VTC, FPT, Viettel "nuôi" tham vọng số hóa sách giáo khoa
Mặc dù nhu cầu, sự phổ biến của sách điện tử chưa cao cộng thêm vấn nạn vi phạm bản quyền vẫn tràn lan nhưng các "ông lớn" như VTC, FPT, Viettel... đều lập kế hoạch số hóa sách giáo khoa.
Hàn Quốc và Mỹ đang là 2 quốc gia tiên phong trong việc thực hiện số hóa sách giáo khoa cho phép học sinh có thể tải nội dung các cuốn sách giấy từ máy tính bảng, smartphone.. |
Sẽ thực hiện số hóa giáo trình đại học, sách tham khảo trước
Trên thế giới, xuất bản điện tử đã trở thành ngành công nghiệp phổ biến để phân phối sách, tạp chí và báo đến độc giả thông qua các thiết bị đọc sách như máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh. Chẳng hạn như tại Washington (Mỹ), trẻ em được học trên iPad hay tại Uruguay, học sinh đi học không mang sách giấy truyền thống mà mang laptop hoặc điện thoại di động để kết nối với giáo viên cùng các thành viên trong lớp.Năm 2011, Chính phủ Hàn Quốc đã đề ra kế hoạch chi 2,3 tỷ USD để số hóa toàn bộ hệ thống sách giáo khoa trong các trường công trước 2015 để học sinh, sinh viên ở quốc gia này có thể tải nội dung các cuốn sách giấy từ nhiều phương tiện như máy tính bàn, máy tính bảng, smartphone… Ngoài ra, nước này còn bỏ ra 2,4 tỷ USD để mua sắm thiết bị công nghệ đồng bộ phục vụ cho việc giảng dạy và học tập.
Đối với Việt Nam, dù xuất bản điện tử mới bắt đầu phát triển nhưng các "đại gia" như VTC, FPT, Viettel cho đến các doanh nghiệp nhỏ hơn như Alezaa, AIC... đều đã lên kế hoạch tham gia số hóa sách giáo khoa, giáo trình cho học sinh, sinh viên.
Cụ thể, từ cuối năm 2010, tại Lễ Tổng kết Chương trình kết nối mạng giáo dục và ký kết triển khai các ứng dụng tin học trong nhà trường, Bộ GD&ĐT và Viettel đã ký hợp đồng hợp tác triển khai đầu tư thiết bị, số hóa sách giáo khoa, các tài liệu đào tạo… phục vụ nhu cầu số hóa tài liệu, giáo trình, đổi mới hình thức tập huấn cho giáo viên qua mạng.
Mới đây, đầu tháng 6/2012, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và Công ty VTC Online về việc hợp tác xuất bản sách giáo dục điện tử theo quy định của Bộ GD&ĐT từ cấp mẫu giáo, tiểu học, THCS và THPT.Theo Công ty AIC, từ tháng 9/2012 đến tháng 8/2013, đơn vị này sẽ hoàn thiện xây dựng phần mềm để dạy những môn học khoa học tự nhiên cho các cấp học phổ thông song song với việc đưa vào thử nghiệm tại một số trường học. Dự kiến, đến năm 2015 sẽ hoàn thành số hóa các môn học còn lại và xuất bản tài liệu có liên quan.
Ông Bùi Trung Ngọc, Phó Giám đốc Mạng Việt Nam Go.vn cho biết, bên cạnh việc số hóa dần sách giáo khoa để "đón đầu" các chính sách phổ cập đại trà sách giáo khoa điện tử trong các trường tiểu học, THCS, THPT của các cơ quan quản lý , trước mắt VTC Online sẽ thực hiện số hóa các sách tham khảo, tạp chí, giáo trình của các trường Đại học...
Đầu năm 2012, ông Trương Đình Anh, khi đó còn đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc Công ty FPT cho hay, đơn vị này đang theo đuổi một loạt chương trình về số hóa sách giáo khoa. FPT đang trong quá thương thảo việc hợp tác với các đơn vị phát hành và nắm giữ bản quyền các đầu sách, bao gồm cả sách giáo khoa, giáo trình, truyện, tạp chí... "Tham vọng của FPT là học sinh khi đi học thay vì phải mang cặp sách chỉ cần cầm theo máy tính bảng", ông Trường Đình Anh nhấn mạnh.
Gian nan việc bảo mật nội dung sách điện tử
Cuối năm 2011, Công ty Vinapo ra mắt phiên bản alpha của hệ thống phân phối sách điện tử Alezaa.com, đây là hệ thống có chức năng mua bán sách điện tử đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Mặc dù Alezaa đã sử dụng phần mềm Alezaa Reader để mã hóa bảo vệ sách, chống sao chép nhưng sau một thời gian ngắn, chỉ cần lên google và gõ “cách tải ebook từ alezaa” là bất kì ai cũng có thể dễ dàng sao chép những cuốn sách trên hệ thống này về máy tính. Chính vì thế, đại diện các doanh nghiệp đều cho rằng, việc bảo mật cho các ấn phẩm xuất bản điện tử là nhiệm vụ ưu tiên cao nhất khi tham gia lĩnh vực này nếu không muốn dẫm vào "vết xe đổ" của Alezaa.
Bên cạnh đó, theo đại diện FPT, do Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý các vi phạm, phòng chống các vi phạm bản quyền trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nội dung số cũng như luật xuất bản điện tử chưa được cụ thể, rõ ràng nên việc triển khai xuất bản điện tử cũng vướng nhiều rào cản và khó khăn, trong khi ở những nước như Mỹ, Hàn Quốc… ý thức tôn trọng bản quyền luôn được đặt lên hàng đầu nên nên việc quản lý lĩnh vực xuất bản điện tử rất dễ dàng. “Đó cũng là lý do khiến các doanh nghiệp chưa có hành động cụ thể cho việc triển khai xuất bản điện tử.”, đại diện FPT cho biết thêm.
Trước tình trạng này, một số ý kiến cho rằng, hướng tiếp cận lĩnh vực xuất bản điện tử hiện nay là dần dần số hóa tất cả các thể loại sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu tham khảo, tạp chí …, đồng thời kết hợp chặt chẽ với các đơn vị sản xuất, xuất bản sách, tạp chí, tài liệu để thực hiện sản xuất các nội dung số có kiểm soát. Bên cạnh đó cần áp dụng các kỹ thuật công nghệ về việc bảo mật nôi dung bằng cách cộng tác với các đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ thông tin và viễn thông để đảm bảo được việc tôn trọng bản quyền xuất bản và thuận tiện trong công tác quản lý.
Theo ICTNews