LG hỗ trợ nghiên cứu khoa học trong sinh viên
Các công trình nghiên cứu khoa học có tính thực tiễn cao sẽ được hỗ trợ để hoàn thiện và đưa vào thực tiễn. Tác giả có công trình đoạt giải còn có cơ hội nhận học bổng thạc sĩ tại Hàn Quốc trị giá 400 triệu đồng.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, cả nước hiện có khoảng 2,2 triệu sinh viên các trường Đại học, cao đẳng nhưng trong năm 2011 chỉ có 305 công trình nghiên cứu khoa học (NCKH) do 716 sinh viên thực hiện được Bộ GD-ĐT khen thưởng. Tính từ năm 2006 - 2010, chỉ có 6600 công trình NCKH của sinh viên.
Sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội đang làm nghiên cứu khoa học. Ảnh: Vietsciedirx. |
Thầy Trương Đình Chiến, Trưởng khoa Marketing, Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá sinh viên nhìn chung vẫn còn bỡ ngỡ với học và nghiên cứu trong môi trường đại học, nhất là các em không xác định được mục đích nghiên cứu để phục vụ cái gì. Các công trình NCKH của sinh viên lâu nay vẫn nặng về lí thuyết mà thiếu tính thực tiễn.
Bên cạnh đó, hoạt động NCKH trong sinh viên còn gặp nhiều khó khăn khác như thiếu giáo viên hướng dẫn, thiếu cơ sở vật chất, thiếu kinh phí thực hiện...
Để đổi mới hoạt động NCKH giúp gần hơn với thực tiễn, Khoa Marketing trường Đại học Kinh tế Quốc dân thường hợp tác với các doanh nghiệp để tìm kiếm các đề tài đặt hàng từ doanh nghiệp. Điều này mang lại lợi ích cho cả sinh viên và doanh nghiệp. Sinh viên có đề tài, có vốn để làm nghiên cứu, việc nghiên cứu có địa chỉ ứng dụng cụ thể.
Tuy nhiên, cũng theo thầy Chiến, số công trình đưa được vào áp dụng vẫn còn rất hạn chế. Hơn nữa, không phải ngành học nào cũng có điều kiện tiếp cận doanh nghiệp như ngành marketing. "Nên chăng, cần có nguồn kinh phí cho NCKH từ đóng góp của xã hội", Tiến sĩ Huỳnh Thị Hồng Hạnh, cán bộ ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM bày tỏ.
LG Electronics Việt Nam (LG) là một trong những công ty sớm đồng hành cùng học sinh và sinh viên Việt Nam. Sau thành công với chương trình "Đường lên đỉnh Olympia" dành cho học sinh THCS và THPT, mới đây, LG lại có chương trình "Olympia dành cho sinh viên đại học" nhằm hỗ trợ sinh viên NCKH. Tiêu chí chính của chương trình là tìm kiếm và hỗ trợ các đề tài có tính sáng tạo, có tính ứng dụng cao.
Trong năm đầu tiên, cuộc thi hướng đến các sinh viên thuộc hai khối khoa học tự nhiên và kinh tế. Các đội sẽ nộp bài viết giới thiệu về đề tài (hạn chót 24/11/2012) và thuyết trình về đề tài nghiên cứu của mình. Những đề tài có tính sáng tạo, tính thực tiễn cao, thuyết trình tốt sẽ được hỗ trợ kinh phí để hoàn thiện công trình và tham dự vòng chung kết dự kiến diễn ra vào tháng 4/2013 với giải thưởng cao nhất trị giá 60 triệu đồng và hai tháng thực tập tại LG. Ngoài ra, các thành viên của đội đoạt giải Nhất sẽ tham gia hùng biện để dành 1 suất học bổng thạc sĩ duy nhất tại Hàn Quốc.
Tại buổi họp báo công bố chương trình, Ban tổ chức cho biết đã làm việc với trên 100 trường ĐH, CĐ trên cả nước và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các ban giám hiệu. Các trường ĐH, CĐ cũng sẽ là đơn vị sàng lọc các đề tài trước khi gửi đến Hội đồng thẩm định của chương trình.
Cũng còn quá sớm để biết được phản ứng của các sinh viên trước sân chơi mới. Dù sao, việc tạo điều kiện để sinh viên tiếp cận các nguồn thông tin nghiên cứu mới, thay đổi phương pháp học tập là rất cần thiết và đáng ủng hộ.
Các sinh viên quan tâm đến chương trình có thể điện thoại về đường dây nóng 18001503 (miễn phí cước gọi).