Fashion

sdgad

New Post

Rss

Hiển thị các bài đăng có nhãn khoa học. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn khoa học. Hiển thị tất cả bài đăng
Bếp hoá khí sạch môi trường “Made in Vietnam”

Bếp hoá khí sạch môi trường “Made in Vietnam”

Loại bếp mới do nhà sáng chế không chuyên Bùi Trọng Tuấn ở Phú Thọ chế tạo được coi là một giải pháp mới vừa tiết kiệm vừa góp phần làm sạch môi trường.

Tác phẩm báo chí “Bếp rơm không khói” của Ban Khoa học, Đài Truyền hình Việt Nam giành 1 trong 2 giải nhất của Giai Báo chí Khoa học Công nghệ năm 2012 trong tổng số 21 giải thưởng các loại bình chọn từ 591 tác phẩm tham gia.

Phim tài liệu “Bếp rơm không khói” này dài khoảng 9 phút, giới thiệu sản phẩm Bếp hoá khí tiết kiệm và sạch môi trường của một nhà sáng chế không chuyên Bùi Trọng Tuấn ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Theo tác giả cuốn phim mô tả, đây là một loại bếp mới, dùng nguyên liệu đốt là phế thải nông nghiệp như: rơm rạ, thân cây, mùn cưa, bã thải mía, ngô…. nhưng khi cháy không có khói muội và ngọn lửa lên mạnh như bếp ga, bếp hồng ngoại.

Bếp không tiêu tốn quá nhiều nguyên liệu đốt mà hiệu suất đun nấu cao. Vừa sử dụng nguyên liệu rẻ tiền, dễ kiếm, vừa góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường do tình trạng đốt rơm rạ, đổ phế thải nông nghiệp tràn lan của bà con hiện nay.

Người nội trợ đang vận hành bếp rơm không khói.

Sản phẩm rất phù hợp với nhu cầu đun nấu của các hộ gia đình và đặc biệt với các cơ sở sản xuất nhỏ tại nông thôn có nhu cầu đun nấu liên tục, trong khi nếu dùng bếp ga vô cùng đắt đỏ (theo VTV2/VTV).

Về nội dung công nghệ, tác giả của sáng chế cho biết: Bếp hóa khí được sản xuất dựa trên nguyên lý khí động học, truyền nhiệt thông qua việc lợi dụng sự hòa khí hoàn toàn giữa không khí và hơi nước ngăn cản sự sản sinh ra hắc ín, kéo dài thời gian đốt mà không có khói tro và muội than. Với kỹ thuật tuần hoàn kín ép nén ngọn lửa làm tăng bức xạ nhiệt, nâng cao hiệu suất nhiệt tới mức cực đại thực hiện đốt sạch hoàn toàn với năng suất cao.

Bếp hóa khí gồm các bộ phận: Thùng chứa nhiên liệu, bình chế khí và đốt trực tiếp, thiết bị lọc sạch, đường ống và bếp. Thùng nhiên liệu được làm từ thép, bên trong là ruột chịu lửa chuyên dụng. Nguyên liệu được đưa vào buồng hóa khí thể tích 0,3 mét khối.

Sau khi áp dụng nhiệt giải hấp khô và phản ứng ôxy hóa sinh ra thể khí mang tính cháy được với sự trợ giúp của khí nitơ và ôxy. Bếp có tính năng làm cho nhiên liệu đầu vào bốc cháy và tạo khí CO (cácbon điôxit), CH4 (Methane), H (Hydrogen), CH3CH3 (Ethane)...

Toàn bộ khí thải thoát ra này được tự động thu vào hệ thống phân ly qua các bước: Thiết bị khử sạch hắc ín, khói, tro, hơi nước, từ đó tạo thành chất khí đốt sạch, rồi đi qua ống dẫn khí đưa tới mặt bếp và chuyển hoá thành bức xạ nhiệt tia hồng ngoại.

Bản thân tia hồng ngoại có mang một nguồn năng lượng không cần đến không khí dẫn xuất, tự thân nó đã có năng lực xuyên thấu cực mạnh nên nhiệt được nâng lên rất nhiều, hiệu suất chuyển hoá năng lượng được nâng cao gấp nhiều lần so với nguyên liệu đốt trực tiếp.

Việc sử dụng bếp cũng rất đơn giản. Người sử dụng bỏ nhiên liệu vào thùng hóa khí và đậy nắp lại. Mở các van theo hướng dẫn và bật lửa (như bếp gas). Quá trình đun nấu có thể tăng giảm ngọn lửa trên bếp bằng cách điều chỉnh tốc độ quạt gió hoặc điều chỉnh khóa bếp.

Thực tế cho thấy, nếu cho 2kg nhiên liệu có thể đốt khoảng 3 giờ; nếu cho 10kg nhiên liệu chỉ cần đốt một lần, sau khi dùng xong, tắt quạt, đóng van ủ lại và dùng được 7 ngày tiếp theo. Thông thường 2 đến 3 ngày nạp nhiên liệu 1 lần, 5 đến 7 ngày xả tro 1 lần. Gia đình bình thường chỉ cần 2 - 3kg nhiên liệu là đáp ứng đủ nhu cầu thường nhật, tiết kiệm tới trên 70% so với bếp thông thường (theo mạng tietkiemnangluong).

Nếu cho 2kg nhiên liệu có thể đốt khoảng 3 giờ; 10kg nhiên liệu chỉ cần đốt một lần, sau khi dùng xong, tắt quạt, đóng van ủ lại và dùng được 7 ngày tiếp theo. Thông thường 2 - 3 ngày nạp nhiên liệu 1 lần, 5 - 7 ngày xả tro 1 lần.

Sáng kiến khoa học công nghệ của nhà sáng chế Bùi Trọng Tuấn được được đăng ký sáng chế độc quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Theo Vietnamnet
Nghiên cứu chứng minh trẻ sơ sinh đã làm quen với tiếng mẹ đẻ trước khi lọt lòng

Nghiên cứu chứng minh trẻ sơ sinh đã làm quen với tiếng mẹ đẻ trước khi lọt lòng

Một nghiên cứu do giáo sư tâm lý Christine Moon thuộc đại học Pacific Lutheran thực hiện đã chứng minh rằng những em bé sơ sinh chỉ mới vài giờ tuổi đã học được những âm thanh của tiếng mẹ đẻ ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ.


Trước đây, các nhà nghiên cứu đều nhất trí với quan điểm rằng trẻ sơ sinh bắt đầu học một phần nhỏ của ngôn ngữ, nguyên âm và phụ âm sau khi được sinh ra. Tuy nhiên, nghiên cứu của giáo sư Moon đã cho thấy một điều ngược lại.

Để thực hiện nghiên cứu, Moon đã thí nghiệm trên 80 trẻ sơ sinh từ 7 đến 75 giờ tuổi đang được chăm sóc tại bệnh viện ở 2 nơi khác nhau gồm: Trung tâm y tế quân đội Madigan ở Tacoma, Washington, Hoa Kỳ (40 trẻ) và bệnh viện nhi Astrid Lindgren tại Stockholm, Thụy Điển (40 trẻ). Các bé được cho nghe những nguyên âm thuộc 2 thứ tiếng Thụy Điển và tiếng Anh. Nhóm nghiên cứu sẽ giám sát số lần các bé nghe được nguyên âm bằng cách cho các bé bú một chiếc ti giả được kết nối với máy tính.

Patricia Kuhl, một thành viên thuộc hội đồng Nobel kiêm đồng tác giả nghiên cứu cho biết nhóm đã sử dụng 2 bộ nguyên âm - 17 nguyên âm thuộc ngôn ngữ bản địa và 17 nguyên âm thuộc ngôn ngữ nước ngoài để kiểm tra sự thích thú của các bé đối với các nguyên âm dựa trên thời gian và số lần các bé bú ti giả. Tại mỗi nơi, một nửa trong số các trẻ sơ sinh sẽ được cho nghe các nguyên âm thuộc tiếng mẹ đẻ và nửa còn lại được cho nghe các nguyên âm thuộc một thứ tiếng nước ngoài. "Mỗi lần bé bú vào ti giả sẽ tương ứng cho một nguyên âm đến khi bé ngưng bú, và khi bé bắt đầu bú trở lại sẽ tương ứng cho một nguyên âm tiếp theo," Kuhl nói.

