Fashion

sdgad

DN bưu chính vẫn "đau đầu" với chất lượng nhân lực

Thời gian qua, phản ánh từ các doanh nghiệp (DN) bưu chính chuyển phát cho thấy, tình trạng vi phạm đạo đức nghề nghiệp, lợi dụng vị trí công tác để trục lợi của một bộ phận lao động bưu chính đã khiến nhiều lãnh đạo DN phải "đau đầu" tìm giải pháp đối phó.

Một trong những biện pháp giúp ViettelPost “giữ chân”
khách hàng là nâng cao hơn nữa uy tín, thương hiệu của DN.

Vi phạm đạo đức nghề nghiệp: Không hiếm!

Theo đại diện Công ty CP chuyển phát nhanh Hợp Nhất (Hợp Nhất), gần đây những vụ nhân viên nghỉ việc lợi dụng thông tin để trục lợi đối với các công ty chuyển phát nhanh đang có xu hướng tăng. Mới đây, DN này đã đồng loạt gửi đơn tới Cơ quan công an Quận 1, TP. HCM và Thanh tra Bộ TT&TT tố giác hành vi giả mạo giấy tờ để trục lợi của đối tượng Bùi Trung Kiên - GĐ Công ty chuyển phát nhanh New Post, cựu GĐ vận hành khu vực miền Nam của Công ty Hợp Nhất. Cụ thể, theo phản ánh của Hợp Nhất, ngày 25/8/2012, ông Kiên đã đột ngột xin chấm dứt Hợp đồng lao động. Tuy nhiên trước khi nghỉ việc, ông Kiên đã chủ động soạn, sử dụng trái phép con dấu của Hợp Nhất trên các văn bản gửi tới khách hàng yêu cầu sử dụng dịch vụ và chuyển cước phát sinh về đại lý giả mạo là Công ty CP Chuyển phát nhanh New Post do chính đối tượng này thành lập ngày 22/8/2012.

Đại diện Hợp Nhất khẳng định: “Hành vi cố tình giả mạo giấy tờ, tài liệu của Hợp Nhất nhằm mục đích lừa dối khách hàng, chiếm đoạt các khoản thanh toán cước dịch vụ của đối tượng Bùi Trung Kiên đã đủ yếu tố cấu thành tội danh làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, được quy định tại Điều 267 và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự năm 2009. Hiện nay, vụ việc đang tiếp tục được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ”.

Trước đó, vào tháng 2/2012, lo ngại trước tình trạng thường xuyên bị mất mát hàng hóa, bưu gửi có giá trị cao, đồng thời để làm rõ nghi vấn về tình trạng một số nhân viên trong công ty cấu kết với các đối tượng xấu trộm cắp hàng của khách, Công ty CP chuyển phát nhanh Tín Thành (Tín Thành) đã phải cần tới sự giúp sức của cơ quan công an trong vụ việc 1 kiện hàng của Tín Thành gồm 10 điện thoại di động iPhone 4S gửi qua đường hàng không bị “hô biến”. Kết quả điều tra của công an cho thấy, 3 nhân viên của Tín Thành đã thông đồng với 3 nhân viên kho hàng của sân bay Tân Sơn Nhất đánh cắp kiện hàng chứa 10 chiếc iPhone 4S.

Hai vụ việc trên tuy có tính chất, mức độ vi phạm khác nhau nhưng đều đã phản ánh thực trạng vi phạm đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận lao động có ý thức kém trong các DN bưu chính chuyển phát. Trao đổi với ICTnews, đại diện lãnh đạo một số DN như ViettelPost, Netco, Tín Thành… đều có chung nhận định, tình trạng lao động bưu chính vi phạm đạo đức nghề nghiệp hoàn toàn không hiếm. Đơn cử như tại ViettelPost, trong năm 2011, đơn vị này buộc phải ra quyết định sa thải hoặc chấm dứt hợp đồng lao động với 26 nhân viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Đại diện các DN cũng cho biết, những năm qua, các DN bưu chính còn phải đối mặt với tình trạng nhân viên, đặc biệt là đội ngũ nhân viên kinh doanh, bưu tá “nhảy việc”, chuyển sang công ty mới đã tìm cách lôi kéo, mang theo cả “tập” khách hàng được giao chăm sóc, quản lý về công ty đối thủ. Ông Nguyễn Đức Thế - TGĐ Netco cho hay, mặc dù chiếm tỷ lệ không cao song Netco đã gặp khó khăn với những trường hợp như đã nêu ở trên. Tương tự, cách đây khoảng 2 năm, ViettelPost Phú Thọ đã phải mất 3 tháng để giành, thu hút lại những khách hàng đã bị công ty đối thủ “giật” khi nhân viên ViettelPost chuyển sang làm tại đó.

