Fashion

sdgad

Internet trên đường truyền hình cáp cạnh tranh ADSL

Khi CMC TI ra mắt dịch vụ GigaNet Home để tận dụng hạ tầng của doanh nghiệp truyền hình cáp thay vì đầu tư cung cấp dịch vụ ADSL, hay doanh nghiệp khác đang nhăm nhe làm truyền hình và Internet trên cùng một đường dây... thì theo các chuyên gia, đây là hướng đi tốt nhất trong thời điểm giá Internet đã xuống thấp như hiện nay

Theo CMC TI, để phát triển dịch vụ Internet trên đường truyền hình cáp,
khó nhất là làm sao thuyết phục được khách hàng sử dụng, khi mà họ đã quá quen thuộc với ADSL.

Khách hàng có thêm lựa chọn dịch vụ Internet

Ngày 6/4/2012, CMC TI đã chính thức cung cấp dịch vụ Internet trên hệ thống Truyền hình cáp Hà Nội mang tên GigaNet Home với mức giá từ 150.000 đồng/tháng cho đến 650.000 đồng/tháng. Dịch vụ GigaNet Home được triển khai trên hệ thống cáp đồng trục với 4 sự lựa chọn với các gói cước: GigaNet Home 1 (2Mbps/768Kbps), GigaNet Home 2 (4Mbps/768Kbps), GigaNet Home 3 (6Mbps/768Kbps), GigaNet Home 4 (10Mbps/768Kbps).

Tại buổi họp báo giới thiệu dịch vụ, CMC TI đặt mục tiêu sẽ có khoảng 30% khách hàng của Truyền hình cáp Hà Nội sẽ sử dụng GigaNet Home. Theo CMC TI, khi sử dụng dịch vụ GigaNet Home, khách hàng cá nhân còn được hưởng thêm nhiều tiện ích từ các dịch vụ giá trị gia tăng như Giám sát từ xa qua Camera (GigaCamera), Giáo dục điện tử (E-Education)... Thời gian tới, CMC TI sẽ tập trung phát triển nhiều dịch vụ giá trị gia tăng hơn nữa để phục vụ nhu cầu của người sử dụng.

Mức giá GigaNet Home đưa ra khá cạnh tranh so với mức giá các gói cước ADSL của những nhà mạng khác. Cụ thể, các gói cước ADSL của VNPT có giá trọn gói dao động từ 180.000 đồng/tháng (MegaBasic 2Mbps/512Kbps) cho đến 1.400.000 đồng/tháng (MegaPro 10Mbps/640Kbps). Cao hơn một chút, gói cước ADSL của FPT Telecom và Viettel có giá từ 200.000 đồng đến 230.000 đồng cho gói thấp nhấp (3Mbps/512Kbps) cho đến 300.000 đồng (Viettel với gói cước Home E+ 4Mbps/512Kbps) và 1 triệu đồng (FPT Telecom với gói cước MegaNet 8Mbps/640Kbps).

Tuy nhiên, mức giá 650.000 đồng cho gói 10Mbps/768Kbps mà CMC TI đưa ra vẫn còn khá cao nếu so với những gói cước VDSL của FPT Telecom (giá từ 570.000 đồng đến 640.000 đồng cho mức băng thông từ 15Mbps/1Mbps cho đến 18Mbps/3Mbps) hay các gói cước cáp quang mới của Viettel như  FTTH Eco (băng thông 12Mbps không cam kết tốc độ quốc tế với giá 350.000 đồng/tháng) hay FTTH TV (băng thông 10Mbps với giá 300.000 đồng).

Trao đổi với phóng viên ICTnews, đại diện CMC TI cho biết, dịch vụ GigaNet Home không nhằm cạnh tranh trực tiếp với ADSL mà chỉ đưa tới khách hàng một sự lựa chọn khác khi độ phủ của truyền hình cáp ở các thành phố lớn thậm chí còn nhiều hơn đường dây điện thoại cố định. Nhưng khó khăn lớn nhất là phải giải thích cho khách hàng hiểu về dịch vụ Internet trên truyền hình cáp, trong khi họ đã quá quen thuộc với ADSL. "Chất lượng Internet trên truyền hình cáp gần như bằng ADSL, thậm chí có phần cao hơn khi cho phép tốc độ tải xuống (download) bằng tốc độ tải lên (upload), cáp đồng trục của truyền hình cáp cũng bền hơn", vị đại diện này nhấn mạnh.

Còn theo đại diện FPT Telecom, đơn vị này cũng đang hợp tác với Truyền hình cáp Hà Nội để cung cấp dịch vụ Internet cho khách hàng trong các khu đô thị. Đây là những khu vực mà FPT Telecom chưa thể "xâm nhập" do đã bị các doanh nghiệp khác độc quyền.

