Người con gái có chồng 4 lần mà vẫn còn trinh ở Long An
Dù mang tiếng có chồng 4 lần nhưng chưa lần nào cô gái ấy có được đêm tân hôn, dù chỉ là 1 đêm. Không biết có phải vì cô tuổi dần “sát chồng” hay chỉ là sự trùng hợp, mà cứ sau khi “coi mắt”, trong thời gian chờ cưới, các “chú rể” vì những lý do khác nhau mà tử vong.
Vào thời ấy, vào đầu thập niên 1920, người con gái sau khi “coi mắt” là coi như đã có chồng, vì vậy mà người dân sống 2 bên dòng sông Bảo Định (thành phố Tân An, tỉnh Long An) cứ truyền mãi giai thoại về 1 người con gái 4 lần có chồng mà vẫn còn trinh.
Dòng sông Bảo Định nối liền sông Tiền và sông Vàm Cỏ, nó chảy ngang và chia cắt thị xã Tân An (nay là thành phố Tân An) ra làm 2 phần bằng nhau. Bây giờ ở thành phố Tân An đã có 4 chiếc cầu bắc qua sông Bảo Định nối liền 2 phần của thành phố, đó là: cầu Đúc, cầu Dây, cầu Trương Định và cống đập Bảo Định.
Vào cái thời diễn ra câu chuyện “có chồng 4 lần mà vẫn còn trinh”, chưa có chiếc cầu nào bắc qua sông Bảo Định, người dân 2 bên sông muốn qua lại phải dùng đò ngang, và chính 1 chiếc đò ngang qua sông đã làm chết 1 trong 4 chú rể của câu chuyện đang kể, khi anh trên đường đến nhà gái để đón dâu. Đó là lần người con gái trong câu chuyện gần với đêm tân hôn nhất, khi mà tiệc “nhóm họ” bên nhà gái đã đãi xong, chuẩn bị đợi nhà trai đến để đưa dâu. Vậy mà chú rể vẫn cứ chết như 3 lần trước.
Quá hoang mang và thất vọng, cộng với những lời đàm tiếu của người dân trong vùng, cô Tư Thảo (tên người con gái trong câu chuyện) đã bỏ xứ Tân An đi về miệt Gia Định - Đồng Nai, sau đó không còn ai biết gì về cô nữa, nhưng câu chuyện cô 4 lần có chồng mà vẫn còn trinh thì vẫn còn lưu truyền mãi ở Tân An đến ngày nay.
Đám cưới thành đám tang
Vào đầu thập niên 1920, ở chỗ chiếc cầu Đúc bằng bê tông vĩnh cửu nối liền phường 1 và phường 2 thành phố Tân An hiện nay là bến sông tấp nập tàu ghe. Sau đó khoảng 10 năm chiếc cầu Đúc mới được xây dựng lên và tồn tại đến ngày nay. Ngày ấy, người dân 2 bên sông qua lại bằng những chiếc đò nhỏ, chèo tay, mỗi chiếc chở độ 5 - 10 người. Buổi sáng hôm ấy, bến sông nhộn nhịp hơn ngày thường, vì sắp có đám đón dâu ngang qua sông. Nhà trai ở miệt Thủ Thừa, họ đi xe ngựa xuống Tân An, rồi mướn xuồng đưa qua sông Bảo Định để đón dâu.
Nhà cô dâu ở bên kia sông, từ nhà có thể nhìn xuống bến đò để thấy nhà trai với đầy đủ lễ vật đang xuống đò qua sông để rước dâu. Đoàn người đi đón dâu khoảng 20 người, họ chia làm 3 nhóm đi 3 chiếc đò sang sông. Chiếc đi đầu có bà mai, cha của chú rể, cùng những người ngồi bàn trưởng tộc. Chiếc thứ hai chở chú rể chính, rể phụ và cánh thanh niên đi đón dâu. Chiếc cuối cùng chở cánh phụ nữ.