Doanh nghiệp tăng bảo mật thông tin

Lý giải nguyên nhân của tình trạng nhân viên bưu chính vi phạm đạo đức nghề nghiệp, một chuyên gia cho rằng, công tác đào tạo, bồi dưỡng về đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ nhân viên bị xem nhẹ. “Do đặc thù ngành nghề bưu chính, các DN thường có 60-70% là lao động phổ thông, chưa qua trường lớp đào tạo nghiệp vụ nào. Khi tuyển dụng vào, nhiều DN chỉ bồi dưỡng, tập huấn sơ qua cho lao động mới về các thao tác nghiệp vụ, quy trình thực hiện công việc mà “bỏ qua” công đoạn đào tạo để nhân viên nắm được những quy định về đạo đức nghề nghiệp”, vị chuyên gia này cho hay.

Trả lời câu hỏi các DN bưu chính đã làm gì để hạn chế tình trạng nhân viên nghỉ việc lợi dụng thông tin, vị trí công tác cũ để lừa dối khách hàng nhằm trục lợi, đại diện Hợp Nhất cho rằng, các DN cần siết chặt quản lý nhân sự, tài liệu giấy tờ của đơn vị. Lãnh đạo Netco cũng nhận định, gần đây tình trạng nhân viên nghỉ việc lôi kéo theo khách hàng của DN đã giảm nhiều do các DN chú trọng tăng cường bảo mật thông tin về khách hàng.

Còn với ViettelPost, cùng với việc quản lý chặt chẽ nhân sự, danh sách khách hàng, từ khoảng năm 2009, Bưu chính Viettel đã ban hành quy định về 10 điều cấm vi phạm đạo đức nghề nghiệp, bao gồm: tự ý rút lõi (đánh cắp, làm sai, hỏng….) nội dung hàng gửi của khách; tráo đổi nội dung hàng gửi của khách; tiết lộ thông tin của hàng gửi; mở bưu phẩm bưu kiện khi chưa có sự đồng ý của khách hàng… Theo quy định của ViettelPost, nếu vi phạm 1 trong 10 điều cấm, nhân viên sẽ phải chấm dứt hợp đồng lao động.

Cũng theo đại diện ViettelPost, để ngăn ngừa tình trạng nhân viên chuyển công tác, nghỉ việc sẽ “kéo” theo các khách hàng của mình, ViettelPost đã thực hiện chính sách luân chuyên cán bộ, nhân viên giữa các bưu cục, chi nhánh và giữa các vùng, miền. Đồng thời, Bưu chính Viettel quản lý, cập nhật thường xuyên thông tin về từng nhân viên, từng khách hàng trên hệ thống phần mềm. Ví dụ, khi một khách hàng ngừng dùng dịch vụ; hay khi nhân viên nhận thư, hàng, bưu phẩm, bưu kiện của khách thì các thông tin đều được cập nhật vào hệ thống.

 “Cách quản lý trên không những  giúp nâng chất lượng dịch vụ, phục vụ của đơn vị mà còn góp phần hạn chế tình trạng nhân viên nghỉ việc “lôi kéo” theo khách hàng họ phụ trách về tay DN đối thủ. Đặc biệt, việc từng bước nâng cao uy tín, thương hiệu của ViettelPost cũng là biện pháp hữu hiệu để DN “giữ chân” khách hàng”, đại diện ViettelPost chia sẻ.

Theo ICTNews
Copyright © 2012 Bloghotvn All Right Reserved