc tế không khai báo thông tin

Theo dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, CNTT và tần số VTĐ, các doanh nghiệp, cá nhân sử dụng tên miền quốc tế mà không thông báo hoặc thông báo thiếu thông tin với Bộ TT&TT sẽ bị phạt từ 3 đến 5 triệu đồng.

Các doanh nghiệp, cá nhân sử dụng tên miền quốc tế mà không
thông báo hoặc thông báo thiếu thông tin với Bộ TT&TT sẽ bị phạt từ 3 đến 5 triệu đồng.

Mức phạt từ 3 đến 5 triệu đồng cũng được dành cho hành vi khai báo thông tin không chính xác hoặc không cập nhật khi có thay đổi thông tin về tên, địa chỉ liên hệ đối với tổ chức hoặc tên, địa chỉ liên hệ, số giấy chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu đối với cá nhân đăng ký, sử dụng tên miền ".vn".

Bên cạnh đó, nếu như nhà đăng ký tên miền quốc tế tại Việt Nam không hướng dẫn tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng tên miền quốc tế thực hiện việc thông báo trên môi trường mạng với Bộ TT&TT các thông tin theo quy định hay không báo cáo việc cập nhật danh sách tên miền quốc tế mà mình đang quản lý với Bộ TT&TTqua môi trường mạng theo đúng quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet, không tạm ngừng hoạt động hoặc không thu hồi tên miền quốc tế có vi phạm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền... sẽ bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng.

Ngoài ra, các hành vi như trang thông tin điện tử chính thức của các cơ quan Đảng, Nhà nước (trừ các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài) không sử dụng tên miền quốc gia ".vn" hoặc không lưu trữ trong các máy chủ có địa chỉ IP ở Việt Nam, cấp tên miền cấp 3 dưới tên miền cấp 2 ".vn" của mình cho người khác không phải là thành viên cơ quan, tổ chức mình sử dụng sẽ bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng.

Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, CNTT và tần số vô tuyến điện đang được lấy ý kiến trên website của Bộ TT&TT từ ngày 28/12/2012 đến 27/02/2013.

Theo ICTNews
Nhà mạng nên có gói cước nhắn tin, gọi điện qua Internet?

Nhà mạng nên có gói cước nhắn tin, gọi điện qua Internet?

Đại diện của VTC Online và VNG cho rằng, do dịch vụ nhắn tin, gọi điện miễn phí qua mạng là xu hướng bùng nổ mạnh trong thời gian tới nên các nhà mạng cần hợp tác với doanh nghiệp nội dung đưa ra các gói cước OTT hay hỗ trợ cước 3G để giữ chân người dùng.

Trước sự bùng nổ của các dịch vụ nhắn tin, gọi điện miễn phí qua mạng,
các nhà mạng nên hợp tác với DN nội dung đưa ra các gói cước OTT hay hỗ trợ cước 3G.
Ảnh: Internet.

Sẽ "xóa sổ" dịch vụ SMS, gọi điện truyền thống

Gần đây, ngày càng có nhiều người dùng ở Việt Nam sử dụng những phần mềm gọi điện Internet miễn phí thông qua mạng WiFi hay 3G giữa các smartphone, trong đó tiêu biểu là các phần mềm “ngoại” như Whatsapp, Viber, Line... hay các phần mềm “nội” như Zalo, FPT Chat... Bên cạnh đó, nhiều hãng smartphone cũng trang bị các phần mềm nhắn tin miễn phí nhằm tăng thêm tiện ích cho người sử dụng như Blackberry với công cụ Blackberry Messenger, Apple với ứng dụng Facetime đàm thoại video và iMssenger hỗ trợ nhắn tin đa phương tiện giữa các thiết bị chạy iOS với nhau (iPhone, iPad thậm chí cả MacBook) hay gần đây nhất là Samsung với phần mềm ChatOn.

Trong bức thư của ông Lê Hồng Minh, Tổng Giám đốc VNG chia sẻ trên blog cá nhân gửi các nhân viên của mình, ông Minh cho biết tháng 4/2012, Tencent chính thức giới thiệu WeChat phiên bản quốc tế (có giao diện tiếng Việt) và đầu tư đáng kể vào marketing/quảng bá sản phẩm tại Việt Nam. WeChat đã tăng trưởng nhanh chóng trong 2-3 tháng sau đó đạt gần 1 triệu users (chỉ trên iOS & Android), một con số vô cùng lớn với Mobile.

Trước đó, trao đổi với phóng viên ICTnews, ông Vương Quang Khải, Phó Tổng giám đốc VNG, phụ trách mảng Web và Mobile, cho biết, thị trường phần mềm chat, gọi điện miễn phí qua Internet đầy tiềm năng vì nhu cầu kết nối của người dùng trên di động rất lớn. Hơn nữa, những phần mềm chat, gọi điện miễn phí qua Internet đều có tính năng tin nhắn thoại (voice SMS) nên tạo ra một phương thức nhắn tin, liên lạc mới thân thiện hơn hẳn so với việc gõ từ bàn phím như tin nhắn thông thường.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực Internet đã dự báo về sự kết thúc của SMS truyền thống khi người dùng đang có xu hướng chuyển dịch từ SMS truyền thống sang các dịch vụ nhắn tin khác như WhatsApp, iMessage, Skype hay Facebook Message.

Phát biểu tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2013 của Bộ TT&TT ngày 24/12, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, dịch vụ Over the top content (OTT) giúp nhắn tin, gọi điện miễn phí qua mạng Wifi, 3G như Viber, Whatsapp đang là một nguy cơ với các doanh nghiệp viễn thông nói riêng và các ngành CNTT, truyền thông, truyền hình nói riêng.