Dòng sông Bảo Định ngày ấy không rộng lắm, bề ngang chỉ độ 50 mét, thế nhưng nước sông thì chảy xiết, nhất là gặp lúc nước ròng. Buổi sáng hôm ấy, sông Bảo Định đang lúc nước ròng, lại vào mùa nước đổ, nên nước chảy rất mạnh, những người chèo đò phải chèo cật lực để nương theo dòng nước đưa đoàn người đón dâu qua sông.
Khi chiếc đò thứ nhất chở bà mai và những người lớn tuổi cập bến, từ phía nhà gái pháo bắt đầu nổ ran để đón mừng nhà trai. Cũng chính viên pháo “đùng” khai hỏa bất ngờ đã làm cho 1 thanh niên “yếu bóng vía” đi trên chiếc đò thứ hai chở chú rể bị giựt mình, làm chiếc xuồng chao nghiêng.
Nếu như những người đi trên xuồng đều quen với chuyện sông nước thì chẳng có vấn đề gì, đằng này đoàn thanh niên nhà trai đến từ huyện Thủ Thừa ít sông nước, đa số họ ít được đi xuồng, nhiều người không biết bơi, vì vậy mà họ hoang mang, hoảng loạn. Vậy là dù chỉ còn cách bờ sông chưa tới 10 mét, nhưng chiếc đò chở chú rể đón dâu đã không còn cơ hội cập bến, nó bị lật ngang dìm chú rể và những thanh niên đi cùng với bao lễ vật xuống dòng nước đang chảy mạnh.
Hàng chục thanh niên từ trên bờ đã cởi đồ lao nhanh xuống sông để cứu những người không biết bơi, nhưng do nước chảy mạnh, chú rể và 1 người nữa đã chìm mất hút dưới dòng sông. Hơn 1 ngày sau xác chú rể mới nổi lên ngoài sông Vàm Cỏ Tây cách nơi xảy ra tai nạn gần 1 cây số.
Lần ấy cô Tư Thảo dù chưa 1 lần “nhất dạ đồng sàng”, nhưng cũng về nhà chồng để thọ tang chồng, làm tròn phận sự dâu con. Tất nhiên, cô là người khóc nhiều nhất trong đám tang, suốt mấy ngày cô ra ruộng nằm ôm nấm mộ đất mới mà than khóc, kể lể cho một kiếp má hồng bị “trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”.
Sau đúng 3 tháng, cô Tư Thảo xin phép nhà chồng cho cô “xả tang”, rồi từ giã trở về nhà cha mẹ ruột ở Tân An. Sau vài ngày ân cần chăm sóc cha mẹ, cô Tư Thảo xin phép 2 đấng sinh thành cho cô đi về Gia Định - Đồng Nai làm ăn với nghề thợ may của mình.
Dù rất thương con gái, nhưng cha mẹ cô Tư Thảo không nỡ ngăn cản con, vì nếu cô tiếp tục ở lại Tân An, trọn đời cô sẽ “ở giá” vì sẽ không còn chàng trai nào bạo gan tới cầu hôn cô - một người con gái tuổi dần đã 4 lần “sát chồng” dù chưa một lần nếm trải “đêm tân hôn”.
Sau khi rời Tân An đi Gia Định - Đồng Nai, cô Tư Thảo có vài lần trở về thăm cha mẹ, sau đó không ai biết gì nữa về cô. Có người nói cô Tư lấy được một ông “Các Chú” (tiếng chỉ người Triều Châu nhập cư vào Việt Nam lúc đó) ở Biên Hòa rồi theo chồng về ở luôn bên Tàu.
Chuyến xe lửa định mệnh
Xung quanh giai thoại về cô Tư Thảo “có chồng 4 lần mà vẫn còn trinh”, sau này những người lớn tuổi ở Tân An kể lại có nhiều điểm dị biệt, nhưng khá giống nhau ở chỗ cô đã 4 lần đính hôn và cả 4 lần chú rể đều chết yểu và chuyện chìm đò làm chết chú rể khi nhà trai chuẩn bị bước chân lên nhà gái để rước dâu. Theo cụ Tám Oanh, người đã sống cuộc đời gần 90 năm bên bờ sông Bảo Định, thì khi ông lớn lên đã nghe cha mẹ kể về chuyện cô Tư Thảo 4 lần có chồng...
