Lần đầu phát hiện hành tinh có 4 mặt trời
Các nhà thiên văn học vừa phát hiện một hành tinh mà trên bầu trời của nó có đến 4 mặt trời khác nhau. Đây là lần đầu tiên một hành tinh như vậy được tìm thấy.
Đáng chú ý là những người tìm thấy hành tinh này là 2 tình nguyện viên người Mỹ nhờ việc sử dụng website Planethunters.org. Họ đã nhìn thấy những ánh sáng bị mờ đi khi hành tinh này di chuyển phía trước ngôi sao mẹ của nó. Sau đó, các nhà thiên văn học chuyên nghiệp đã dùng kính viễn vọng Keck tại Hawaii để kiểm chứng và xác nhận phát hiện này.
Hành tinh PH1 có tới 4 mặt trời và lớn gấp 6 lần Trái Đất |
Được đặt tên là PH1, hành tinh này được xác định là một “quả cầu khí” khổng lồ có diện tích lớn gấp 6 lần Trái Đất và cách xa khoảng 5000 năm ánh sáng. “Bạn không cần phải tìm tòi quá nhiều trước khi cảm thấy thực sự lạ lùng khi có tồn tại một hệ thống kiểu này”, tiến sỹ Chris Lintott, đại học Oxford phát biểu với BBC.
“Cả 4 ngôi sao chiếu trên hành tinh đó tạo ra một môi trường rất phức tạp. Thế nhưng PH1 vẫn duy trì một quỹ đạo ổn định. Điều này thực sự khó hiểu khiến cho phát hiện này càng trở nên thú vị. Rõ ràng đây không phải điều chúng ta từng nghĩ tới”, ông Lintott nói.
Khi được hỏi vì sao hành tinh này vẫn có quỹ đạo ổn định mặc dù bị kéo bởi trọng lực từ 4 ngôi sao khác, vị tiến sỹ cho biết: “Còn có 6 hành tinh khác quanh những ngôi sao đó và khoảng cách giữa các hành tinh với các ngôi sao này khá gần.
Do đó tôi cho rằng, điều này cho chúng ta thấy các hành tinh có thể hình thành ở phần bên trong của các đĩa bụi vật chất hình xuyến. Các hành tinh đó đang xích lại gần và có thể tìm được một quỹ đạo ổn định tại đó. Điều này có thể giúp lí giải sự hình thành của các hành tinh ở những nơi khác”.
Theo Dân Trí, BBC