Qua quá trình theo dõi đồng thời ở 2 quốc gia, các bé được cho nghe các nguyên âm tiếng nước ngoài bú nhiều hơn so với những bé được cho nghe các nguyên âm tiếng mẹ đẻ, bất kể những trải nghiệm sau sinh về ngoại ngữ mà các bé có được. Điều này cho thấy trẻ sơ sinh đã bắt đầu học những nguyên âm ngay từ trong tử cung và hành động bú nhiều hơn chứng tỏ các bé đã sẵn sàng cho những điều mới mẻ ngay sau vài giờ được sinh ra.

Kuhl cho biết: "Những sinh linh bé bỏng này đã được lắng nghe âm thanh của mẹ khi còn nằm trong bụng, đặc biệt là trong 10 tuần trước khi sinh. Người mẹ đã có những tác động đầu tiên đến não trẻ và khi được sinh ra, trẻ đã sẵn sàng để tiếp thu."

Giáo sư Christine Moon.

Trong khi những nghiên cứu trước đây thường tập trung vào hành động học hỏi trước khi sinh của trẻ về các câu hoặc nhóm từ thì nghiên cứu của Moon lần đầu tiên cho thấy việc học tập những phần nhỏ của tiếng nói không đơn thuần được nhận biết bởi các âm điệu, nhịp điệu và độ lớn của âm thanh.

Sở dĩ các nguyên âm được chọn cho công tác nghiên cứu bởi chúng nổi bật, và các nhà nghiên cứu cho rằng chúng có thể gây được chú ý trong tiếng nói của người mẹ, khiến trẻ có thể cảm nhận được dù đang sinh trường trong dạ con. Nghiên cứu cũng cho thấy trẻ sơ sinh có khả năng học và ghi nhớ các âm thanh cơ bản của ngôn ngữ mẹ đẻ trong 10 tuần cuối cùng của chu kỳ thai nghén.

"Đây là một phát hiện vô cùng thú vị," Kuhl nói. "Chúng tôi từng nghĩ rằng trẻ em bắt đầu học khi sinh ra nhưng giờ đây, chúng tôi đã biết được trẻ em bắt đầu học thậm chí còn sớm hơn nhiều. Các bé đã có kinh nghiệm trong việc lắng nghe và tiếp thu từ trước khi chào đời."

Giáo sư Hugo Lagercrantz đến từ học viện Karolinska Thụy Điển đồng thời là một thành viên thuộc nhóm nghiên cứu cho biết: đã từng có giả thuyết cho rằng trẻ sơ sinh như "tờ giấy trắng" khi mới lọt lòng. Mặc dù đã có bằng chứng cho thấy dường như trẻ sơ sinh hòa hợp rất nhanh với những âm thanh của ngôn ngữ mẹ đẻ nhưng việc hành động này xảy ra trước khi sinh thật sự làm ông ngạc nhiên. Ông nói: "Những nghiên cứu trước đây cho thấy thai nhi dường như có thể nhớ được các giao điệu âm nhạc. Nhưng với nghiên cứu trên, thai nhi dường như còn có thể học được một phần ngôn ngữ."

Patricia Kuhl cho biết thêm: trẻ sơ sinh là những học sinh giỏi nhất hành tinh và việc hiểu được khả năng của não trẻ rất quan trọng đối với khoa học và sẽ còn quan trọng hơn đối với trẻ em. Kuhl nói: "Khả năng học tập các nguyên âm của trẻ khi còn nằm trong tử cung có nghĩa trẻ đã vận động các trung tâm não phức tạp để thực hiện điều này, thậm chí là ngay trước khi được sinh ra đời."

Các nhà thiên văn giải mã hoạt động "nuôi" sao chủ của các hành tinh nhỏ vây quanh

Các nhà thiên văn giải mã hoạt động "nuôi" sao chủ của các hành tinh nhỏ vây quanh

Qua hoạt động quan sát bằng kính thiên văn vô tuyến tối tân Atacama Large Millimeter Array (ALMA) đặt tại miền bắc Chile, các nhà thiên văn học đã vừa giải đáp một bí ẩn tồn tại lâu nay trong quá trình hình thành hệ Mặt Trời.

Đó là các hành tinh cơ bản (protoplanet) hình thành xung quanh một ngôi sao trẻ có thể sử dụng chính lực hút hấp dẫn của chúng để bắn vật chất theo hướng của sao chủ, qua đó tiếp thêm nhiên liệu cho quá trình phát triển của ngôi sao này.


Khi một ngôi sao mới được hình thành, các đám mây khí và bụi xung quanh có khối lượng rất lớn sẽ từ từ quay quanh ngôi sao, tạo ra một hình dạng giống chiếc đĩa dẹt. Chiếc đĩa này không đồng nhất và qua hàng trăm triệu năm, vật chất bắt đầu bám kết với nhau, tạo ra lực hút hấp dẫn ngày một mạnh hơn khi mật độ vật chất trở nên tập trung hơn. Một số khối vật chất thậm chí sẽ phát triển thành các hành tinh đầy đủ quay quanh ngôi sao chủ.

Trong lúc thu thập tất cả các vật chất lân cận, những hành tinh nhỏ nói trên sẽ tạo nên một khoảng trống lớn giữa chúng và ngôi sao chủ, phân chia phần bụi và khí bao quanh thành một lớp đĩa nhỏ bên trong, nằm gần ngôi sao chủ và lớp đĩa có khối lượng cực lớn nằm bên ngoài. Trên lý thuyết, khoảng cách này đủ lớn để ngăn ngôi sao trẻ "tăng cân" (hút thêm vật chất để tăng thêm khối lượng) và giảm đáng kể vòng đời. Tuy nhiên, những gì quan sát được qua ALMA cho thấy đây chỉ là một giả thuyết: mặc dù khoảng cách giữa ngôi sao và vật chất có thể gây trở ngại trong việc tiếp thêm nhiên liệu cho quá trình hình thành nhưng các ngôi sao vẫn có thể tìm cách tiếp cận và thu thập vật chất. Vậy chúng đã làm điều đó như thế nào?

Bằng việc quan sát cặn kẽ HD 142527 - một hệ mặt trời non trẻ cách Trái Đất khoảng 450 năm ánh sáng, một nhóm các nhà thiên văn quốc tế do Simon Casassus thuộc đại học Chile dẫn đầu tin rằng cuối cùng thì họ cũng đã tìm ra câu trả lời cho câu hỏi trên.

Trong hệ mặt trời đang hình thành này, các dòng khí dày đặc che phủ các hành tinh khi quan sát trực tiếp. Theo các nhà khoa học, khí đang được thu thập từ lớp đĩa lớn bên ngoài và được kéo vào trong bởi trường hấp dẫn của các hành tinh. Một điều thú vị là mặc dù phần lớn khí và bụi được hút vào trong nhưng chúng không cung cấp cho hoạt động phát triển của bản thân các hành tinh này mà thay vào đó, vật chất được đẩy ngược vào lớp đĩa trong để "nuôi lớn" ngôi sao chủ.

Dựa trên hệ mặt trời đang quan sát, Casassus và các cộng sự đã tính toán rằng nếu không có các dòng khí được nạp bởi các hành tinh cơ bản, lớp đĩa bên trong có thể sẽ tan biến trong vòng chưa đến 1 năm. Thay vào đó, lượng khí cực lớn được phân phối bởi các hành tinh cơ bản bên ngoài có thể duy trì lớp đĩa này và tiếp nhiên liệu cho quá trình hình thành của ngôi sao chủ.

Phát hiện của Casassus cùng các công sự không thể không nhắc đến sự hỗ trợ đắc lực của kính thiên văn ALMA - công trình được hợp tác xây dựng giữa châu Âu, Bắc Mỹ, châu Á và Công hòa Chile. Một khi được xây dựng hoàn tất vào cuối năm nay, kính thiên văn ALMA sẽ bắt đầu công việc ghi lại chi tết về những ngôi sao và thiên hà đầu tiên trong vũ trụ, nghiên cứu vùng trung tâm dãi ngân hà của chúng ta và trực tiếp ảnh hóa quy trình hình thành của các hành tinh.

Theo: Gizmag
Lốc xoáy màu đỏ trên bầu trời miền Tây Australia

Lốc xoáy màu đỏ trên bầu trời miền Tây Australia

Cơ quan dự báo khí tượng Australia cho biết, miền Tây của nước này đang phải gồng mình chịu một trận lốc xoáy có vận tốc gió lên tới 140km/giờ.