Theo đó, cô Tư tuổi dần, sinh năm 1902, là người con gái đẹp người, đẹp nết, thêu thùa may vá thật khéo tay, cô mở tiệm may ngay bên bờ sông Bảo Định cách không xa bến đò. Năm 17 tuổi, lần đầu tiên cô Tư được người mai mối với một thanh niên ở Bến Lức, cách Tân An khoảng 15 cây số.
Theo tập tục của người dân Nam bộ thời ấy, sau khi bà mai gặp gỡ gia đình 2 bên để bằng “miệng lưỡi” của mình mà thuyết phục chuyện hôn nhân, là đến thủ tục gọi là “coi mắt”, nếu sau khi “coi mắt” mà 2 bên đều ưng ý, thì sẽ tiến tới chuyện nhà trai sang bỏ rượu, rồi đám hỏi, trước khi lễ cưới chính thức được tiến hành.
Thông thường, từ ngày coi mắt cho tới ngày cưới là khoảng 1 - 2 năm, có khi kéo dài tới 3 năm, tùy theo điều kiện của nhà gái, nhưng hiếm khi nào sớm hơn 1 năm.
Lần ấy chàng trai từ Bến Lức mặc áo dài khăn đống được cha mẹ và bà mai đưa đến Tân An để coi mắt cô Tư Thảo. Chỉ được ngắm nhìn cô Tư Thảo vài khoảnh khắc khi cô mặc áo dài lên nhà trên châm trà đãi khách, nhưng chú rể đang đứng dựa cột nhà suốt cả tiếng đồng hồ đã quên hết chuyện mỏi chân, anh ta thấy tâm hồn lâng lâng bay bổng khi nghĩ tới chuyện mai này anh cưới được người vợ xinh đẹp, đoan trang như mơ.
Trong khi đó, từ trong buồng ở nhà sau, cô Tư Thảo cũng có cách ngó lén người chàng trai coi mắt mình, rồi sau đó khi khách đã ra về, đám bạn gái của cô cứ khen: “Chàng rể hiền lành, đẹp trai”. Mẹ và dì của cô Tư Thảo không quan tâm tới chuyện “đẹp trai”, mà chấm chàng rể ở chỗ hiền hậu, nhất là khi được sinh ra trong gia đình gia giáo, bản thân anh ta cũng sắp trở thành người “gõ đầu trẻ”, khi có chồng cô Tư Thảo sẽ trở thành “thiếm giáo”.
Sau khi bên nhà trai ra về, bà mai ở lại thăm dò thái độ của nhà gái và bà đã thật sự an tâm khi biết chắc rằng “trai tài” đã gặp được “gái sắc”, bà tiếp tục nán lại dùng cơm chiều với gia đình cô Tư Thảo và cũng để bàn chuyện coi ngày để nhà trai đi bỏ rượu. Vì vậy mà khi bà mai chưa kịp rời khỏi nhà cô Tư Thảo thì đã có người hớt hải qua đò báo hung tin: chàng trai vừa đến coi mắt cô Tư Thảo đã bị tai nạn trên đường trở về nhà ở Bến Lức.
Thời đó việc đi lại giữa Tân An và Bến Lức rất thuận tiện nhờ tuyến xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho. Tuyến xe lửa được thực dân Pháp xây dựng đầu tiên ở Đông Dương (năm 1885) này từng là “kỳ quan” trong con mắt của người dân vùng sông nước miền Tây, khi mà từ bao đời họ chỉ biết đi lại bằng ghe xuồng lênh đênh trên sống nước hoặc bằng xe thổ mộ bằng ngựa kéo.
Đặc biệt là khi “Sở Hỏa xa” sau đó đã bắc được 2 chiếc cầu Tân An (qua sông Vàm Cỏ Tây) và Bến Lức (sông Vàm Cỏ Đông) để xe lửa chạy một mạch, thay cho cảnh qua phà trước đó, người dân miền Tây đi lại bằng xe lửa ngày càng nhiều.
