Fashion

sdgad

Chuyển mạng giữ nguyên số: Chọn thời điểm nào?

Nhiều ý kiến cho rằng chính sách chuyển mạng giữ nguyên số có thể áp dụng khi tỷ lệ thâm nhập của người sử dụng di động của Việt Nam đạt ngưỡng 70% và thị trường đã được kiểm soát tốt về giá cước.

Chính sách chuyển mạng giữ nguyên số có thể áp dụng khi tỷ lệ thâm nhập
 của người sử dụng di động của Việt Nam đạt ngưỡng 70%.

Mạng lớn vẫn "ngại"

Bộ TT&TT đang tiến hành tham vấn người dân và doanh nghiệp để hoàn thiện đề án Chuyển mạng giữ nguyên số (thuê bao chuyển sang các mạng khác nhau nhưng vẫn được giữ số điện thoại mình đang sử dụng mà không phải đổi số). Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) đang đề xuất tháng 10/2014 sẽ chính thức thực hiện chính sách cho các thuê bao di động được chuyển mạng giữ nguyên số.

Cục Viễn thông cho rằng hiện tại Việt Nam có đủ một số điều kiện để thực hiện dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số bởi đã có tới 6 doanh nghiệp kinh doanh viễn thông di động và tỷ lệ thuê bao rất lớn với 1,5 thuê bao/người dân. Trong khi đó, cước dịch vụ điện thoại di động ở mức tương đối thấp và số lượng SIM rác khá lớn cần phải kiềm chế phát triển. Theo Cục Viễn thông, việc chuyển mạng giữ nguyên số đem lại nhiều lợi ích như khách hàng có quyền lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ nên sẽ tạo môi trường cạnh tranh hơn giữa các nhà cung cấp dịch vụ. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý Nhà nước cũng có thêm công cụ để theo dõi và phát triển thương mại điện tử.

Trao đổi với báo Bưu điện Việt Nam, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, vừa qua Cục đã tham vấn doanh nghiệp về chính sách chuyển mạng giữ nguyên số. Tuy nhiên, về cơ bản các doanh nghiệp vẫn “ngại” chính sách này do sợ thuê bao biến mất.

Thực tế, ở một vài nước, khi bắt đầu chính sách chuyển mạng giữ nguyên số, có một lượng lớn thuê bao của các mạng lớn đổ về mạng nhỏ nhưng sau đó thì các thuê bao mạng nhỏ lại ồ ạt chảy về mạng lớn. Vì vậy, các mạng di động lớn “ngại” áp dụng chính sách này bởi nó quá rủi ro với họ (có thể mất thuê bao và gây xáo trộn lớn trong mạng). Có thể họ không lo ngại chuyện khách hàng sẽ nhảy từ mạng lớn sang mạng nhỏ, song chuyện các mạng lớn tranh giành khách hàng của nhau chắc chắn vô cùng khốc liệt.
Nên áp dụng chính sách khi 70% dân số được dùng di động

Trả lời báo Bưu điện Việt Nam về thời điểm nào có thể áp dụng chính sách cho chuyển mạng giữa nguyên số, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel cho rằng, việc triển khai chính sách này là cần thiết vì đem lại lợi ích cho người tiêu dùng được tự do lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ, nâng cao hiệu quả sử dụng kho số và thúc đẩy thị trường cạnh tranh về chất lượng. Tuy nhiên, chính sách cho chuyển mạng giữa nguyên số chỉ thành công và đạt được các mục tiêu đó khi được triển khai đúng thời điểm, nếu không sẽ gây tác động ngược lại. Chính sách này sẽ phù hợp khi tỷ lệ thâm nhập của người sử dụng di động (không phải thuê bao di động) đạt ngưỡng 70%. Ngoài ra còn có các yếu tố khác như thị trường đã được kiểm soát tốt về giá cước và không còn cơ chế bù giá máy đầu cuối.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, nếu áp dụng chính sách cho chuyển mạng giữa nguyên số quá sớm khi doanh nghiệp chưa sẵn sàng sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp đưa ra hàng loạt chính sách ngắn hạn nhằm hạn chế sự di chuyển thuê bao của mình sang mạng khác mà không chú trọng đầu tư nguồn lực cho chính sách dài hạn. Bên cạnh đó, phải tính toán yếu tố văn hóa tiêu dùng của Việt Nam để lựa chọn thời điểm triển khai phù hợp.

Trong khi đó, bà Elizabete Fong, Tổng điều hành của Vietnamobile cho rằng: “Chúng tôi rất chờ đón và hoan nghênh những chính sách như vậy. Vì nó sẽ giúp cho những nhà cung cấp mạng mới có nhiều cơ hội hơn bởi chúng tôi đã đầu tư rất nhiều nguồn lực tài chính để xây dựng mạng của mình. Ngoài ra, khách hàng là những người được hưởng lợi nhiều nhất từ chính sách chuyển mạng giữ nguyên số vì có rất nhiều người đã sử dung 1 mạng từ rất lâu và muốn chuyển đổi, song họ đang bị giữ lại vì số thuê bao”.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng đã có buổi làm việc với Cục Viễn thông về kế hoạch triển khai xây dựng Đề án Chuyển mạng di động giữ nguyên số thuê bao tại Việt Nam. Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng với dịch vụ này người dùng sẽ có thêm cơ hội để sử dụng dịch vụ tốt hơn, nhưng ở thời điểm hiện tại nếu đưa ra phương án thực hiện Đề án Chuyển mạng giữ nguyên số thì còn quá sớm. Cục Viễn thông cần tiếp tục tham vấn, lấy ý kiến đóng góp từ những đơn vị liên quan để quyết định việc triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số trong thời gian tới.

Việt Nam nên giảm mật độ thuê bao di động?

Phát biểu về kinh nghiệm triển khai chuyển mạng giữ số rại Hội nghị Mobile Vietnam 2012, ông Tom Kershaw - Phó chủ tịch cấp cao của Telcordia cho rằng: “Việt Nam đang đi đúng đường vì mật độ điện thoại di động cao, trong đó số lượng người sử dụng smartphone phát triển tốt. Thị trường di động có tính cạnh tranh cao và các nhà khai thác di động của Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào dịch vụ mới, tính năng mới cho khách hàng. Tuy nhiên, điều mà Việt Nam cần làm hiện nay là giảm mật độ thuê bao di động xuống còn khoảng 90 đến 95%/100 người dân (hiện mật độ điện thoại di động của Việt Nam là khoảng 150% - PV). Lúc đó, Việt Nam có thể áp dụng chính sách chuyển mạng giữ nguyên số”.

Những gì ông Tom Kershaw nói có vẻ như ngược đời khi áp dụng chính sách chuyển mạng giữ nguyên số. Nhưng nó lại phản ánh một thực tế là thị trường này phát triển quá nóng trong thời gian vừa qua và ẩn chứa yếu tố không bền vững, cụ thể là tình hình kinh tế không phù hợp với mật độ thuê bao như hiện nay khi mỗi người dân sở hữu tới 1,5 thuê bao. Thậm chí, tại Hội nghị Mobile Vietnam tháng 10/2012 đã có con số được công bố là Việt Nam đạt tới 1,81 thuê bao di động/1người dân từ cuối năm 2011. Điều này khiến nhiều chuyên gia nước ngoài "choáng" bởi nó quá chênh lệch với bức tranh kinh tế của Việt Nam hiện tại.

Thái Khang
Nội dung đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 130 ra ngày 29/10/2012.
Copyright © 2012 Bloghotvn All Right Reserved