Những hình ảnh do vệ tinh chụp lại cho thấy trận lốc xoáy có màu đỏ đang đi với tốc độ nhanh.

Trận lốc xoáy có tên gọi Narelle xảy ra cách Exmouth khoảng 525km và cách Karratha 505km về phía Tây Bắc.

Cơ quan đối phó với hỏa hoạn và các tình huống khẩn cấp của Australia cho biết: "Dù chưa có mối đe dọa trực tiếp song người dân cần phải cập nhập liên tục thông tin về trận lốc xoáy này".

Công nhân Brett Martin, người đã chụp được những tấm hình về trận lốc xoáy khi nó đi gần tới thị trấn Onslow, cho biết mọi thứ tại đây bình yên trước khi trận lốc xoáy đổ bộ vào đêm ngày 11/1.

Dự báo của cơ quan dự báo khí tượng Australia cho biết tầm nhìn ngoài đường hiện bị hạn chế, trong khi gió và mưa đã gây ra bão ở nhiều nơi.

Vùng Pilbara ở miền Tây Australia là một khu vực giàu tài nguyên, đây cũng là nơi thường xuyên xảy ra các trận lốc xoáy vào những tháng ấm trong năm.

Theo Vietnam+
Cận cảnh 3 hố bí ẩn trên Mặt trăng

Cận cảnh 3 hố bí ẩn trên Mặt trăng

Các nhà khoa học vừa công bố một loạt hình ảnh về 3 hố va chạm bí ẩn trên bề mặt Mặt trăng. Các chuyên gia điều khiển chiếc camera gắn trên tàu thăm dò quanh quỹ đạo Mặt trăng Lunar Reconnaissance Orbiter (LRO) của Mỹ đặt biệt danh cho những hố va chạm dị thường trên là “3 người bạn”. 

Họ tin rằng, chúng được hình thành cách nhau khoảng vài phút nhưng không rõ quá trình này diễn ra chính xác như thế nào.


Theo các chuyên gia, việc 3 hố va chạm xếp hàng sát nhau một cách kỳ lạ như vậy có thể do một thiên thạch hoặc sao chổi bị đứt vỡ hoặc 3 hố va chạm riêng rẽ hình thành một cách ngẫu nhiên nhưng độc nhất vô nhị.

Trang Daily Mail dẫn lời các nhà nghiên cứu giải thích rõ hơn: “3 hố va chạm này xuất hiện ở tọa độ 9,665 độ Nam và 7,646 độ Đông trên bề mặt Mặt trăng. Chúng dường như hình thành gần như cùng lúc, chắc chắn chỉ cách nhau vài phút. Hố phía nam có đường kính 180 mét, hố trung tâm là 150 mét và hố phía đông bắc là 125 mét bề ngang. Từ trung tâm hố đông bắc tới trung tâm các hố tây nam, chúng kéo dài khoảng 450 mét”.


Nhóm nghiên cứu ước tính rằng, các vật đang di chuyển từ phía đông - đông bắc thì có thể đã đâm vào bề mặt Mặt trăng ở một góc độ tương đối thấp, bằng chứng là bụi và các vật liệu khác mà chúng làm tung lên, kéo dài tới 1km tính từ trung tâm hố va chạm.

Kết quả phân tích dữ liệu hình thái của các hố cho thấy, miệng hố phía tây nam hình thành đầu tiên, rồi mới đến 2 hố còn lại.


Hình dạng 2 hố đông bắc ám chỉ, các vật va chạm với bề mặt cùng lúc, tạo ảnh hưởng tương tác dẫn tới việc hình thành cầu nối giữa chúng.

Theo Vietnamnet, Daily Mail
Phát hiện loài mực khổng lồ tại Bắc Thái Bình Dương

Phát hiện loài mực khổng lồ tại Bắc Thái Bình Dương

Bảo tàng Khoa học Quốc gia Nhật Bản và truyền thông nước này ngày 7/1 thông báo các nhà khoa học nước này đã quay được đoạn phim về một con mực khổng lồ ở vùng biển sâu phía Bắc Thái Bình Dương, cách đảo Chichi 15km về phía Đông.

Phát hiện này đánh dấu thành công trong nghiên cứu về loài sinh vật biển "vĩ đại" này sau nhiều nỗ lực vô vọng của các nhà nghiên cứu trên thế giới.

Theo các nhà khoa học Nhật Bản, sinh vật biển không xương này dài tới 8m, màu trắng bạc và cặp mắt đen to. Con mực được nhìn thấy bơi ngược chiều dòng nước, đang giữ mồi bằng những xúc tu. Chuyên gia về mực biển thuộc Bảo tàng Khoa học Quốc gia Nhật Bản Tsunemi Kubodera cho biết hai xúc tu dài nhất của con mực khổng lồ này có thể không nhìn thấy được trong đoạn phim.

Hình ảnh con mực khổng lồ

Để có thể ghi lại những hình ảnh quý giá về con mực khổng lồ nói trên, các nhà khoa học Nhật Bản phối hợp với Đài truyền hình NHK của nước này và kênh Discovery Channel của Mỹ đã phải trải qua tổng cộng 400 giờ trong chiếc tàu lặn tại vùng biển ở độ sâu 630m tại Bắc Thái Bình Dương.

Sau gần 100 lần lặn, nhóm ba nhà nghiên cứu đã theo dấu con mực khổng lồ xuống tới độ sâu 900m khi nó bơi vào vực sâu của đại dương.

Năm 2006, nhà nghiên cứu Kubodera đã từng ghi lại được hình ảnh sinh động về một con mực khổng lồ khác cũng tại vùng biển trên sau khi sinh vật này bị mắc câu và được đưa lên mặt nước. Sau hai lần phát hiện thấy mực khổng lồ tại cùng một vùng biển, ông Kubodera cho rằng vùng biển này có thể là môi trường sống chủ yếu đối với loài sinh vật biển "vĩ đại" này.

Loài mực khổng lồ có tên khoa học là "Architeuthis", thường ăn các loài mực khác và một loài cá sống ở tầng nước sâu dưới đại dương. Theo các nhà khoa học, chiều dài của loài mực khổng lồ có thể lên tới hơn 10m.

Dự kiến, Đài truyền hình NHK và Discovery Channel sẽ phát những thước phim tài liệu hiếm hoi về phát hiện mực khổng lồ nói trên vào cuối tháng 1 này.

Video phát hiện con mực khổng lồ tại Bắc Thái Bình Dương:


Theo Vietnam+
Đón xem các hiện tượng thiên văn kỳ thú năm 2013

Đón xem các hiện tượng thiên văn kỳ thú năm 2013

Nếu như năm 2012 khép lại bằng vẻ “hùi hụi” tiếc nuối của các “tín đồ” yêu thiên văn bởi có tới 18 hiện thượng thiên nhiên kỳ thú diễn ra song thời tiết không thực sự ủng hộ để quan sát, thì năm 2013 chỉ có 11 hiện tượng thiên văn ở Việt Nam có thể quan sát được.

Trao đổi với phóng viên, anh Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thiên văn học trẻ Việt Nam cho biết, ngoài các trận mưa sao băng mang tính “định kỳ” hàng năm, năm 2013 đáng chú ý nhất là hai lần nguyệt thực sẽ diễn ra vào tháng 4 và tháng 10. Tuy nhiên, việc quan sát được sự kiện này hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết, vốn dĩ rất thất thường.

Dưới đây là thông tin về toàn bộ các hiện tượng sẽ có thể được quan sát tại Việt Nam trong năm 2013:

1. Mưa sao băng Quadrantids: Trận mưa sao băng cỡ trung bình với mật độ tối đa vào lúc cực điểm khoảng 30-40 sao băng/giờ diễn ra vào đêm mồng 3 và 4/1 (thời điểm lý tưởng nhất để quan sát hiện tượng này là sau nửa đêm mồng 3, rạng sáng mồng 4).

Trận mưa sao băng này có vùng trung tâm quan chòm sao Bootes (Mục phu/Thợ săn gấu). Một lưu ý là trăng cuối tháng sẽ là tác nhân che khuất khá nhiều sao băng của hiện tượng này.