Thế nhưng, từ đi ghe xuồng trên sông hoặc đi xe thổ mộ trên đường làng chuyển sang đi xe lửa, nhiều người phải bỡ ngỡ, không ít tai nạn xảy ra do chuyện chưa quen đi xe lửa đó. Không biết do không có kinh nghiệm đi xe lửa hay vì quá vui mừng khi nghĩ đến chuyện sẽ cưới được vợ đẹp, mà chàng trai đã bước xuống sân ga Bến Lức khi xe lửa chưa dừng hẳn.
Anh ta đã bị giật té, đầu đập vào nền bê tông sân ga, gây chấn thương sọ não. Điều kiện y học thời đó không thể làm gì hơn ngoài chuyện để cho người thanh niên hôn mê dần rồi tử vong. Vậy là mới 17 tuổi mà cô Tư Thảo đã mang tiếng có 1 đời chồng!
Sự cố chết người trong một trận đá banh
Câu chuyện về chàng trai vừa mới đi coi mắt cô Tư Thảo đã bị té xe lửa chết đã làm xôn xao dư luận thị xã Tân An lúc đó suốt nhiều tháng trời. Vừa đi coi mắt vợ đã chết, bản thân chuyện ấy đã là đề tài cho mọi người bàn tán sôi nổi, trong khi cô gái được coi mắt lại “tuổi dần”, làm cho câu chuyện thêm ly kỳ, huyền bí. Nhưng rồi mọi chuyện cũng lắng dịu theo thời gian, mọi người cũng trở về với công việc đời thường, chẳng còn ai bàn tán chuyện cô Tư Thảo “sát chồng”.
Rồi nhờ “đẹp người, đẹp nết”, chỉ hơn 1 năm sau lại có đám tới dạm hỏi cô Tư Thảo. Chú rể là con một điền chủ ở quận Tân Trụ, cách Tân An gần 20 cây số. Dù bà mai cố tình giấu nhẹm chuyện cô Tư Thảo đã 1 lần được coi mắt và người đi coi mắt cô đã chết vì tai nạn trên đường về nhà, nhưng gia đình chàng trai ở Tân Trụ cũng biết được chuyện đó.
Mẹ của chàng trai thì sợ, nên can ngăn, trong khi ba của chàng trai lại nói: “Ăn thua gì, cái mạng thằng Tư nó lớn, lo gì”. Còn anh Tư thì chưa hình dung chuyện “mạng lớn, mạng nhỏ” ra sao, nhưng nghe nói có vợ đẹp thì ham, nên không lo sợ gì hết. Ngày đi coi mắt diễn ra suôn sẻ, nên khi về tới nhà cha con anh Tư tự đắc nói: “Thấy chưa, số thằng Tư lớn, dễ gì chết yểu vì bị cọp vồ”.
Hơn 3 tháng sau, vào ngày mùng 9 tháng giêng ta thật đẹp, bà mai cùng cha anh Tư mang rượu tới nhà gái để chính thức xác nhận cuộc hôn nhân giữa anh Tư và cô Tư Thảo. Ngày cha đi bỏ rượu ở Tân An, anh Tư đi coi đá banh ở xã Bình Lãng.
Cầu Đúc ở TP Tân An, nơi ngày xưa là bến đò ngang qua sông Bảo Định, cũng là nơi chứng kiến chuyện tình duyên kỳ lạ của cô Tư Thảo. |
Thuở ấy phong trào đá banh thật mạnh, tuần nào cũng có giải thi đấu trong xã, trong huyện, xã nào, ấp nào cũng có đội banh, dù đôi khi “trái banh” phải làm bằng trái bưởi phơi khô dồn bông gòn, vì không phải ở đâu cũng có tiền mua banh da hoặc banh nhựa để đá, còn “sân banh” thường là mặt ruộng nứt nẻ vào mùa khô. Ngày hôm ấy xã Bình Lãng tổ chức giải bóng đá “giựt cúp” dành cho đội bóng của các ấp trong xã, sân bóng là đám ruộng khô bên vệ đường. Anh Tư vì mê đá banh nên đi coi chứ ngày hôm ấy không có đội banh của ấp anh đi đá.
