Smartphone sẽ có chip mạnh ngang siêu máy tính
Một ngày không xa nữa, điện thoại di động sẽ được trang bị những bộ não CPU lên tới 48 nhân, Intel tuyên bố. Với sức mạnh xử lý này, người dùng sẽ nắm trong tay một cỗ máy tương đương với siêu máy tính, hoặc khiêm tốn nhất thì cũng là ultrabook đầu bảng trên thị trường hiện nay.
Trong tương lai gần, những smartphone kiểu này sẽ được trang bị chip lên tới 48 nhân. |
Theo bài báo vừa đăng tải trên Computerworld, nhóm kỹ sư Intel tại Barcelona đã “tìm ra cách tích hợp đa nhân cho chip di động” và dự đoán những con chip kiểu này có thể thương mại hóa sau 5-10 năm nữa.
Hiện tại, những dòng chip tablet và smartphone mạnh nhất cũng mới chỉ dừng lại ở 4 lõi (hoặc 5 lõi, nếu như bạn tính cả lõi Tegra mini trong chip của Nvidia). Một số họ chip như Intel Atom thậm chí chỉ có một nhân duy nhất.
Việc tăng nhân cho vi xử lý sẽ cho phép thiết bị điều phối các nhiệm vụ tới những phần khác nhau của con chip một cách hợp lý, nhờ vậy các nhân chip không bị quá tải. Chip sẽ chạy nhanh hơn và tiết kiệm pin hơn. Lấy thí dụ, một lõi nhân sẽ mã hóa email trong khi lõi khác chạy ứng dụng. Một số lõi chủ chốt sẽ chạy ở tốc độ cao để hỗ trợ các ứng dụng nặng, trong khi các lõi chip phụ đảm trách những nhiệm vụ cơ bản để bảo đảm thời lượng pin.
Ý tưởng điều phối nhiệm vụ cho các nhân khác nhau không phải quá mới, khi gần đây Nvidia cũng theo đuổi chiến lược tương tự với dòng chip Tegra 3. Vi xử lý này có 4 lõi chính cộng thêm một lõi phụ thứ năm để chạy những ứng dụng nhẹ, không đòi hỏi nhiều sức mạnh điện toán. Nvidia khẳng định thiết kế này sẽ giúp cải thiện việc tiêu thụ điện năng ở thiết bị di động.
Tuy nhiên 48 nhân vẫn là một cuộc đại cách mạng so với 5 nhân. Thật khó để tưởng tượng lúc này là vì sao một chiếc smartphone lại phải cần tới sức mạnh khủng khiếp như vậy, cũng như giới phát triển sẽ rất khó tạo ra ứng dụng dành riêng cho 48 nhân. Ở cấp thấp nhất, smartphone của bạn có thể sẽ thay thế cho PC, lưu trữ toàn bộ các chương trình và dữ liệu công việc, cá nhân trong lòng bàn tay.
Và biết đâu sau 5-10 năm nữa, khi những ứng dụng như nhận dạng giọng nói, công nghệ tương tác thực tế (augmented reality)... sẽ trở nên phổ biến và các con chip di động sẽ cần phải mạnh hơn để cáng đáng được những ứng dụng đó.
Theo Vietnamnet