2. Mưa sao băng Lyrids: Trận mưa sao băng cỡ trung bình/nhỏ với mật độ không quá 20 sao băng/giờ diễn ra trong khoảng từ 16-25/4. Cực điểm của nó sẽ rơi vào đêm 21 và 22. Mặt Trăng sẽ làm mờ nhiều sao băng của trận mưa sao băng này, do đó hiện tượng chỉ có thể quan sát thuận lợi ở các khu vực thời tiết lý tưởng và ít ô nhiễm khí quyển.

Mưa sao băng Lyrids có vùng trung tâm là chòm sao Lyra (Thiên cầm/cây đàn Lire).

Nguyệt thực tại bang Montana, Mỹ. 

3. Nguyệt thực một phần: Hiện tượng này diễn ra vào tối ngày 25/4, có thể được quan sát thấy tại một dải rộng lớn gồm toàn bộ châu Âu, châu Phi, phần lớn châu Á và châu Đại Dương. Việt Nam chúng ta cũng nằm trong khu vực có thể quan sát trọn vẹn lần nguyệt thực này.

Đây có thể coi là hiện tượng thiên văn đáng chú ý nhất trong năm 2013 đối với người quan sát tại Việt Nam.

4. Mưa sao băng Eta Aquarids: Trận mưa sao băng cỡ nhỏ với mật độ lúc cực điểm chỉ khoảng 10 sao băng mỗi giờ. Thời gian lý tưởng nhất để quan sát trận mưa sao băng này là sau nửa đêm mồng 5, rạng sáng mồng 6/5.

5. Sao Kim và Sao Mộc gặp nhau trên bầu trời: Tuy không phải một hiện tượng thiên văn đặc biệt, nhưng việc Sao Kim và Sao Mộc gặp nhau cũng là một điều thú vị với những người yêu thích việc quan sát khi hai đốm sáng đẹp nhất gặp nhau trên bầu rời, chỉ cách nhau chừng 1 độ.

Để quan sát, người yêu thiên văn hãy hướng ánh mắt về bầu trời phía Tây lúc hoàng hôn buông xuống, ngày 28/5.

6. Mưa sao băng Nam Delta Aquarids: Đây là trận mưa sao băng với tâm điểm là chòm sao Aquarius với mật độ cỡ trung bình/nhỏ, khoảng 20 sao băng mỗi giờ. Thời điểm lý tưởng để quan sát hiện tượng này sẽ là đêm 28 và 29 tháng 7.

7. Mưa sao băng Perseids: Đây là một trong hai trận mưa sao băng lớn nhất trong năm với mật độ khoảng 60 sao băng mỗi giờ (hoặc hơn) trong đó có rất nhiều sao băng rất sáng và dài.

Trận mưa sao băng kéo dài từ 22 /7 - 23/8 hàng năm, nhưng thời gian cực điểm rơi vào ngày 12, 13/8.

Ở thời điểm này, Mặt Trăng đầu tháng sẽ lặn trước nửa đêm, do đó vào thời điểm rạng sáng 13/8 sẽ là lý tưởng để quan sát hiện tượng này. Để quan sát, hãy nhìn về bầu trời phía Đông, nơi có chòm sao Perseus (Anh Tiên/dũng sĩ Persée).

8. Nguyệt thực nửa tối: Mặt Trăng sẽ đi vào vùng nửa tối của bóng Trái Đất, chuyển sang màu đỏ nhạt trong hiện tượng này.

Đây là nguyệt thực nửa tối duy nhất trong năm 2013 và người quan sát tại Việt Nam có thể thấy nó vào lúc hoàng hôn ngày 18 /10.

9. Mưa sao băng Orionids: Trận mưa sao băng tương đối lớn hàng năm với mật độ 20-30 sao băng/giờ với nhiều sao băng khá sáng, có vùng trung tâm là chòm sao Orion (thợ săn/dũng sĩ Orion).

Thời điểm lý tưởng để quan sát trận mưa sao băng này là đêm 21 và 22/10. Trong năm nay, việc quan sát trận mưa sao băng này sẽ gặp khó khăn do sự cản trở của ánh Trăng.

Mưa sao băng. (Nguồn: universetoday.com)

10. Mưa sao băng Leonids: Trận mưa sao băng lớn có tâm điểm ở chòm sao Leo (Sư Tử) có mật độ trung bình lên tới 40 sao băng/giờ. Thời điểm lý tưởng nhất để quan sát hiện tượng này sẽ là đêm 17, rạng sáng 18/11.

Mặc dù vậy, việc quan sát trận mưa sao băng này trong năm 2013 sẽ không được như mong muốn vì nó rơi vào đúng ngày Trăng tròn. Khi đó, ánh Trăng sẽ che mờ một lượng lớn các sao băng của hiện tượng.

11. Mưa sao băng Geminids: Đây là một trong số hai trận mưa sao băng lớn nhất (cùng với Perseids). Trận mưa sao băng này có tâm điểm là chòm sao Gemini (Song tử) với mật độ trên 60 sao băng mỗi giờ.

Năm 2013, Mặt Trăng sẽ gây một số cản trở trong việc quan sát hiện tượng này. Tuy vậy, đây vẫn có thể là một trận mưa sao băng đáng theo dõi. Thời điểm lý tưởng nhất cho người quan sát sẽ là rạng sáng 14/12, khi đó hãy tìm chòm sao Gemini khi đó nằm rất cao trên bầu trời. Đây cũng là hiện tượng thiên văn cuối cùng của năm 2013.

Theo Vietnam+
Hiện tượng thiên văn học hiếm hoi "Mặt trăng ăn Mộc tinh"

Hiện tượng thiên văn học hiếm hoi "Mặt trăng ăn Mộc tinh"

Một nhà thiên văn học đã ghi lại hình ảnh chi tiết về hiện tượng thiên văn hiếm hoi, theo đó mặt trăng có vẻ như đang “ngấu nghiến” sao Mộc, hành tinh lớn nhất của hệ mặt trời.

Mặt trăng và sao Mộc trong hiện tượng thiên văn hiếm hoi - (Ảnh: Rafael Defavari)

Chuyên gia chụp ảnh thiên văn Rafael Defavari đã quay được cảnh hành tinh lớn nhất trong hệ mặt trời biến mất đằng sau bề mặt lởm chởm của mặt trăng.

Hiện tượng tuyệt vời trên gọi là sự che khuất, tức chỉ tình trạng một thiên thể bị che lấp bởi một thiên thể khác đi ngang tầm mắt của người đang quan sát thiên thể đầu tiên.

Chỉ một số khu vực ở nam bán cầu có thể quan sát được hiện tượng này vào ngày Giáng sinh. Và ông Defavari đã quay được hình ảnh trên tại São Bernardo do Campo (Brazil).

Đoạn video cũng bắt được sao Mộc, lớn gần gấp 122 lần Trái đất, tái xuất hiện và biến mất một lần nữa ở vùng tối của mặt trăng.

Một trong những mặt trăng của thiên thể khí khổng lồ, gọi là Io, cũng “góp vui” bằng cách xuất hiện dưới dạng bóng mờ trên bề mặt sao Mộc khi nó xuất hiện trở lại màn hình.

Lúc đó, mặt trăng cách Trái đất khoảng 386.000km, trong khi sao Mộc, hành tinh thứ 5 tính từ mặt trời, ở khoảng cách hơn 579.363.840km, theo website Bad Astronomy.

Đoạn video cũng bắt được sao Mộc, lớn gần gấp 122 lần Trái đất, tái xuất hiện và biến mất một lần nữa ở vùng tối của mặt trăng. Một trong những mặt trăng của thiên thể khí khổng lồ, gọi là Io, cũng “góp vui” bằng cách xuất hiện dưới dạng bóng mờ trên bề mặt sao Mộc khi nó xuất hiện trở lại màn hình.



Theo Thanh Niên
Số lượng nhà phát minh sẽ giảm vì Internet

Số lượng nhà phát minh sẽ giảm vì Internet

Một nhà sáng chế hàng đầu tại Anh cảnh báo sự phụ thuộc quá mức của con người vào Internet sẽ khiến khả năng sáng tạo của chúng ta giảm mạnh.

Trevor Baylis, người phát minh đài radio vặn dây cót đầu tiên, nhận định rằng khả năng sáng tạo và kỹ năng thao tác bằng tay của trẻ em ngày nay đang giảm dần do chúng dành quá nhiều thời gian cho việc truy cập Internet. Vì thế ông lo ngại rằng nhân loại sẽ không có cơ hội chứng kiến sự ra đời của thế hệ những nhà phát minh tiếp theo, Metro đưa tin.