Nhiều đội bóng tranh giải trong 1 ngày, vì vậy mà các đội thay nhau đá liên tục suốt ngày, không có thời gian nghỉ trưa. Khán giả đi xem đá banh vì vậy mà cũng theo suốt cả ngày dưới trời nắng gắt.
Khoảng đầu giờ chiều, trong khi đang diễn ra trận đấu tứ kết căng thẳng, trong một pha tấn công, một cầu thủ sút mạnh bóng về khung thành đối phương, nhưng bóng đi không trúng mục tiêu, bay ra phía sau khung thành, nằm dưới 1 gốc cây. Đang đứng xem phía sau cầu môn, anh Tư chạy vội đi lượm banh giúp các cầu thủ. Thế nhưng, sau khi lượm banh, anh Tư đứng dựa vào gốc cây bất động, hai tay vẫn ôm chặt trái banh, mặc cho mọi người kêu réo, chờ đợi, anh vẫn không mang trái banh vô sân.
Một số người sốt ruột đã lớn tiếng cự nự người đi lượm banh đã “câu giờ”, đề nghị trọng tài “bù giờ” cho trận đấu. Mặc cho mọi người sốt ruột, la lối, anh Tư vẫn ôm trái banh đứng bất động dựa vô gốc cây. Đến khi có người chạy tới giựt trái banh thì anh Tư mới đổ kềnh ra đất, chừng đó mọi ngưới mới tá hỏa là anh ta đã bị “trời trồng” (chết đứng), chứng bệnh mà sau này ta hay gọi là “đột tử”.
Cha của anh Tư trên đường đi “bỏ rượu” bên nhà gái ở Tân An trở về, khi đi ngang sân banh Bình Lãng thấy chuyện lao xao đã ghé vô xem, thì hỡi ôi con trai ông đang nằm bất động dưới gốc cây, miệng sùi bọt mép. Tất cả những nỗ lực cứu chữa cho nạn nhân đều trở nên vô vọng.
Về cái chết của chàng trai chuẩn bị cưới vợ tên Tư, chuyện kể có nhiều dị bản khác nhau, chẳng hạn có người cho rằng không phải anh Tư bị “trời trồng”, mà do anh đứng ngay phía sau cầu môn, bị trái banh đá căng trúng vào đầu làm anh bị đứt mạch máu não chết. Người khác lại kể rằng, khi anh Tư chạy đi lượm trái banh trên mặt ruộng nứt nẻ vào mùa khô, chân anh bị sụp khe nứt, anh té đập đầu xuống mặt ruộng làm đứt mạch máu não nên chết.
Khi mọi người đưa xác anh Tư về tới nhà, câu than khóc đầu tiên của mẹ anh Tư là: “Trời ơi, ông thấy chưa, tui đã can mà cha con ông đâu có nghe, cứ quyết cưới cho được gái đẹp, gái thành thị, để bây giờ con tui ra nông nỗi này nè trời!”.
Chuyện anh Tư bị “trời trồng” trong ngày gia đình đi bỏ rượu cưới vợ đã gây xôn xao dư luận từ quận Tân Trụ lên thị xã Tân An. Câu chuyện càng trở nên ly kỳ, kịch tính khi người ta gắn thêm vào đó cái chết của người thanh niên ở Bến Lức đi coi mắt cô Tư Thảo trước đó hơn 1 năm. Cha của cô Tư Thảo đã đến viếng đám tang của chàng trai “rể hụt”, cũng là để trình với cha mẹ nạn nhân xin “trả rượu”.
