Tiếng vọng từ phòng thủ thuật
Y cụ va vào nhau khô khốc. Tiếng gào khóc đau đớn của cô gái, tiếng trách móc của bác sĩ... Đó là những âm thanh mà bất cứ người nào từng đặt chân vào phòng thủ thuật gắp thai cũng sẽ khó quên.
Nài nỉ mãi, tôi mới được bác sĩ trưởng khoa của một trong những bệnh viện có tỉ lệ nạo phá thai cao nhất nhì cả nước hiện nay “đặc cách” cho quan sát những ca gắp thai ngoài giờ.
Lần sau sẽ... đến sớm hơn!
Bước qua hành lang hẹp, trên 2 chiếc giường bệnh, gần chục cô gái, đa phần còn rất trẻ, trong chiếc váy vải bệnh viện phát sẵn, ngồi chờ đến lượt mình. Trong số đó, một cô bé đi cùng bạn trai khiến tôi chú ý vì sự thông thạo từng quy định của bệnh viện khi đi “giải quyết hậu quả”. Thay xong chiếc váy, cô bé nhanh chóng xếp quần jean bỏ vào giỏ xách trao cho bạn trai, rồi đi ngay vào phòng hồi sức ngồi chờ như một việc đã rất quen thuộc.
Trước phẫu thuật khoảng 3 giờ, bác sĩ cho bệnh nhân ngậm thêm 2 viên thuốc, mỗi viên một bên má và nằm nghỉ. Nằm trong phòng chờ tiểu phẫu, chị H.T.T, công nhân một xí nghiệp giày ở quận 10- TPHCM, cho biết: “Ngậm thuốc được một lúc thì bụng bắt đầu có những cơn đau đầu tiên, khó chịu lắm!”.
Cửa phòng phẫu thuật xịch mở cùng tiếng la hét của một cô gái dội ra khiến tôi giật nảy người. Vừa gào khóc vừa lắc đầu nguầy nguậy, cô gái trong tình trạng bán khỏa thân đang phải trải qua những cơn đau trên bàn phẫu thuật. Lần lượt, từng bộ phận của thai nhi bị cắt rời, lấy ra bằng những thao tác hết sức dứt khoát của bác sĩ. “Thai lớn quá, 17 tuần tuổi rồi” - vị bác sĩ đi cùng tôi giải thích. Vừa phẫu thuật, vị bác sĩ phải gợi chuyện bằng cách nói to, át đi tiếng gào để cô gái quên đi cơn đau. Thuốc tê trong lúc này chỉ có tác dụng giảm bớt phần nào những cơn đau. Trong cơn gào khóc, đáp lại lời khiển trách: “Sợ đau sao không biết lo thân trước cho sớm đi”. Cô gái ngây ngô: “Xin lỗi bác sĩ... lần sau em sẽ đến sớm hơn!” (?!).
Bác sĩ phẫu thuật cho biết: “Chúng tôi phải kiểm tra rất kỹ sau khi phẫu thuật lấy thai nhi, tránh để sót lại trong cơ thể người mẹ. Nếu không sẽ rất nguy hiểm, phải nạo thai lại”.
Một cô gái vừa được phẫu thuật xong, cô hộ lý đến chuyển bệnh nhân sang băng ca, lau máu, đặt băng vệ sinh và giúp cô gái mặc lại chiếc váy bệnh viện. Trên băng ca, giờ cô gái không còn sức gào khóc nữa đang mệt lả người, mặt trắng bệch, nằm đợi hộ lý đẩy sang phòng hồi sức. |
Về với hư không
19 giờ, bóng đêm bao trùm khuôn viên bệnh viện. Đây là khoảng thời gian mà một nhóm thiện nguyện bảo vệ sự sống sinh hoạt tại TPHCM bắt đầu đến các bệnh viện, phòng khám phụ sản xin các thai nhi bị chối bỏ đem về.