Một số ý kiến khác cũng cho rằng, Internet trên đường truyền hình cáp đã tận dụng được hạ tầng sẵn có của các công ty dịch vụ truyền hình cáp, tránh được việc đầu tư mới khi mà đầu tư hạ tầng ADSL vào thời điểm này là chắc chắn lỗ. Tuy nhiên, dù hiện chỉ có một số ít các đài truyền hình ở thành phố lớn nhưng lại có rất nhiều công ty đầu tư hạ tầng cho truyền hình cáp và mỗi công ty một kiểu nên các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet trên truyền hình cáp sẽ rất vất vả để phối hợp.

Chưa thể cạnh tranh với ADSL truyền thống?

Đại diện CMC TI cho biết, thị trường Đà Nẵng được triển khai dịch vụ từ cuối năm 2011 và tính đến nay, 15% số lượng thuê bao truyền hình cáp đang sử dụng dịch vụ Internet của CMC TI (khoảng hơn 10.000 thuê bao). "Thị trường Hà Nội, sau gần 6 tháng, số lượng thuê bao sử dụng GigaNet Home đã chiếm khoảng 5% tổng số thuê bao Truyền hình cáp Hà Nội", vị đại diện này cho biết thêm.

Ở các khu vực trung tâm Hà Nội như Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Ba Đình..., mặc dù gần như hộ gia đình nào cũng sử dụng ADSL nhưng khá nhiều người cảm thấy không hài lòng với chất lượng đường truyền ADSL nên đã chuyển sang sử dụng Internet trên truyền hình cáp. Sau khi sử dụng, đa số khách hàng đều cảm thấy hài lòng hơn so với chất lượng của ADSL nên đã tiếp tục giới thiệu cho người khác sử dụng. "Lượng phát triển thuê bao khá tốt của GigaNet Home chủ yếu do sự truyền miệng giữa các khách hàng sau khi sử dụng dịch vụ", đại diện CMC TI nhấn mạnh.

Đại diện FPT Telecom và VNPT cho biết, mặc dù đã vấp phải sự cạnh tranh của GigaNet Home và trong ngắn hạn đã có một số thuê bao ADSL rời mạng để chuyển sang dùng dịch vụ của CMC TI nhưng con số đó quá nhỏ để có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng thuê bao ADSL ở Hà Nội và Đà Nẵng. Tuy nhiên, theo đại diện FPT Telecom, sau một thời gian sử dụng, khách hàng phải quay trở lại dùng dịch vụ của FPT Telecom vì Internet trên truyền hình cáp không được như mong đợi của họ. Bởi chất lượng đường truyền, công tác bảo hành bảo trì... của dịch vụ Internet trên truyền hình cáp phụ thuộc rất lớn vào sự phối hợp, vận hành giữa doanh nghiệp Internet với doanh nghiệp truyền hình cáp. "Đó cũng là lý do tại sao FPT Telecom chọn triển khai Internet trên truyền hình cáp ở các khu đô thị, nơi có hạ tầng cố định nên việc sửa chữa, khắc phục sự cố sẽ dễ dàng hơn", vị đại diện này nhấn mạnh.

Một chuyên gia trong lĩnh vực Internet khẳng định, về khả năng, Internet trên truyền hình cáp hoàn toàn có thể cạnh tranh được với ADSL truyền thống nếu có mức giá hợp lý mà không phải đầu tư hệ thống cáp tới từng hộ gia đình. Đổi lại, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet sẽ phải chia sẻ doanh thu với công ty có hạ tầng truyền hình cáp nên phải có một lượng khách hàng rất lớn thì mới đảm bảo lợi nhuận và vận hành. Đó là chưa kể đến việc xử lý sự cố sẽ rất phức tạp vì không biết phần "lỗi" của khách hàng thuộc về phần cung cấp Internet của doanh nghiệp Internet hay hạ tầng bên dưới của doanh nghiệp truyền hình cáp. Khi Viettel hay FPT nhẩy vào thị trường truyền hình cáp và cung cấp dịch vụ Internet kèm theo thì những vấn đề trên sẽ được khắc phục. Hơn nữa, trong thời điểm các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet đang kêu khó vì giá ADSL hiện đã xuống quá thấp, không đủ để bù chi phí thì việc cung cấp 2 dịch vụ trong một đường dây truyền hình cáp (truyền hình và Internet băng rộng) sẽ khiến giá thành rẻ đi rất nhiều do có thể bù chéo dịch vụ cho nhau và từ đó đảm bảo không lỗ.

Theo ICTNews
Copyright © 2012 Bloghotvn All Right Reserved