Suốt mấy tháng trời, cô Tư Thảo không dám bước ra khỏi nhà, hễ có thời gian rảnh là cô vô buồng nằm vùi khóc ướt hết gối. Rồi cô Tư Thảo cùng mẹ đã ăn chay đúng 1 năm, ngày rằm nào 2 mẹ con cũng đến chùa làm công quả 2 ngày để van vái phật trời cho cô hết “nặng vía”, thoát khỏi cái số “sát chồng”.
Hồi hộp như xổ số
Cô Tư Thảo và mẹ ngừng ăn chay tuần trước thì tuần sau có người tới nhà đặt vấn đề mai mối cô Tư với 1 đám ở bên Tân Hiệp - Tiền Giang. Người đàn ông này hơi đứng tuổi, lớn hơn cô Tư 8 tuổi, nhưng được cái là có nghề nghiệp thợ bạc đàng hoàng, gia đình có cơ ngơi vững vàng với 1 tiệm vàng ở chợ huyện. Tất nhiên là trước khi đến với nhà gái, bà mai cũng đã “uốn ba tấc lưỡi” thuyết phục gia đình người thanh niên lớn tuổi mà chưa vợ không nên đặt nặng chuyện cô Tư Thảo đã 2 lần “lỡ chồng”.
Người thanh niên ở Tân Hiệp vốn rất kén vợ (nên mới sống độc thân đến gần 30 tuổi), nhưng lại không tin những chuyện huyền bí theo kiểu “tuổi dần sát chồng”, nên đã ưng thuận khi nghe bà mai ca tụng cô Tư Thảo “sắc nước hương trời”. Cha mẹ của anh ban đầu cũng hơi lừng khừng, nhưng sợ cản đám này thì con họ tiếp tục ở vậy, nên đã “đánh liều” gật đầu theo con.
Về phần cô Tư Thảo, cô đã thật sự hoang mang lo sợ khi lại nghe bàn tới chuyện “có chồng”, nhưng cha mẹ cô thì chưa hết hi vọng về tương lai hạnh phúc của đứa con gái yêu, vì vậy mà ông bà đã ưng thuận trước lời ngon ngọt của bà mai. Áo mặc sao qua khỏi đầu, cô Tư Thảo vâng lời cha mẹ mà trong lòng không khỏi hoang mang lo lắng. Từ Tân Hiệp đến Tân An coi mắt vợ, chàng trai thợ bạc cũng đi bằng xe lửa, nhưng đã không xảy ra chuyện chết vì té xe như nhiều người lo sợ.
Ngày cha chàng trai đi bỏ rượu bên nhà gái ở Tân An, chàng ở nhà cũng đi coi đá banh ở sân vận động Tân Hiệp, nhưng cũng không xảy ra chuyện “trời trồng” như mọi người lo lắng can gián anh đừng đi coi “trận banh định mệnh”.
Thắm thoát rồi ngày đám hỏi cũng tới. Mọi người hồi hộp theo dõi cuộc hôn nhân mói này như theo dõi xổ số!
Gia đình nhà trai khá giả, gia đình bên gái cũng không kém cạnh, vì vậy đám hỏi của họ thật linh đình, nhộn nhịp cả một đoạn bờ sông Bảo Định.
Là thợ bạc, chính tay chàng trai đã làm cặp nhẩn bằng vàng y để đeo cho mình và cho người vợ tương lai. Cả hai bên gia đình cô dâu và chú rể đều có cớ để vui tràn, vì vậy mà tiệc tùng kéo dài, rượu đế Gò Đen chảy như suối.
Chàng rể ban đầu rất ý tứ, chỉ nhấp môi mỗi khi có ai mời rượu, còn lại là lo chạy bàn, tiếp thức ăn cho khách gia đình 2 bên. Ngay trong tiệc rượu, người lớn 2 bên cũng dễ dàng thống nhất sẽ tiến hành lễ cưới sau 3 tháng, chứ không kéo dài hàng năm, chàng trai không phải vất vả qua “làm rể” gánh nước, bữa cũi như tập tục bao đời.