Chào đời vào năm 1937, ông Trevor Baylis là người đầu tiên chế tạo đài radio vặn dây cót.
 (Ảnh: tumblr.com)
"Nhưng trẻ em vẫn có thể phục hồi khả năng sáng tạo và các kỹ năng thao tác bằng tay nếu các trường sử dụng nhưng đồ chơi phù hợp, chẳng hạn như bộ đồ chơi xếp hình Meccano. Giáo viên nên dạy học sinh theo kiểu hướng dẫn trực tiếp, chứ không nên để các em tìm kiếm thông tin trên mạng", ông nói.

Ông Trevor Baylis tin rằng những đồ chơi đòi hỏi khả năng tưởng tượng và thao tác
bằng tay sẽ kích thích khả năng sáng tạo của trẻ. (Ảnh: news.com.au)

Nhà phát minh 75 tuổi cho rằng rất nhiều trẻ em đang ngồi trước máy tính suốt ngày và đó là một thực trạng nguy hiểm. "Não của trẻ em sẽ ngừng sáng tạo nếu chúng phụ thuộc quá nhiều vào các trang web tìm kiếm", ông giải thích.

Bắt đầu phát minh sản phẩm từ khi chỉ là một cậu bé 6 tuổi, Baylis kể rằng thú vui của ông trong thời thơ ấu là nhặt đồ vật linh tinh ở bãi rác sau giờ học. Sau đó khả năng tưởng tượng và sáng tạo của ông tăng dần khi một người phụ nữ cho ông bộ đồ chơi xếp hình Meccano. Do đó ông tin rằng những đồ chơi đòi hỏi sự tưởng tượng và thao tác bằng tay như thế sẽ giúp khả năng sáng tạo của trẻ em phát triển.

Theo VNE
Phát lộ đường nước khổng lồ dưới Hoàng thành Thăng Long

Phát lộ đường nước khổng lồ dưới Hoàng thành Thăng Long

Gần cổng Đoan Môn, các nhà khảo cổ khai quật thêm nhiều di tích của các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn chồng xếp lên nhau. Đặc biệt có một đường nước bằng gạch khổng lồ chưa từng thấy trong di tích khảo cổ nào ở Việt Nam.

Theo khuyến nghị của UNESCO nên tiếp tục nghiên cứu khảo cổ Hoàng thành Thăng Long sau khi được công nhận di sản thế giới, các nhà khảo cổ đã khai quật 500m2, hố đào sâu nhất là 4,2m tại trung tâm Cấm Thành trong 6 tháng qua.

Theo kết quả khai quật của Viện Khảo cổ học công bố sáng 26/12, các di tích phát lộ cho thấy nhiều tầng văn hóa từ thời Lý đến thời Nguyễn đan xen nhau. Dấu tích kiến trúc thời Lý gồm đường nước lớn được xây bằng gạch vuông, gạch bìa và cọc gỗ chạy suốt chiều Đông - Tây, bề rộng 2m, cao 2m, cùng nhiều móng tường.

Dấu tích kiến trúc thời Trần gồm những dải trang trí hoa chanh nằm trên móng tường thời Lý, hệ thống cống thoát nước, gạch bìa hình chữ nhật. Các dấu tích thời Lê còn sót lại trên nền gạch vuông và gạch vồ ở phía tây của hố khai quật. Các nền gạch này cũng từng xuất hiện từ khu vực nền điện Kính Thiên đến Đoan Môn.

Thời Nguyễn còn để lại dấu ấn với những cống thoát nước, gồm 2 thành cống được xếp bằng đá xanh và gạch vồ xám.

Theo PGS. TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học, trước đây đã có nhiều giả thiết khu vực khảo cổ là không gian của chính điện Thiên An thời Lý - Trần và chính điện Càn Nguyên thời Lý. Trong các hố đào năm 2011 mới phát hiện dấu tích móng trụ của nền điện Kinh Thiên, còn khu vực nền điện thì vẫn là bí ẩn.

Các nhà khoa học khảo sát đường nước khổng lồ trong khu vực khai quật. (Ảnh: Đoàn Loan)

Với lần khai quật này, các nhà khảo cổ đã phát hiện sân nền gạch vồ lát từ khu vực Đoan Môn lan rộng trên toàn bộ không gian lớn đến điện Kính Thiên. Ngoài ra, còn có cấu trúc móng "Ngự đạo" của thời Lê với nhiều mảnh gốm thời Lê Sơ và Lê Trung Hưng. Phát lộ khảo cổ cũng cho thấy quá trình xây móng tôn nền sân Đại triều thời Lê Sơ ở bên dưới lớp gạch vồ.

Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy dấu tích kiến trúc thời Lý ở khu vực bắc Đoan Môn với đường nước lớn xây bằng gạch vuông. Song song với đường nước này có dấu tích móng sành của móng tường thời Lý rộng 1,6m. Đường nước rộng 2m, cao 2m, có cắm cọc gỗ để gia cố. Đây là đường nước khổng lồ xây bằng gạch chưa từng thấy trong bất cứ di tích khảo cổ nào ở Việt Nam.

PGS. TS Tống Trung Tín nhận định có khả năng đường nước này dùng để thoát nước trong Cấm thành thời Lý hoặc là dấu tích tâm linh liên quan đến phong thủy trong trung tâm Hoàng cung thời Lý.

Về hướng bảo tồn khu vực phát lộ, ông Tống Trung Tín cho rằng, để không hư hỏng các di tích thì sẽ phải lấp đất, song cũng có ý kiến nên để cho người dân xem khu vực khảo cổ để làm giàu vốn văn hóa tại trung tâm Hoàng thành.

Nhiều chuyên gia sử học đã đưa ra phán đoán về đường nước ngầm và đề nghị bảo tồn các hố khai quật bằng cách lắp kính hoặc có mái che để người dân được tham quan. Theo GS Nguyễn Quang Ngọc, Chủ tịch hội Sử học Hà Nội, trước đây trung tâm Hoàng thành không tìm thấy dấu tích thời Lý song hiện đã tìm thấy đường nước thời Lý nên khả năng vua Lý Thái Tổ xây dựng điện Càn Nguyên ở khu vực này cùng với sân Long Trì. Để làm rõ hơn chính điện cần mở rộng khai quật ra phía đường Nguyễn Tri Phương.

"Chúng ta có thể nhận diện đây là khu chính điện của Hoàng thành, nên khu vực khảo cổ nên giữ lại cho mọi người đến xem cũng là một hình thức giữ lại di tích này", ông Nguyễn Quang Ngọc phát biểu.

TS Trần Đức Cường, nguyên Phó chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, cho rằng đường nước lớn có thể là đường dẫn nước, song cũng có thể là nơi chứa nước hay một công trình phong thủy. "Vào khu di tích nổi tiếng mà không được nhìn thành quả của giới nghiên cứu thì rất tiếc, nên phải có cách bảo tồn như lắp kính, mái che để bảo tồn lâu dài. Lấp đất là biện pháp bất đắc dĩ. Di tích của chúng ta nằm giữa thủ đô nên không có gì phải hạn chế cho người dân thưởng ngoạn", ông Trần Đức Cường nhận xét.

Theo VNE
Trạm vũ trụ quốc tế ISS sẽ có thư viện điện tử

Trạm vũ trụ quốc tế ISS sẽ có thư viện điện tử

Trạm vũ trụ quốc tế ISS sẽ được trang bị một thư viện đa phương tiện bao gồm âm nhạc, phim ảnh và sách ghi âm. Hãng thông tấn Nga cho biết, trích dẫn nguồn tin của Viện các vấn đề y sinh học, thuộc Viện HLKH Nga.

Trạm vũ trụ quốc tế ISS.

Сác chuyên gia hỗ trợ tâm lí cho các nhà du hành vũ trụ đang làm việc trên quỹ đạo (thuộc Viện HLKH LB Nga) cho biết họ đã quyết định tạo ra một thư viện tầm cỡ chứa các dữ liệu có dung lượng lớn, lên tới 2 TB bao gồm các sản phẩm nghe và xem rất phong phú và bổ sung hàng ngày để phục vụ những người làm việc trên không gian.

