Phát hiện cấu trúc bụi vũ trụ hình xoắn ốc hiếm gặp
Ngày 10/10, các nhà thiên văn học đã công bố một hình ảnh hiếm gặp về một cấu trúc bụi vũ trụ và khí gas hình xoắn ốc bao quanh một ngôi sao đỏ khổng lồ.
Đây là là đầu tiên một cấu trúc như trên được loài người phát hiện. Các hình ảnh kỳ thú trên đã được kính viễn vọng cực mạnh Alma đặt tại Chile ghi lại. Kính viễn vọng này có 66 ăng ten, có thể khám phá vũ trụ dựa trên sóng radio được phát ra từ các thiên hà, các ngôi sao và các vật thể khác mà các loại kích viễn vọng quang học hay hồng ngoại không thể ghi nhận.
Hình ảnh kỳ thú do ALMA ghi lại |
Phát hiện này đánh dấu lần đầu tiên các nhà khoa học tìm thấy một cấu trúc kỳ lạ như vậy và còn thu thập được đầy đủ thông tin ba chiều về khối xoắn ốc này. “Trước đây chúng tôi đã từng thấy các cầu trúc xung quanh ngôi sao này nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi được thấy một cấu trúc vật chất hình xoắn ốc xuất hiện bên ngoài một ngôi sao”, Matthias Maercker, đại diện Cơ quan thiên văn châu Âu (ESO) khẳng định.
Trước đó các nhà thiên văn học không hề biết rằng ngôi sao nêu trên, được đặt tên R Sculptoris, có những vầng hào quang hình xoắn ốc. Các ngôi sao đỏ có kích thước khổng lồ là nguồn cung cấp chính các đám bụi và gas trong vũ trụ, góp phần tạo ra khối lượng lớn các nguyên liệu thô cho các ngôi sao hoặc các hệ hành tinh mới hình thành.
“Chúng tôi luôn hy vọng ALMA có thể đem đến cho chúng tôi một cái nhìn mới về vũ trụ nhưng ít ai nghĩ lại có thể phát hiện những điều mới mẻ ngay ở một trong những bước quan sát đầu tiên. Điều này thật thú vị”, ông Maercker hồ hởi chia sẻ.
Theo Dân Trí