Đến lúc đó, khi đã được coi là con trong nhà, chàng rể được cha vợ cho phép uống rượu “tùy khả năng”. “Khả năng” của chàng trai sống độc thân tới gần 30 tuổi là cả lít rượu đế, nhưng vì phải giữ ý tứ, nên chàng uống độ 2 xị (nửa lít) rượu là ngừng, ai ép thêm cũng từ chối.
Trên đường trở về Tân Hiệp, hầu hết cánh đàn ông đều say xỉn, chỉ có chú rể là còn tỉnh queo. Khi xe lửa về tới Tân Hiệp, dừng lại ở ga Ông Táo, chính chàng rể đã đỡ từng người nhậu say xuống xe, đưa họ vô nhà. Đám hỏi như vậy là thành công trọn vẹn, gia đình 2 bên đều vui, mọi chuyện diễn ra thuận lợi, suôn sẻ. Đêm hôm ấy chàng trai và cả gia đình đã có những giấc ngủ thật ngon, thật sâu, nhất là chàng trai còn có thể gặp bao mộng đẹp.
Sau một ngày mệt nhọc vì đám tiệc, sáng hôm sau cả nhà ai cũng dậy trễ. Cho đến khi cô gái út thường dậy trễ nhất nhà cũng đã cuốn mùng mền, thì người anh lớn nhất nhà mới đám hỏi vợ vẫn còn nằm vùi trong buồng. Cô út vô buồng lay anh dậy để ra đứng tiệm vàng, thì hỡi ôi cơ thể người anh đã lạnh cứng tự bao giờ.
Ông thầy lang ngoài đầu đường nói rằng do anh uống nhiều rượu, tối ngủ lại để cửa sổ, gặp lúc thời tiết chuyển lạnh, nên bị trúng gió chết. Mẹ và các cô, dì của nạn nhân thì không tin như vậy, họ than khóc trong đám tang với cùng một nội dung: “Con ôi, cháu ôi, ham vợ đẹp làm chi để phải chết tức chết tưởi…”.
Lần ấy, cô Tư Thảo đã ngất xỉu khi nghe hung tin. Rồi cô được cha mẹ đưa sang nhà trai chịu tang “chồng”, sau ngày mở cửa mả mới trở về nhà cha mẹ ruột. Vừa trở về nhà, cô Tư đã lén nhà bỏ vô chùa Bình Lập xin sư trụ trì xuống tóc quy y, phụng sự nơi cửa phật.
Vị sư trụ trì còn nấn ná vì xem ra “nữ thí chủ” chưa dứt nợ trần, rồi cha mẹ cô Tư biết chuyện đến can ngăn nhà chùa, năn nỉ con trở về nhà. Rước con ra khỏi nhà chùa, người mẹ không vội đưa thẳng về nhà, mà ghé nhà bà thầy bói ở gần đình Bình Lập để nhờ xem đường tình duyên cho con.
Bà thầy bói phán chắc nịch: “Quá tam 3 bận. Tà khí đã bay hết, bây giờ người nữ mới có thể có chồng”. Từ lời phán của bà thầy mà sau đó khoảng 1 năm đã có thêm đám cưới qua sông của chàng trai ở Thủ Thừa đã kể ở đầu câu chuyện.
Ở tuổi 90, cụ Tám Oanh như đuối hơi khi cố kể cho hết câu chuyện. Cuối cùng cụ nói: “Sau khi cô Tư bỏ xứ ra đi, chuyện “tuổi dần sát chồng” càng trở nên nghiêm trọng ở đây, con gái tuổi dần rất khó lấy chồng. Tui vì cha mẹ nghèo nên “lấy đại” 1 cô gái tuổi dần. Chẳng dè, đâu có hổ nào vật tui, nên sống nhăn răn tới giờ chưa chết, trong khi “bà hổ” nhà tui đã chết cách đây gần 20 năm. Chẳng qua là sự trùng hợp ngẫu nhiên, chứ xung quanh đây chẳng ai có vợ tuổi dần mà chết sớm cả. Nghỉ thương cô Tư Thảo, xui rủi gì tận mạng! Hổng biết sau đó cổ có tìm được hạnh phúc!”.