Việc chuẩn bị thành lập thư viện đang được tiến hành. Những bộ sưu tầm âm nhạc và phim ảnh được lựa chọn công phu. Hiện nay, hàng ngày người ta vẫn gửi lên vũ trụ những “gói tin” và vào dịp Năm mời không bao giờ thiếu các “chương trình các lễ hội”. Do nhóm làm việc trên Trạm ISS có nhiều quốc tịch khác nhau nên các bộ phim sẽ được lồng tiếng bằng nhiều ngôn ngữ để các nhà du hành vũ trụ có thể lựa chọn theo ý mình.

Cần nhắc lại rằng trước đây các nhà tâm lí Viện các vấn đề y sinh thuộc Viện HLKH Nga phối hợp với Cục vũ trụ Nga Roskosmos đã thực hiện một đề tài nghiên cứu mang tên “Mars-500”, mô phỏng cuộc sống hàng ngày của những người du hành dài ngày trong chuyến bay lên sao Hoả. Trong đề tài này đã nghiên cứu sự thay đổi về sức khoẻ và trạng thái tâm lí của 6 người tình nguyện thuộc các dân tộc trong sự cô lập với thế giới bên ngoài suốt 520 ngày đêm kéo dài từ Tháng 6/2010 đến Thàng 10/2011. Những điều rút ra từ đề tài đó sẽ được áp dụng trong việc xây dựng thư viện cho các nhà du hành làm việc trên ISS hiện nay và sau này.

Theo Vietnamnet/Lenta.ru
Sự thật về loài voi ở Trung Quốc đã tuyệt chủng 3000 năm trước

Sự thật về loài voi ở Trung Quốc đã tuyệt chủng 3000 năm trước

Các nhà khoa học cho biết loài voi hoang dã sống ở Bắc Trung Quốc 3000 năm trước đây thuộc loài Palaeoloxodon đã tuyệt chủng. Trước đó, loài voi này bị cho là loài Elephas maximus, một loài voi Châu Á hiện vẫn còn sống ở Nam Trung Quốc.

Kết quả nghiên cứu về loài voi này đã được công bố trên trang Quarternary International, thực hiện bởi các nhà khoa học từ trường Đại học Sư phạm Thiểm Tây, Đại học Tây Bắc ở Tây An và Viện nghiên cứu khoa học địa lý và tài nguyên thiên nhiên, Bắc Kinh.

Ngày nay, loài voi hoang dã không sống ở Bắc Trung Quốc, nhưng tài liệu lịch sử cho thấy chúng đã đi lại tự do cách đây 3000 năm.

Trong nhiều thập kỷ, các chuyên gia đã cho rằng loài voi hoang dã này là loài voi E.maximous - loài voi chỉ thích nghi với khí hậu nhiệt đới và hiện vẫn còn sống ở tỉnh Vân Nam thuộc miền Nam Trung Quốc. Họ nghĩ rằng miền Bắc Trung Quốc chịu ảnh hưởng bới khí hậu nhiệt đới vào thời gian đó.


Tuy nhiên, các kết quả nghiến cứu sau này cho thấy hầu hết miền Bắc Trung Quốc thuộc vùng khí hậu ôn đới ấm và cũng không thuộc vùng cận nhiệt vào 3000 năm trước. “Điều này có nghĩa là nhiệt độ ở Bắc Trung Quốc không đủ ấm để loài voi E.maximus có thể sống sót”, ông Li thuộc nhóm nghiên cứu nhận xét.

Loài Palaeoloxodon bị cho là đã biến mất khỏi nơi cư ngụ của chúng ở Trung Quốc trong giai đoạn chuyển tiếp giửa kỉ Pleistocene và kỉ Holocene vào 10.000 năm trước.

Để nghiên cứu xem liệu loài động vật này có sống qua kỉ Pleistocene đến kỉ Holocene không, nhóm nghiên cứu đã kiểm tra lại những chiếc răng voi hóa thạch được tìm thấy trong tầng đá Holocene vào những năm 1990. Các nhà khoa học trước đây cho rằng chúng là hóa thạch của loài E.maximus. Tuy nhiên nhóm nghiên cứu của ông Li đưa ra kết luận rằng răng và ngà voi giống của loài Palaeoloxodon ngà thẳng hơn.

Nhóm nghiên cứu cũng kiểm tra hàng chục tượng voi bằng đồng có từ thời nhà Chu, nhà Thương sau khi ông Li nhận thấy những chiếc vòi ở các đồ trang trí này không mô phỏng giống vòi của loài E.maximus.

Loài voi có thể có một hoặc hai ngón trên đầu vòi của chúng. 33 tượng voi được thu thập từ nhiều nơi trên khắp Trung Quốc đều có 2 ngón trên đầu vòi, trong khi loài E.maximus chỉ có một.

“Loài Palaeoxodon có một hay hai ngón ở đầu vòi thì hiện vẫn còn chưa được biết, nhưng loài E.maximus chắc chắn chỉ có một ngón”, ông Li khẳng định.

Tuổi của các tượng đồng này củng cố giả thuyết của các nhà nghiên cứu rằng loài Palaexodon chưa bị tuyệt chủng cho đến vài nghìn năm sau thời điểm mà ở đó người ta nghĩ chúng đã tuyệt chủng.

Kết quả nghiên cứu của nhóm cũng tương đồng với các phát hiện gần đây rằng loài động vật lớn có vú, bao gồm tê giác, voi ma mút, bò rừng Châu Âu, vẫn tồn tại đến kỉ Holocene chứ không phải đã biến mất ở kỉ Pleistocene.

Phạm Thị Bích Thu (BBC)
Cắt nhầm cáp viễn thông trên trạm vũ trụ ISS

Cắt nhầm cáp viễn thông trên trạm vũ trụ ISS

Sợi cáp viễn thông hỗ trợ liên lạc và kiểm soát của cơ quan Hàng không Vũ trụ Nga trên Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS) vừa bị các phi hành gia chuyên sửa chữa trên đó cắt nhầm.

Cơ quan hàng không Vũ trụ Mỹ và Nga hôm thứ 4 cho biết, việc cắt nhầm cáp viễn thông của Nga trên Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS) không gây ảnh hưởng tới hoạt động của trạm vũ trụ hoặc các vệ tinh dân sự. Tuy nhiên, các hãng thông tấn Nga dẫn nguồn tin giấu tên cho biết, việc cắt nhầm cáp viễn thông đồng nghĩa với việc gián đoạn thông tin từ trung tâm điều khiển hoặc các vệ tinh tới các phân đoạn phòng thí nghiệm Nga trên không gian.

Cắt nhầm cáp viễn thông trên trạm vũ trụ ISS

Alexei Kuznetsov, Phát ngôn viên cơ quan hàng không vũ trụ Nga Roscosmos cho biết, việc liên lạc giữa các thiết bị không gian của Nga đang được thực hiện bằng những phương tiện khác. Dẫu vậy, ông Kuznetsov từ chối nêu rõ cách thức mà phía Nga đang sử dụng để khắc phục sự cố cắt nhầm cáp vừa qua.

Trong khi đó, Josh Byerly, phát ngôn viên Cơ quan hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết, chương trình không gian Nga vẫn giữ liên lạc bình thường với mặt đất. Việc giao tiếp từ ISS tới Trung tâm Vũ trụ Johnson ở Houston, Mỹ vẫn diễn ra bình thường mà không gặp phải bất kể trục trặc nào.

Việc cắt nhầm cáp viễn thông cũng không ảnh hưởng tới kế hoạch sử dụng tàu vũ trụ Soyuz đưa 3 phi hành gia trở về trái đất vào ngày thứ hai tới. Hãng tin Interfax của Nga cũng dẫn lời quan chức Bộ Quốc phòng khẳng định, hoạt động của các vệ tinh quân sự vẫn hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát.

Theo Infonet
Nha khoa đã rất phát triển từ 9000 năm trước đây

Nha khoa đã rất phát triển từ 9000 năm trước đây

Các nhà khoa học thuộc trường Đại học de Poitiers tại Poitiers, Pháp, và Bảo tàng Guimet, Paris - trong khi khai quật một nghĩa địa cổ đại đã phát hiện ra tổng cộng 11 chiếc răng đã bị khoan, trong đó có cả một chiếc răng sâu rõ ràng đã trải qua một quy trình phức tạp, để đục sâu vào bên trong. 

