Tiết lộ khoảnh khắc kinh hoàng cuối đời Gaddafi
Ngoài vết đạn bắn vào đầu, thi thể ông Gaddafi còn có nhiều vết thương khác, trong đó có nhát dao đâm sâu vào hậu môn, rất có thể do lưỡi lê gây ra.
Một năm sau cái trên gây tranh cãi của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) công bố báo cáo mới, tiết lộ những giờ phút kinh hoàng cuối đời người đàn ông 42 năm chèo lái Libya.
Thế giới từng một lần kinh hoàng trước đoạn video bạo hành nhà lãnh đạo Gaddafi sau khi ông này rơi vào tay lực lượng nổi dậy. Tiếp sau đó, hình ảnh thi thể cố lãnh đạo Libya be bét máu, bị các tay súng nổi dậy lôi qua kéo lại làm dấy lên làn sóng phản đối trên khắp thế giới, kèm theo cam kết điều tra rõ vụ việc của Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia Libya. Tuy nhiên, gần một năm sau, cái chết của nhà lãnh đạo Gaddafi vẫn là dấu hỏi lớn nhưng đang chìm dần vào quên lãng.
Ông Gaddafi bị bạo hành khi rơi vào tay lực lượng nổi dậy.
Dựa vào lời kể của những người chứng kiến vụ hành quyết nhà lãnh đạo Gaddafi cùng những nhân vật trung thành còn sống sau nội chiến, báo cáo mới được tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW) phát hành hôm 17/10 cho thấy những điều kinh hoàng mà người đàn ông từng được coi là anh hùng dân tộc Libya phải trải qua lúc cuối đời.
Không ai ngờ được chỉ vài năm sau chiến dịch “vỗ về” của Thủ tướng Anh Tony Blair và các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới nhằm khuyên nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi từ bỏ tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân, người đàn ông 42 năm chèo lái đất nước Libya lại phải lẩn trốn dưới một ống cống trong sa mạc ở thành phố quê nhà Sirte. Thảm họa hơn, ông còn bị đối xử tệ hại và gánh lấy cái chết oan uổng trong tay đội quân ô hợp.
Theo báo cáo mới của HRW, không chỉ mình nhà lãnh đạo Gaddafi mà 66 người khác thực hiện nhiệm vụ hộ tống nhà lãnh đạo thất thế cũng bị hành quyết sau khi rơi vào tay lực lượng nổi dậy. HRW gọi đây là tội ác chiến tranh mà chính quyền mới, đang chèo lái đất nước Libya phải có trách nhiệm điều tra.
Dù chính quyền Libya luôn khẳng định, cái chết của cố lãnh đạo Muammar Gaddafi nằm ngoài sự kiểm soát của các tay súng nổi dậy nhưng những bằng chứng mới nhất mà HRW nắm giữ lại nói lên điều hoàn toàn ngược lại. Tổ chức chuyên trách bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới khẳng định, có những bằng chứng xác thực vệ việc nhà lãnh đạo Gaddafi bị hành hình mà chưa qua xét xử.
Ngoài ra, những vết thương mà đoạn video quay bằng điện thoại ghi lại chỉ là một phần thương tích trên người nhà lãnh đạo quá cố Libya. Bằng chứng mà HRW thu giữ còn khẳng định, trên thân thể ông Gaddafi còn có nhiều thương tích khác, cụ thể là vết đâm sâu vào hậu môn, rất có thể do một lưỡi lê gây ra.
Ông Gaddafi bị hành quyết với vết đạn chí mạng vào đầu.