Bởi vì, những dịch vụ viễn thông cơ bản như điện thoại, nhắn tin và truyền hình đang chiếm đến 80% doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông (trên 100.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, các dịch vụ này lại đang được cung cấp miễn phí trên mạng bởi các công ty nước ngoài, để từ đó kinh doanh những dịch vụ khác ngoài viễn thông. "Những cuộc gọi, nhắn tin miễn phí qua mạng WiFi, 3G đó rất khó quản lý về mặt an ninh. Vì thế, Bộ TT&TT nên có chính sách quản lý dịch vụ OTT trên cơ sở không kìm hãm sự phát triển nhưng đảm bảo phát triển bền vững của ngành viễn thông, CNTT và truyền hình", ông Hùng nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết nguy cơ các dịch vụ OTT của doanh nghiệp nội dung nước ngoài như Google, Yahoo... chiếm hết doanh thu từ những dịch vụ viễn thông cơ bản (nhắn tin, gọi điện) và khiến doanh nghiệp viễn thông giống như những "người làm thuê", không có lãi đang xảy ra không chỉ ở Việt Nam mà còn với tất cả các nước trên thế giới. Thời gian tới, Cục Viễn thông sẽ cùng một số chuyên gia tổ chức hội thảo về vấn đề này để tìm ra chính sách quản lý phù hợp.

Khó kiểm soát dịch vụ nhắn tin, gọi điện qua mạng?

Ông Khải cho biết, VNG xác định dịch vụ OTT như giúp nhắn tin, gọi điện miễn phí qua mạng Wifi, 3G là một xu hướng liên lạc mới và sẽ bùng nổ trong thời gian tới không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Vì thế, các nhà mạng trên thế giới cũng chưa có giải pháp thống nhất. Tuy nhiên, vì đây là xu hướng phát triển tất yếu của công nghệ, VNG tin rằng giải pháp hợp lý nhất sẽ là nhà mạng nên hợp tác chặt chẽ với dịch vụ OTT để có thể mang lại sự trải nghiệm tốt nhất cho người dùng như giúp đăng nhập, sử dụng dịch vụ OTT dễ dàng hơn ngay từ mục SMS trên điện thoại, gửi tin nhắn SMS cho bạn bè chưa cài ứng dụng…. và được chia sẻ doanh thu.

Bên cạnh đó, không chỉ với các dịch vụ nhắn tin kiểu mới như Whatsapp, Viber…mà từ trước đến na, các dịch vụ Facebook Messenger, Yahoo Messenger và Skype cũng góp phần đáng kể làm giảm doanh thu các nhà mạng và chúng ta hoàn toàn không thể kiểm soát các dịch vụ này về mặt an ninh. “Nhưng đây là xu hướng phát triển tất yếu của công nghệ nên tôi tin rằng các quốc gia đều phải xây dựng chính sách cấp phép phù hợp để quản lý các công cụ liên lạc trên nền Internet”, ông Khải khẳng định.

Ông Phan Anh Tuấn, Phó Giám đốc VTC Online cũng cho rằng, các nhà mạng nên coi việc “bùng nổ” dịch vụ OTT  là một điều hiển nhiên và phải chuẩn bị các phương án như tự xây dựng ứng dụng tương tự hay phối hợp với các đơn vị đã có sẵn sản phẩm như Zalo, Line, WeChat, Whatsapp... Khi nhà mạng đã không thể tung ra các chương trình khuyến mãi nạp thẻ lớn như thời gian trước thì việc đưa ra dịch vụ nội dung mới như các dịch vụ OTT sẽ là cách duy nhất để giữ chân khách hàng.

Trước đây, đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP), nếu các đơn vị làm nội dung (VTC Online, VNG...) không phát triển, cung cấp các dịch vụ game online, phim... thì người dùng không thể tận dụng được băng thông lớn của ADSL hay FTTH, để từ đó làm tăng doanh thu của các ISP. Tương tự với câu chuyện của các nhà mạng hiện nay, họ có thể “bắt tay” với các doanh nghiệp nội dung đưa ra những gói cước dịch vụ OTT hay hỗ trợ cước 3G để tận dụng hiệu quả tài nguyên mạng 3G thay vì áp đặt hay cố gắng quản lý.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực Internet, bản chất các phần mềm như Whatsapp, Viber, WeChat là các mạng xã hội  trên di động chứ không phải đơn thuần chỉ là một phương tiện để nhắn tin, gọi điện miễn phí qua mạng Internet. Do đó, để đảm bảo an ninh và rủi ro, cơ quan quản lý có thể đưa ra chính sách hỗ trợ cho các ứng dụng OTT trong nước để đối trọng, cạnh tranh với các phần mềm nước ngoài khi mà các doanh nghiệp nội địa có thể đưa ra những phần mềm với chất lượng tương đương. Bởi vì, nếu để các doanh nghiệp Việt Nam đấu “tay bo” thì với tiềm lực tài chính rất lớn, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ lại chiếm vị trí áp đảo như câu chuyện mạng xã hội Facebook với Zing Me, Go.vn và cơ quan chức năng lại vất vả để tìm cách quản lý.

Thống kê của hãng phân tích ứng dụng App Annie Intelligence ngày 2/1/2013 cho thấy,  trong số 50 ứng dụng được tải nhiều nhất trên App Store ở Việt Nam có đến 6 ứng dụng cho phép người dùng nhắn tin, gọi điện miễn phí qua Internet bao gồm Facebook Messenger, Zalo, WeChat, Whatsapp, Line, Viber. Ngoài ra, 4 ứng dụng Facebook Messenger, Zalo, WeChat, Viber còn nằm trong danh sách 50 ứng dụng tải nhiều nhất trên Google play.

Theo ICTNews
Copyright © 2012 Bloghotvn All Right Reserved