Ở trên những chiếc răng này, họ đã phát hiện ra những lỗ nhỏ có đường kính 1,3- 3,2mm và chiều sâu 0,5-3,5mm. Những lỗ thủng này có hình dáng khác thường - hình nón hoặc hình trụ - và được thực hiện một cách rất kỹ lưỡng. Tất cả có niên đại vào khoảng 7.500 tới 9.000 năm trước.


Roberto Macchiarelli là một nhà cổ nhân loại học thuộc trường đại học Université de Poitiers và là tác giả chính của nghiên cứu này. Ông phát biểu: “Chúng tôi nghĩ rằng việc khoan răng này có lý do y tế,… Trong khi một số răng đã được khoan nhiều hơn một lần, 4 chiếc cho thấy dấu hiệu sâu răng… cho thấy có khả năng đó là một sự điều trị… Quy trình này không thể là vì mục đích thẩm mỹ, bởi vì những kết quả của nó không dễ dàng nhìn thấy được”. Trong thời gian đào, các nhà nghiên cứu xác định chín cá nhân khác nhau với tổng số là 11 răng khoan. “Một cá nhân có ba răng khoan, trong khi người khác có một chiếc răng đã được khoan hai lần”, Macchiarelli nói.

Khi quan sát dưới kính hiển vi, người ta thấy ít nhất là trong một trường hợp, không chỉ có chiếc răng bị khoan, mà khoang tủy răng cũng đã được tạo hình lại một cách tinh xảo. Và trong mọi trường hợp, các nhà nghiên cứu nhận thấy sự mài mòn của răng. Điều đó có nghĩa là việc khoan đã được tiến hành trên những người sống, và những chiếc răng này sau đó tiếp tục được sử dụng để nhai thức ăn. Những lỗ khoan trên răng, theo sự khảo sát của các nhà khoa học, được trám bằng một chất dính như nhựa đường, có lẽ là chất hàn răng.

“Phát hiện này cung cấp bằng chứng rõ ràng và thuyết phục rằng người thời cổ đại đã có kiến thức về thủ thuật nha khoa trên các mô răng cứng ở người sống”, ông Clark Spencer Larsen, một nhà nhân chủng học thuộc Đại học bang Ohio ở thành phố Columbus, đã phát biểu như vậy.


Macchiarelli phát biểu: “Mặc dù thủ thuật nha khoa gần Mehrgarh này tồn tại kéo dài trong khoảng 1.500 năm, nhưng nó lại hoàn toàn biến mất cùng với sự khởi đầu của thời đại kim loại khoảng 7.000 năm trước… Không có bằng chứng về thủ thuật này tại các nghĩa địa thuộc những thời kỳ sau đó rất lâu, bất chấp việc sức khỏe răng miệng của họ vẫn kém. Chúng tôi không thể hiểu tại sao nó lại chấm dứt”.

Dường như nhiều ngàn năm trước, đã từng có những nền văn minh phát triển rất cao, có những hiểu biết về y học rất tiên tiến. Thời gian quá lâu dài, trong khi chúng ta không giữ được những ghi chép lịch sử của những thời kỳ xa xưa, vì vậy chúng ta gần như không hề biết về những nền văn minh ấy. Những tri thức cao cấp của những con người xa xưa là những điều bí ẩn không thể giải thích bằng những chiếc khung hạn hẹp của định kiến. Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần phải nghiên cứu và viết lại lịch sử bí ẩn của loài người.

Theo Genk
Việt Nam sắp đón mưa sao băng

Việt Nam sắp đón mưa sao băng

Mưa sao băng Leonids, một trong những hiện tượng thiên văn đáng chú ý của năm, sẽ được nhìn thấy tại Việt Nam cuối tuần này.

Một trận mưa sao băng Leonids ở Canada năm 2001. Ảnh: Space.

Theo dự báo của Tổ chức Sao băng Quốc tế (IMO), mưa sao băng Leonids năm nay tuy số lượng sao băng theo giờ không tăng, nhưng điểm khác thường là trận mưa này có thể đạt cực điểm tới hai lần vào khoảng 4 giờ chủ nhật và 13 giờ thứ tư tuần sau theo giờ Hà Nội.

Tuy nhiên, theo Đặng Tuấn Duy, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thiên văn nghiệp dư Tp. HCM, thời gian thích hợp nhất để quan sát trận mưa sao băng trên ở Việt Nam là từ nửa đêm thứ bảy tới rạng sáng chủ nhật sắp tới. Đó là khi chòm Leo (sư tử), nơi xuất phát của các sao băng, xuất hiện ở chân trời phía đông. "Hãy để tầm mắt bao quát cả vùng trời phía đông lên đến đỉnh đầu người xem bắt gặp các sao băng nhiều nhất", Tuấn Duy nói.

Khi Leonids đạt đỉnh điểm, ở những nơi có điều kiện quan sát lý tưởng, số sao băng có thể lên đến hơn 20 vệt/giờ. "Trong những năm gần đây Leonids suy yếu dần, nhưng trận mưa sao băng lần này sẽ xuất hiện với nhiều sao băng sáng", Tuấn Duy cho biết.

Năm ngoái, ánh trăng sáng gần chòm sao Leo đã phá hỏng trận mưa sao Leonids. Song năm nay, mặt trăng gần như không gây ảnh hưởng tới người quan sát.

Mưa sao băng Leonid xuất hiện vào tháng 11 hàng năm khi trái đất đi qua vùng bụi của sao chổi 55P/Tempel-Tuttle. Trong quá khứ, Leonids từng được ví là bão sao băng khoảng thời gian những năm 1998 – 2002 khi nó đạt đến vài chục ngàn sao băng xuất hiện trong một giờ khi cực điểm.

Theo VnExpress
NASA đổi tên sứ mệnh nghiên cứu vành đai bức xạ

NASA đổi tên sứ mệnh nghiên cứu vành đai bức xạ

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã công bố sứ mệnh Van Allen, trong nỗ lực nghiên cứu các vành đai bức xạ của trái đất.

Một phi thuyền nghiên cứu vành đai Van Allen - (Ảnh: NASA)

Được triển khai trong sứ mệnh nghiên cứu môi trường bức xạ khủng khiếp xung quanh trái đất, bộ đôi phi thuyền NASA chính thức được đổi tên mới theo thông cáo báo chí của cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ hồi cuối tuần.

Theo Space.com, tên Van Allen Probes (Tàu thăm dò Van Allen) đã dùng để thay thế tên Radiation Belt Storm Probes (Tàu thăm dò vành đai bão bức xạ) được công bố hồi tháng 8.

James Van Allen là trưởng khoa Vật lý tại Đại học Iowa khi ông phát hiện hai vành đai chứa đầy các hạt điện tích cao quay xung quanh địa cầu vào năm 1958.

Vành đai bên trong thường mở rộng từ phần đỉnh của khí quyển trái đất đến độ cao 6.437km, trong khi vành ngoài từ 12.874 đến 41.842km.

Các vành đai Van Allen bị ảnh hưởng bởi bão mặt trời và những đợt phun trào vật chất ở vành nhật hoa, và đôi khi chúng phình to đến mức có thể gây nguy hiểm cho hoạt động liên lạc viễn thông, các vệ tinh GPS và những chuyến bay du hành vũ trụ.

Trong khi đó, hành vi của bộ đôi vành đai Van Allen rất bí hiểm, không đoán trước đó, và đó là nhiệm vụ của hai phi thuyền được triển khai theo sứ mệnh trị giá 686 triệu USD, kéo dài trong hai năm.

Theo Thanh Niên
Ấn Độ phát hiện hơn 100 lượt UFO bay từ phía Trung Quốc

Ấn Độ phát hiện hơn 100 lượt UFO bay từ phía Trung Quốc

Báo The Times of India ngày 6/11 đưa tin, quân đội Ấn Độ triển khai dọc biên giới giáp Trung Quốc, từ khu vực Ladakh ở bang Jammu & Kashmir đến Arunachal Pradesh, phía Đông Bắc Ấn Độ, đã phát hiện hơn 100 lần có “vật thể bay không xác định” (UFO) trên bầu trời khu vực này trong ba tháng qua.

Ấn Độ phát hiện hơn 100 lượt UFO bay từ phía Trung Quốc

Các báo cáo cho hay những UFO trên có màu vàng, xuất phát từ Trung Quốc và bay chầm chậm trên bầu trời khoảng năm giờ trước khi biến mất. Tuy nhiên, các quan chức khẳng định những UFO này không phải là máy bay không người lái hoặc vệ tinh của Trung Quốc.

