Thương mại điện tử Việt Nam trước nguy cơ thua trên "sân nhà"
Thua về tiềm lực tài chính, sự chuyên nghiệp trong khâu vận hành … các trang web thương mại điện tử (TMĐT) ngành hàng thời trang Việt Nam hoàn toàn có thể thua các trang web TMĐT nước ngoài như Vancl ngay trên "sân nhà"
Nếu Vancl “bê nguyên” toàn bộ hàng hóa của Vancl.com từ Trung Quốc sang Việt Nam thì có lẽ đó là "cơn ác mộng" đối với các trang thương mại điện tử thời trang. |
Website TMĐT hàng đầu Trung Quốc "đổ bộ" vào Việt Nam
Ngày 8/9, Vancl.com, một trong những trang TMĐT chuyên về thời trang lớn nhất Trung Quốc đã chính thức "xâm nhập" vào thị trường Việt Nam tại địa chỉ Vancl.vn. Theo trang tin techinasia, thống kê của VanCL cho thấy tăng trưởng của trang web này chủ yếu từ khu vực Đông Nam Á và Nga, trong đó Việt Nam đóng góp 8% tổng doanh số bán hàng ở nước ngoài; đến tháng 9/2012 mức tăng trưởng tại Việt Nam đã đạt 100% so với cùng kỳ năm 2011.
Trước đó, ngày 16/7/2012, gã khổng lồ tìm kiếm lớn nhất Trung Quốc Baidu đã chính thức ra mắt mạng xã hội mới của mình với tên gọi “Baidu Tieba” phiên bản tiếng Việt bất chấp việc bị cư dân mạng và truyền thông “tẩy chay”. Ngoài ra, Baidu còn âm thầm triển khai 2 dự án tìm kiếm với tên gọi là hao123 và hao222 cùng một dự án nghe nhạc trực tuyến có tên gọi qianqian. Tuy nhiên, phản ánh của một số người sử dụng cho thấy, dự án phần mềm nghe nhạc TTPlayer của Baidu tại địa chỉ vn.qianqian.com có thể tự ý can thiệp vào hệ thống của máy tính người dùng.
Một “đại gia” khác trong làng Internet Trung Quốc là Tencent cũng không giấu tham vọng mở rộng thị trường tại Việt Nam. Sau một loạt chiến dịch quảng cáo rầm rộ trên các trang báo cũng như diễn đàn, phần mềm WeChat của Tencent đã nhanh chóng trở thành một trong những ứng dụng di động phổ biến nhất trên Android cũng như iOS.
Trao đổi với phóng viên ICTnews, ông Nguyễn Ngọc Điệp, Giám đốc Công ty Vatgia cho biết, việc website nước ngoài như Vancl gia nhập sẽ khiến thị trường TMĐT sôi động hơn. Hơn nữa, khi gặp phải sự cạnh tranh lớn, các doanh nghiệp Việt sẽ phải thay đổi, tối ưu hóa hệ thống để nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng dịch vụ. “Từ đó, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi. Tôi cho rằng đây là một đấu hiệu tích cực của thị trường TMĐT thời gian tới”, ông Điệp nhận định.
Mặc dù vậy, về lâu dài, những doanh nghiệp nước ngoài như Vancl sẽ trở thành đối thủ rất nặng ký đối với các sàn giao dịch ở Việt Nam như vatgia.com hay chodientu.vn.
Cùng quan điểm, theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Khối TMĐT, Công ty VC Corp, TMĐT ở Việt Nam đang ở giai đoạn hình thành, phát triển và còn rất nhiều cơ hội cho các đơn vị mới. Việc có nhiều đơn vị tham gia sẽ càng làm cho thị trường thêm sôi động, phát triển nhanh và giúp người dùng quen thuộc hơn với các hình thức mua hàng, thanh toán trực tuyến.
"Cơn ác mộng" với các trang TMĐT ngành thời trang?
Ông Tuấn cho rằng, do mới thâm nhập thì trường nên Vancl có những chính sách khá tốt như được đổi trả lại hàng trong 30 ngày, miễn phí giao với đơn hàng trên 250.000 đồng. Tuy vậy, số lượng hàng hoá trên Vancl chưa thực sự phong phú, ít mẫu mã và nhất là thương hiệu Vancl chưa được người dùng Việt Nam biết tới cũng như chất lượng hàng hoá chưa được kiểm chứng. “Mặt khác, khi thấy nói đến "hàng Trung Quốc" thì nhiều người dân không mấy mặn mà, trong đó việc tẩy chay mạng xã hội mới của Baidu là một minh chứng”, ông Tuấn cho biết thêm.
Mặc dù vậy, theo ông Điệp, trang web vancl.vn có giao diện khá đẹp mắt, tính năng đầy đủ, thân thiện với người sử dụng và nhất là được thừa hưởng trình độ công nghệ từ website vancl.com nên rất ổn định. Về độ phong phú của hàng hóa, nếu Vancl “bê nguyên” toàn bộ hàng hóa của Vancl.com từ Trung Quốc sang Việt Nam thì có lẽ đó là "cơn ác mộng" đối với các trang TMĐT thời trang vì khi đó hàng hoá đủ chủng loại, mẫu mã, giá nhập trực tiếp khối lượng lớn từ Trung Quốc sẽ rất rẻ và cạnh tranh. “Ưu thế về vốn, kinh nghiệm quản lý kho vận, dịch vụ… cũng là những điểm mạnh của Vancl so với những doanh nghiệp Việt Nam. Vì thế, nếu không thay đổi, các trang web cùng ngành hàng thời trang sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, ông Điệp kết luận.
Nhưng trước mắt, khi tham gia thị trường Việt Nam với quy mô nhỏ, các trang web TMĐT nước ngoài sẽ tốn kém không ít nguồn lực để vận hành, dẫn đến chi phí đầu vào bị đẩy lên gây ảnh hưởng tới giá bán. Chưa kể, nếu Vancl áp dụng nguyên các mô hình từ Trung Quốc sang sẽ mất thời gian cải tiến để hòa nhập với đặc thù của Việt Nam. Đây cũng là điểm yếu lớn nhất khiến nhiều đại gia Internet khác của thế giới như Rocket Internet gặp khó khi thâm nhập vào Việt Nam.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Tổng Giám đốc Công ty PeaceSoft (đơn vị sở hữu chodientu.vn) cho biết, theo như quan sát, Vancl chỉ đang thăm dò thị trường Việt Nam, chưa thực sự đầu tư mạnh dù mặt hàng thời trang chiếm đến 30-40% thị trường TMĐT. Mặc dù có nhiều lợi thế về tài chính và sự chuyên nghiệp trong vận hành hệ thống nhưng sự thành công của Vancl phụ thuộc rất lớn vào việc họ có thích ứng được với thị trường Việt Nam hay không. “Nếu họ quyết tâm và doanh nghiệp Việt Nam không có sự chuẩn bị đối phó hợp lý, chúng ta hoàn toàn có khả năng thua ngay tại chính “sân nhà””, ông Bình khẳng định.
Theo ICTNews