“Từng bào thai được đựng trong túi ni lông màu đen. Chúng tôi mang các bào thai này về đặt trong ang sành, để dưới chân tượng Đức Mẹ của một nhà thờ ở quận 3”- T., một thành viên của nhóm, cho biết. Những nén hương ấm áp trên bàn thờ thánh nữ và những lời kinh nguyện cầu là những gì các thai nhi này được nhận.
“Từng bào thai được đựng trong túi ni lông màu đen. Chúng tôi mang các bào thai này về đặt trong ang sành, để dưới chân tượng Đức Mẹ của một nhà thờ ở quận 3”- T., một thành viên của nhóm, cho biết. Những nén hương ấm áp trên bàn thờ thánh nữ và những lời kinh nguyện cầu là những gì các thai nhi này được nhận.
Các thai nhi bị chối bỏ được nhóm thiện nguyện nhặt về, đặt trong ang sành và ngày ngày nhang khói... |
Tiếp đó, một thành viên khác của nhóm sẽ gom tất cả thai nhi này vào ba-lô mang đến một dòng tu tại quận Bình Thạnh, trao lại cho một thầy trợ sĩ chuyên lo liệu hỏa thiêu thành cốt tro, táng vào trong ruột những viên gạch lớn. “Ước nguyện của những người làm công việc nhặt và hỏa táng các thai nhi là khi có điều kiện thuận lợi, những viên gạch này sẽ được dùng để xây dựng thành một bức tường, tựa như một lăng Anh Hài, để mọi người có thể đến đây cầu nguyện cho các em. Mỗi ngày, chúng tôi tiếp nhận ít thì 50, nhiều nhất khoảng 200 bào thai bị chối bỏ” - linh mục Q.U chia sẻ.
Trong hơn một năm nay, tổng cộng đã có trên 20.000 bào thai bị chối bỏ được nhóm thu nhặt, hỏa táng. Con số ấy so với hơn 1,1 triệu ca nạo phá thai mỗi năm ở VN là quá nhỏ bé. Song, bằng những cố gắng của mình, nhóm thiện nguyện ấy vẫn tiếp tục kiên trì làm việc, vừa xin các bào thai về hỏa táng, nhang khói vừa thuyết phục các cô gái chuẩn bị nạo phá thai suy nghĩ lại. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với chúng tôi, nhóm thiện nguyện này vẫn tỏ ra e dè, không muốn tiết lộ danh tính của nhóm cũng như từng thành viên. “Chúng tôi lo ngại rằng khi báo chí thông tin và mọi người biết việc chúng tôi làm thì các bệnh viện, phòng khám... sẽ không thuận tình cho bào thai như trước nữa. Thay vào đó, họ sẽ xử lý một cách đơn giản như trước nay vẫn làm: Thiêu hủy các thai nhi bị chối bỏ” - các thanh viên của nhóm băn khoăn.
Những tấm lòng vàng
Không chỉ ở TPHCM, hiện có rất nhiều người tại các tỉnh, TP rất nặng lòng với thân phận của những bào thai bị chối bỏ. Những người phục vụ ở nghĩa trang Anh Hài tại xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế là một ví dụ. Hằng ngày, họ - đa phần là người nghèo khó - đi thu nhặt thai nhi bị nạo phá ở khắp các bệnh viện, phòng khám, để đem về an táng, nhang khói tại nghĩa trang Anh Hài.
Tại Nha Trang, anh Tống Phước Phúc cùng nhóm thiện nguyện của mình và nghĩa trang Đồng Nhi đã trở nên quen thuộc với những bệnh viện lớn và các phòng khám địa phương. Hằng ngày, anh cùng nhóm đi nhận các thai nhi bất hạnh từ các bệnh viện, phòng khám, rồi lang thang ở các bãi biển, bờ rào, bãi rác... để tìm nhặt các thi hài xấu số, đem về chôn cất.