Các cơ quan chức năng của Ấn Độ, bao gồm Lục quân, Tổ chức Nghiên cứu & Phát triển Quốc phòng (DRDO), Tổ chức Nghiên cứu Kỹ thuật Quốc gia (NTRO) và Cảnh sát biên giới Ấn Độ-Tây Tạng (ITBP) vẫn chưa thể xác định rõ ràng những vật thể bay này.

Lục quân Ấn Độ đã chuyển một đơn vị radar cơ động trên mặt đất và một hệ thống phân tích quang phổ đến biên giới để kiểm tra các UFO trên và khẳng định chúng không phải là kim loại. Tuy nhiên, giới chức quân đội Ấn Độ tỏ ra lo ngại về sự yếu kém của các cơ quan chức năng nước này, trong việc thẩm định rõ những UFO trên mà một số nghi ngờ có thể là thiết bị do thám của Trung Quốc.

Theo Vietnam+
Nỗi sợ toán có thể gây cảm giác đau

Nỗi sợ toán có thể gây cảm giác đau

Với những người sợ toán, suy nghĩ về những phép tính đơn giản có thể gây nên cảm giác đau đớn trong đầu.

Giáo sư Sian Beilock và tiến sĩ Ian Lyons, hai chuyên gia tâm lý của Đại học Chicago tại Mỹ, thực hiện một thử nghiệm để tìm hiểu tác động của các phép tính đối với những người sợ môn toán. Họ tuyển 28 người trưởng thành, bao gồm 14 người sợ môn toán và 14 người không sợ toán, tham gia thử nghiệm.

Hai nhà nghiên cứu yêu cầu nhóm tình nguyện viên kiểm tra mức độ chính xác của những phép tính trên màn hình máy tính, chẳng hạn như (12 x 4) – 19 = 29. Nhóm tình nguyện viên cũng thấy hàng loạt chữ (như yrestym) và phải quyết định việc đảo ngược vị trí các chữ có thể tạo ra một từ có nghĩa hay không. Cứ mỗi khi kiểm tra một phép tính hay một từ, máy tính sẽ hiển thị một vòng tròn màu vàng hoặc hình vuông màu xanh. Nếu vòng tròn màu vàng hiện ra, nhóm người hiểu rằng phép tính sắp xuất hiện. Ngược lại, từ bị xáo trộn sẽ hiện ra nếu hình vuông màu xanh xuất hiện. Beilock và Lyons theo dõi não của họ bằng máy chụp cộng hưởng từ, Popular Science đưa tin.

Nhiều học sinh có thể trở thành nhà khoa học trong tương lai nếu các em vượt qua nỗi sợ hãi đối với môn toán.

Kết quả cho thấy hoạt động của posterior insula - tên vùng xử lý cảm giác đau đớn - trong não những người sợ toán tăng mạnh mỗi khi họ thấy vòng tròn màu vàng. Nhưng trong quá trình họ kiểm tra các phép tính thì vùng não ấy lại trở về trạng thái bình thường.

"Điều đó chứng tỏ cảm giác sợ toán là thủ phạm gây cảm giác đau, chứ không phải các phép tính", Lyons lập luận.

Thử nghiệm cũng cho thấy những người sợ toán thường cảm thấy đau trước khi họ thực hiện các phép tính hoặc giải toán. Đây là một hiện tượng tâm lý mà giới khoa học nên tìm cách giải quyết để giúp những người sợ toán có thể học môn này tốt hơn.

"Nghiên cứu của chúng tôi giúp giới tâm lý hiểu lý do khiến những người sợ toán luôn tìm cách lẩn tránh những phép tính. Bản năng thúc giục họ lẩn tránh môn toán, những buổi học toán và cả những công việc liên quan tới con số. Tôi thường nói với các nhà vật lý rằng lẽ ra tôi có thể trở thành đồng nghiệp của họ nếu cảm giác sợ toán không xâm chiếm tâm trí tôi từ hồi tôi còn là học sinh trung học. Giờ đây tôi vẫn luôn cảm thấy xấu hổ với cảm giác ấy", Beilock phát biểu.

Theo VNE
Vệ tinh tự chế Việt Nam vẫn chưa phát được tín hiệu

Vệ tinh tự chế Việt Nam vẫn chưa phát được tín hiệu

Sau gần 1 tháng vệ tinh đầu tiên do Việt Nam chế tạo F-1 được thả ra ngoài không gian, nhóm nghiên cứu của FSpace (Đại học FPT) vẫn chưa thu được tín hiệu từ vệ tinh. Theo chuyên gia, có thể do mạch sạc của vệ tinh này gặp sự cố.

Vệ tinh F-1 trong quá trình thả ra ngoài không gian.

Theo nhận định sơ bộ của chuyên gia, có khả năng mạch sạc của vệ tinh gặp sự cố, khiến cho F-1 chỉ đủ năng lượng hoạt động trong vài ngày đầu tiên và sau đó không thể bổ sung được năng lượng từ các tấm pin mặt trời.

Được biết, hiện tại, nhóm FSpace vẫn đang cùng với đối tác NanoRacks (Mỹ) thu thập thông tin, phân tích các tình huống có thể xảy ra và thử nghiệm với mô hình kỹ thuật EM (bản sao của F-1) trong phòng thí nghiệm để cố gắng tìm hiểu nguyên nhân vấn đề. FSpace cũng sẽ thử gửi lệnh lên F-1 nhằm khởi động lại bộ vi điều khiển của vệ tinh, tuy nhiên cho đến thời điểm này, FSpace xác định khả năng thu được tín hiệu từ F-1 là rất thấp.

Thời điểm này, vệ tinh F-1 đang bay trên quỹ đạo trái đất với độ cao trung bình 405 km (cận điểm 397 km, viễn điểm 416 km) và được Bộ chỉ huy Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ (NORAD) giám sát với số hiệu 38855 (là vật thể thứ 38855 mà con người phóng lên vũ trụ). Dự kiến vệ tinh sẽ tồn tại trên quỹ đạo khoảng 5 tháng (đến tháng 3/2013) trước khi rơi xuống thấp và bốc cháy trong bầu khí quyển. F-1 được thả ra khỏi trạm ISS hôm 4/10 với nhiệm vụ phải “sống” được trong không gian và phát tín hiệu về trạm điều khiển mặt đất, chụp được ảnh độ phân giải thấp (640x480) và tốc độ truyền dữ liệu từ vệ tinh đạt 1.200 bit/giây).

Theo Dân Trí
NASA tạo tên lửa nặng trăm tấn thu thập mẫu vật từ các hành tinh

NASA tạo tên lửa nặng trăm tấn thu thập mẫu vật từ các hành tinh

NASA dự tính sẽ chế tạo một loại tên lửa hạng nặng dựa trên nền tảng hệ thống phóng vũ trụ (SLS), có thể bay vượt xa các hành tinh gần Trái Đất như Mặt trăng hoặc sao Hỏa, để đến và đem các mẫu vật từ các hành tinh xa xôi như mặt trăng của Sao Diêm Vương về Trái Đất.

Hình ảnh mô phỏng siêu tên lửa SLS. (Ảnh: Boeing)

Tên lửa trên có thể nặng từ 70 tấn đến 130 tấn, có nhiệm vụ phóng thiết bị bay không người lái lên mặt trăng Charon của Sao Diêm Vương, hoặc lấy các mẫu vật từ mặt trăng Europa của Mộc tinh, mặt trăng Titan của sao Thổ.

Dự kiến chuyến bay đầu tiên của tên lửa SLS sẽ được phóng lên quỹ đạo thấp của Trái Đất vào năm 2017 với phiên bản 70 tấn. Bắt đầu từ năm 2022, dự kiến phóng tên lửa SLS phiên bản 130 tấn. Đường kính của tên lửa này rộng khoảng 8,4 mét, mang theo một mũi hình nón có đường kính 10 mét và hệ thống SLS với trọng lượng tải 1.100 mét khối.

Trong đó, mũi hình nón sẽ cho phép mang các mẫu vật từ các hành tinh bên ngoài trở về Trái Đất để phục vụ nghiên cứu. Ngoài ra mang theo tàu vũ trụ khoa học lớn như vậy có thể giúp chống lại ảnh hưởng môi trường bức xạ khắc nghiệt trên các hành tinh.

Theo Báo Đất Việt
Copyright © 2012 Bloghotvn All Right Reserved