Fashion

sdgad

Viettel và VNPT "lắc đầu" chuyện giảm cước

Nếu như thời điểm trước Viettel và VNPT liên tục rượt đuổi nhau với các chương trình giảm cước thì khoảng 2 năm trở lại đây hai "đại gia" này đều nói không với chuyện giảm cước bởi giá cước di động đã xuống rất thấp.

Gần đây, cuộc đua giảm giá cước giữa các mạng di động lớn đã có dấu hiệu "hạ nhiệt".

Không thể giảm cước

Cuộc đua cuối cùng trên thị trường xảy ra khi năm 2010 Viettel bất ngờ châm ngòi khi quyết định giảm cước di động từ 10-15%. Ngay lập tức, VNPT đã cho hai mạng di động của mình “phản đòn” bằng cách xin Bộ TT&&TT có mức cước thấp hơn của Viettel là 10 đồng/phút từ 1/8/2010. "Trận chiến” của các “đại gia” đã buộc các mạng nhỏ phải “cuốn theo chiều gió”. Thế nhưng, sang năm nay, thị trường di động đã xoay chiều khi các mạng di động lún sâu vào "đại chiến": tặng thẻ nạp, miễn phí nội mạng.

Cho đến thời điểm này, 3 mạng di động lớn là Viettel, MobiFone và VinaPhone cùng "im hơi lặng tiếng" chứ không còn theo đuổi cuộc chạy đua giảm cước nữa. Lãnh đạo một mạng di động lớn quả quyết, với tình hình như hiện nay thì không có mạng nào dám liều mạng giảm cước bởi nếu giảm nữa, chắc chắn kinh doanh di động sẽ không còn lãi.

Nếu như thời điểm trước, các mạng di động lớn đều tung ra chương trình khuyến mãi tặng 100% giá trị thẻ nạp liên tiếp thì gần 1 năm nay các mạng chỉ còn khuyến mãi 50% giá trị thẻ nạp. Các mạng di động cho rằng mức khuyến mãi 100% giá trị thẻ nạp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh doanh (đây là hình thức giảm cước quá mạnh).

Trong buổi họp mới đây giữa Bộ TT&TT với Viettel, MobiFone và VinaPhone bàn về chuyện tính giá thành dịch vụ viễn thông, các "đại gia" đều lắc đầu với chuyện giảm cước. Phát biểu tại buổi làm việc này, ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng giám đốc Viettel cho biết, thực chất giá cước dịch vụ di động mà nhà mạng thu được chỉ khoảng 3,5 đến 4 cent/phút (1 cent xấp xỉ bằng 200 đồng). Nếu giá cước giảm nữa sẽ khó phát triển, giả sử giá cước tụt xuống còn khoảng 2 cent/phút thì tất cả các mạng sẽ chết. "Trên thế giới, có nhiều nước sau khi xảy ra cuộc chiến về giá cước di động thì giá giảm xuống còn 2 cent/phút và thị trường đổ vỡ. Tại một số thị trường nước ngoài mà Viettel đầu tư cũng có một số nhà khai thác như Etel của Ấn Độ cung cấp dịch vụ với giá 2 cent/phút và nhà cung cấp này cũng không có lãi", ông Lê Đăng Dũng nói.

Chỉ có thể giảm cước ở vùng sâu, vùng xa

Tuy khẳng định là không thể giảm cước dịch vụ di động, nhưng phía Viettel vẫn cho rằng cần phải có mức cước phù hợp hơn cho người nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Theo ông Lê Đăng Dũng, Việt Nam hiện có hàng triệu người chưa được dùng điện thoại di động; chủ yếu tập trung ở vùng sâu, vùng xa và họ có mức thu nhập rất thấp. Vì vậy, để đưa dịch vụ di động đến với những đối tượng đó, Bộ TT&TT nên quy định giá cước cho các huyện nghèo ở mức đủ rẻ để nhiều người dân có thể dùng được.

Tuy nhiên, trong khi các mạng di động Việt Nam cho rằng nếu cước di động ở mức 2cent/phút là mức "chết" thì chuyên gia Frost & Sullivan (Công ty chuyên nghiên cứu về thị trường viễn thông) lại nhận định Việt Nam có thể tiến tới mức này. Trước đó, ông Jayesh Easwaramony, Phó chủ tịch phụ trách mảng ICT khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Frost & Sullivan nói rằng cước di động của Việt Nam vẫn ở cao so với một số nước trong khu vực. Cụ thể, cước di động của Ấn Độ hiện chỉ còn dưới 1 cent/phút; trong khi đó, cước di động của Việt Nam đang ở mức khoảng 800 đồng (4 cent) mỗi phút. Theo nghiên cứu của Frost & Sullivan, số lượng phút gọi trung bình của mỗi người dân Việt Nam đang ở mức thấp, từ 120 - 150 phút/tháng - con số này ở Thái Lan và Indonesia là 250 phút/tháng và Ấn Độ là 400 phút/tháng. “Nếu Việt Nam giảm cước sẽ tăng được lưu lượng sử dụng bình quân của người dân, đặc biệt là vùng nông thôn", nghiên cứu của Frost & Sullivan nhận định.

Ông Jayesh Easwaramony còn đưa ra so sánh: “Indonesia là một thị trường giống như ở Việt Nam nhưng cung cấp dịch vụ ở mức cước gần 2 cents/phút nên tôi nghĩ rằng vẫn có cơ hội cho các nhà mạng Việt Nam giảm giá cước và khuyến khích người dùng sử dụng dịch vụ nhiều hơn. Khi đó, các nhà mạng có thể thấy rõ sự tăng doanh thu của họ”.

Khác với quan điểm của Frost & Sullivan, nhiều chuyên gia nước ngoài đã cảnh báo thị trường di động Việt Nam nếu không có những điều chỉnh hợp lý sẽ dẫn tới cuộc chiến về giá và đổ vỡ thị trường. Hiện Bộ TT&TT đang nghiên cứu về việc quản lý giá cước trên cơ sở giá thành để tránh trường hợp các doanh nghiệp bán phá giá.
 
Thái Khang
Nội dung được đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 126 ra ngày 18/10/2012
Copyright © 2012 Bloghotvn All Right Reserved