Sau khi Thủ đô Tripoli bị đánh chiếm, nhà lãnh đạo Gaddafi cùng lực lượng trung thành buộc phải di chuyển địa điểm liên tục, nhằm tránh bị các tay súng nổi dậy phát hiện. Kể về những ngày tháng cầm cự ở Sirte, Mansour Dhao, người đứng đầu lực lượng cảnh sát dưới chế độ Gaddafi cho biết: “Chúng tôi ở trung tâm thành phố nhưng nơi đó nhanh chóng bị pháo kích. Chúng tôi buộc phải chuyển nơi ẩn náu liên tục. Chúng tôi gặp khó khăn về nước bởi các bể chứa đều là mục tiêu bắn phá”.
Cũng theo ông Dhao, nhà lãnh đạo Gaddafi “dành hầu hết thời gian để đọc kinh và cầu nguyện. Trong khi đó, phương tiện liên lạc giữa chúng tôi với thế giới bên ngoài bị cắt hoàn toàn, không ti vi, không tin tức. Chúng tôi chỉ ngủ và ngủ bởi khi thức dậy, cũng chẳng có việc gì để làm”.
Khi quãng thời gian chạy trốn càng dài, nhà lãnh đạo Gaddafi càng dễ nổi nóng. Việc sống trong cảnh thiếu điện, thiếu nước và thiếu cả ti vi cùng với việc liên tiếp bị truy đuổi khiến ông Gaddafi không thể không nổi đóa. Tới ngày 19/10, phần còn lại của lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Gaddafi tiếp tục bị lực lượng đối lập bắn phá bằng tên lửa Grad và rocket. Ngay lập tức, kế hoạch sơ tán được ấn định vào 3h30' – 4h sáng ngày 20/10/2011, nhưng chậm gần 4 tiếng. Và sau đó, lực lượng nổi dậy đã chờ sẵn trên con đường rút lui của Gaddafi.
Thi thể nhà lãnh đạo quá cố được đặt ở một phòng đông lạnh tại Misrata.
Khi đoàn xe chở Gaddafi sắp vượt qua lực lượng vây ráp mỏng của quân nổi dậy thì máy bay chiến đấu không người lái đột ngột xuất hiện trên bầu trời, liên tiếp bắn tên lửa vào đoàn xe. Tuy nhà lãnh đạo Libya không bị thương sau vụ không kích nhưng việc rút lui bằng xe ô tô không thể thực hiện. Cùng với đó là lượng lớn quân nổi dậy tiến về khu đoàn xe, khiến ông Gaddafi và lực lượng trung thành buộc phải trốn vào sa mạc.
Đọ súng vẫn liên tiếp diễn ra với phần thắng nghiêng về lực lượng nổi dậy. Cuối cùng, những người sống sót và nhà lãnh đạo Gaddafi buộc phải chui xuống một đường ống thoát nước với hy vọng thoát thân. Quân nổi dậy liên tiếp ném lựu đạn xuống cống nhằm tiêu diệt những người ở dưới nhưng 1/3 số đó bị ném ngược trở lại.
Khi lượng lớn quân nổi dậy đổ xuống cống, những binh sĩ trung thành cuối cùng với Gaddafi cũng bị vô hiệu hóa. Họ hoàn toàn bất ngờ khi phát hiện ra nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi đang ẩn trốn dưới cống, tiếp sau đó là những giờ phút kinh hoàng nhất cuộc đời người anh hùng 42 năm chèo lái đất nước Libya.
Một trong những chỉ huy lực lượng dân quân thực hiện vụ bắt giữ nhà lãnh đạo Gaddafi cho biết: “Tình cảnh lúc bắt giữ Gaddafi hoàn toàn hỗn độn. Các tay súng túm tóc và đánh hội đồng ông Gaddafi”. Dù biết cần phải xét xử Gaddafi nhưng các chỉ huy lực lượng nổi dậy gần như bất lực trước làn sóng bạo hành nhà lãnh đạo thất thế. Khi được đưa lên xe cứu thương, ông ta gần như khỏa thân và không còn sự sống. Ông Gaddafi được đưa tới Misrata, thành trì phe nổi dậy trong tình trạng “gần như đã chết”.
Theo Infonet